Gói vay 16 nghìn tỉ: Điều chỉnh ngay để doanh nghiệp không nản

Theo các chuyên gia, chính sách cho doanh nghiệp (DN) vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động (NLĐ) chưa thực hiện được do hoạch định thiếu thực tế. Cơ quan chức năng cần khẩn trương điều chỉnh, bởi bây giờ DN đã chuyển sang giai đoạn phục hồi sản xuất, nên sự hỗ trợ đã giảm nhiều ý nghĩa.
Gói vay 16 nghìn tỉ: Điều chỉnh ngay để doanh nghiệp không nản - Ảnh 1.

Chính sách cho DN vay trả lương lãi suất 0% thiếu thực tế khiến DN chưa tiếp cận được, người lao động cũng gặp khó theo.

Chính sách thiếu thực tế

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho rằng, những điều kiện của gói vay trả lương lãi suất 0% là quá khắt khe khiến DN khó tiếp cận.

Theo ông Đồng, trong thời điểm này, nếu tiếp tục hỗ trợ nên chuyển sang hỗ trợ thêm cho người lao động, chứ cho DN vay sẽ không có ý nghĩa nhiều, vì quá muộn.

Còn nếu muốn tiếp tục hỗ trợ, phải thay đổi điều kiện trong Quyết định 15, chỉ cần đưa ra tiêu chí DN bị sụt giảm doanh thu do tạm dừng sản xuất trong thời gian dịch Covid-19 và sự xác nhận của chính quyền địa phương là có thể giải ngân được.

Ông Đồng cho rằng trong gói vay này, nguyên nhân khiến việc triển khai không hiệu quả là do cơ sở dữ liệu để hoạch định chính sách có vấn đề. 

“Chúng ta có Chính phủ điện tử nhưng công tác thống kê, quản lí cơ sở dữ liệu lại kém. Khi ban hành chính sách, Bộ LĐ-TB&XH cần tính toán được có bao nhiêu DN đóng cửa, bao nhiêu DN có 20% hay 50% số lao động phải nghỉ việc... để cân đối chứ không thể áng chừng được”, ông Đồng nói.

Ngoài ra, theo ông Đồng, cần thực hiện nhanh, khẩn trương gói hỗ trợ, bởi đến bây giờ DN đã chuyển sang giai đoạn phục hồi sản xuất, nên sự hỗ trợ đã giảm đi nhiều ý nghĩa. Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH có thể tham vấn bên ngân hàng thương mại về nhu cầu vay của DN. Trong gói vay này, Ngân hàng Nhà nước có thể bơm tiền cho ngân hàng thương mại để triển khai, giám sát thuận tiện hơn.

TS Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, ngay từ khi chính sách cho DN vay trả lương lãi suất 0% được ban hành, cộng đồng DN vừa và nhỏ rất mong sớm được tiếp cận.

Theo ông Nam, mục đích của chính sách hỗ trợ ngoài mang tính hỗ trợ nhân văn, còn giúp DN phát triển. Tuy nhiên, các quy định đưa ra khá cứng nhắc và tương phản với sự phát triển của DN. Bởi trên thực tế, số lượng DN không có một khoản thu nào là rất hiếm. Trong thời gian dịch bệnh, các DN vẫn cố gắng tìm kiểm các nguồn thu để bù đắp sự sụt giảm doanh thu.

Bên cạnh đó, đối với NLĐ, nếu đã hỗ trợ không nên phân biệt giữa lao động đã được đóng và chưa được đóng bảo hiểm xã hội. Theo ông Nam, cần điều chỉnh các điều kiện này để DN sớm tiếp cận gói hỗ trợ.

Sẽ điều chỉnh tiêu chí

Chiều 12/6, trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết đang xây dựng dự thảo điều chỉnh quy định liên quan gói vay 16 nghìn tỉ đồng. Theo đó, Bộ đề xuất giảm các tiêu chí, trong đó bỏ tiêu chí DN gặp khó khăn về tài chính và không có nguồn để trả lương. Thay vào đó, DN chỉ cần sụt giảm doanh thu là có thể vay, không cần phải chứng minh hết quỹ lương dự phòng để trả cho NLĐ.

Theo vị này, DN vẫn đứng ra vay và tiền sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản của người lao động. Sau khi điều chỉnh, gói vay vẫn nằm trong mức 16 nghìn tỷ đồng.DN nào đủ điều kiện sớm sẽ được ưu tiên để vay.

“Hiện tại, Bộ LĐ-TB&XH đã họp cùng lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội. Các bên đã thống nhất sẽ nới điều kiện để DN tiếp cận dễ hơn. Dự thảo đang trình Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH xem xét để báo cáo Thủ tướng vào tuần sau”, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, để hoạch định chính sách trong trường hợp này, cần khảo sát, lắng nghe nguyện vọng của DN, NLĐ, từ đó căn cứ vào số liệu để dự báo tình hình. Trong gói cho vay trả lương lãi suất 0%, rõ ràng các quy định đưa ra thiếu thực tế. Cơ quan nhà nước vừa muốn cho vay, vừa muốn rào then, đóng chốt thì rất khó cho DN.

Theo ông Huân, trong trường hợp điều chỉnh chính sách, Bộ LĐ-TB&XH nên rà soát lại xem nguyện vọng của DN bây giờ như thế nào, có nhu cầu vay vốn trả lương nữa hay không, tránh tình trạng điều chỉnh xong, kết quả triển khai vẫn không hiệu quả.


chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.