Mới đây, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán: HAG) công bố đã mua lại trước hạn 407 tỷ đồng trái phiếu còn lại trong lô trái phiếu 930 tỷ đồng từng phát hành cho Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) vào ngày 29/12/2016. Cuối tháng 5 trước đó, HAGL cũng đã mua lại 328 tỷ đồng trái phiếu từ trái chủ HDBank.
Theo báo cáo tài chính quý I/2021, khoản vay bằng trái phiếu mà công ty vừa mua lại nêu trên (735 tỷ đồng) là khoản nợ duy nhất với HDBank tính đến ngày 31/3.
Để tất toán toàn bộ số nợ với HDBank, HAGL đã bán thỏa thuận gần 80 triệu cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico). Sau khi bán xong lượng cổ phiếu trên, tỷ lệ sở hữu của HAGL giảm còn 16,07% tại HAGL Agrico.
Ước tính theo thị giá cổ phiếu HNG trên thị trường gần đây, tổng số tiền HAGL thu về khoảng 800 tỷ đồng.
HAGL Agrico từng là công ty con và là đơn vị mang lại doanh thu chính cho HAGL trong những năm trước đây. Tuy nhiên, thời điểm nhóm HAGL gặp khó khăn về tài chính, tháng 9/2018, CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã chính thức hợp tác với HAGL Agrico thông qua sở hữu 35% vốn cổ phần, bắt tay vào cơ cấu tài chính thông qua việc mua nợ, mua công ty con.
Kể từ sau cái bắt tay giữa "bầu" Đức và Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương, HAGL dần rút vốn khỏi HAGL Agrico và chính thức không còn là công ty mẹ của HAGL Agrico từ ngày 8/1/2021. Theo đó, báo cáo tài chính của HAGL Agrico không được hợp nhất vào báo cáo của HAGL kể từ quý I năm nay.
Đây là nguyên nhân chính kéo nợ đi vay của HAGL tại ngày 31/3/2021 giảm mạnh so với đầu năm, từ 18.100 tỷ đồng về 8.710 tỷ đồng - mức thấp nhất trong vòng 10 năm gần đây của doanh nghiệp.
Nhìn lại lịch sử hoạt động của HALG trước khi rút khỏi HAGL Agrico, doanh nghiệp từng có giai đoạn chìm trong nợ nần.
Cuối năm 2015, nợ đi vay của doanh nghiệp chạm mốc 27.100 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước đó và đạt mức cao nhất kể từ khi thành lập. Tổng nợ phải trả cùng năm là hơn 32.900 tỷ đồng, gấp hơn hai lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
HAGL chịu áp lực nợ vay lớn khi tỷ lệ đòn bẩy ở mức cao (1,8 - 2,2) liên tục trong giai đoạn 2015 - 2018. HAGL Agrico (khi đó còn là công ty con của HAGL) thì bị mất thanh khoản nghiêm trọng, không còn khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn.
Trong khi thời điểm đó HAGL bắt đầu kinh doanh kém sắc. Năm 2015 báo lãi sau thuế sụt giảm hơn 60%, sang đến năm 2016 thậm chí lỗ hơn 1.500 tỷ đồng.
Dần thoát khỏi vòng xoáy nợ nần, động thái mới đây cho thấy “bầu” Đức sắp trở lại với lĩnh vực bất động sản.
Tại buổi gặp mặt ngày 7/6 vừa qua với các lãnh đạo tỉnh Kon Tum, "bầu" Đức mong muốn tỉnh tạo điều kiện để tập đoàn triển khai 3 dự án với tổng nguồn vốn đầu tư từ 7.000 đến 8.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong các dự án HAGL dự kiến triển khai có dự án bất động sản quy mô 80 ha.
Kể từ cuối năm 2019 khi HAGL chính thức rút khỏi mảng bất động sản để dồn lực cho nông nghiệp, đây là lần đầu tiên doanh nghiệp cho thấy động thái muốn trở lại lĩnh vực này.
Nhìn lại gần 30 hoạt động của HAGL, trước khi chuyển hướng hoàn toàn sang lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư vào bất động sản và xây dựng từng là ngành chủ lực của doanh nghiệp.
HAGL là chủ đầu tư nhiều dự án lớn như dự án Bàu Thạc Gián và Khu phức hợp đường 2/9 (Đà Nẵng), Khu căn hộ cao cấp Trần Xuân Soạn (quận 7), Hoàng Anh River View (quận 2), dự án New Saigon và Khu căn hộ Phú Hoàng Anh (Nhà Bè), dự án Hoàng Anh Đầm Sinh Thái (Quy Nhơn), Khu căn hộ Hoàng Văn Thụ (Pleiku), Tây Nguyên Plaza (Cần Thơ),...
Giai đoạn 2007 - 2009, doanh thu từ bán căn hộ và ký kết các hợp đồng xây dựng của HAGL tăng trưởng từng năm, năm 2009 tỷ lệ tăng trưởng lên tới 176%. Tỷ trọng lĩnh vực bất động sản trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng tăng từ 50% năm 2007 lên 85% năm 2009.
Tuy nhiên, sau khi "bong bóng" bất động sản nổ ra, hoạt động kinh doanh của HAGL cũng chịu ảnh hưởng, lợi nhuận thu về trong giai đoạn 2010 - 2012 liên tục sụt giảm. Trong bối cảnh đó, "bầu" Đức đã lên chiến lược tái cấu trúc và quyết định rút dần khỏi mảng này.
Thống kê cho thấy từ năm 2012 đến năm 2018, tỷ trọng mảng bất động sản đóng góp vào doanh thu của HAGL lao dốc từ 75% chỉ còn 1%.
Trên thực tế, HAGL đã bắt đầu có động thái thu hẹp dần lĩnh vực kinh doanh bất động sản từ năm 2008 thông qua thanh lý khoản đầu tư tại CTCP Giai Việt (House Viet), giúp công ty thu về 400 tỷ đồng.
Sang đến năm 2010, số lãi từ bán các khoản đầu tư của HAGL tăng vọt lên 1.070 tỷ đồng, riêng thương vụ bán cổ phần của Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh đã ghi nhận 890 tỷ đồng.
Liên tiếp các năm tiếp theo, HAGL lần lượt rút vốn khỏi các đơn vị đầu tư bất động sản và chính thức rút chân khỏi mảng này sau thương vụ thoái nốt 48% vốn khỏi Hoàng Anh Myanmar (2019).