10 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam năm 2019 có tổng giá trị gần 7 tỉ USD

Riêng giá trị thương hiệu của Vinamilk và Viettel đã chiếm đến hơn 4,3 tỉ USD, theo thống kê của Forbes Việt Nam.

Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu trong các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam. Tổng giá trị thương hiệu của 50 doanh nghiệp này đạt hơn 9,3 tỉ USD, tăng 1,2 tỉ USD so với thống kê vào năm 2018.

Theo ghi nhận, danh sách 50 doanh nghiệp Việt Nam có giá trị thương hiệu cao nhất rải đều ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ thực phẩm đồ uống, viễn thông, ngân hàng, bán lẻ…

vinamilk

Vinamilk hiện là thương hiệu giá trị nhất của Việt Nam, với 2,2 tỉ USD, theo Forbes. (Ảnh: Vinamilk).

Trong đó, hai thương hiệu có giá trị cao nhất và cách biệt rất xa với các thương hiệu khác còn lại trong bảng xếp hạng là Vinamilk và Viettel.

Vinamilk đứng đầu danh sách này, với giá trị thương hiệu hơn 2,2 tỉ USD.

Vị trí thứ hai thuộc về Viettel, với giá trị thương hiệu hơn 2,1 tỉ USD. Viettel cũng đồng thời là thương hiệu có giá trị thăng tiến nhanh chóng nhất trong bảng xếp hạng năm qua, từ mức gần 1,4 tỉ USD vào năm 2018  lên hơn 2,1 tỉ USD năm 2019, "sát nút" thương hiệu dẫn đầu là Vinamilk.

Các vị trí còn lại của top 10 là các thương hiệu quen thuộc như Sabeco, Vinhomes, Masan Consumer, MobiFone, VinaPhone, Vietcombank, FPT và Vincom Retail.

Danh sách top 10 có thể thấy, các doanh nghiệp về thực phẩm đồ uống và viễn thông chiếm áp đảo, mỗi lĩnh vực có sự tham gia của 3 đại diện. 

Cụ thể, nhóm thực phẩm đồ uống có Vinamilk (2,2 tỉ USD), Sabeco (486 triệu USD) và Masan Consumer (305 tỉ USD). 

Nhóm viễn thông gồm Viettel (2,1 tỉ USD), MobiFone (393 triệu USD) và Vinaphone (301 triệu USD).

Ảnh chụp Màn hình 2019-07-29 lúc 16

Vinamilk và Viettel dẫn đầu top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. (Nguồn: Forbes Việt Nam - Đồ hoạ: Phúc Minh).

Ngoài ra, bảng xếp hạng cũng cho biết có 20 thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam có giá trị trên 100 triệu USD. 

Chiếm tỉ trọng nhiều nhất các doanh nghiệp có tên trong danh sách là nhóm ngành hàng thực phẩm và đồ uống, với 10 đại diện. Các ngành phụ trợ nông nghiệp, chứng khoán, du lịch và dịch vụ lưu trú mỗi nhóm chỉ có 1 đại diện. 

Các lĩnh vực hàng tiêu dùng, ngân hàng, viễn thông, bất động sản, bán lẻ cũng chiếm tỉ trọng cao xét theo giá trị.

Forbes Việt Nam cho biết bảng xếp hạng được thực hiện theo phương pháp đánh giá của Forbes (Mỹ), tính toán vai trò đóng góp của thương hiệu vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. 

Theo đó, thương hiệu giá trị nhất là thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong các ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo. Forbes Việt Nam tính toán thu nhập trước thuế và lãi vay, sau đó xác định giá trị đóng góp của tài sản vô hình. 

Thu nhập thương hiệu mang lại cho doanh nghiệp được xác định từ giá trị đóng góp của tài sản vô hình, sau khi đã áp thuế thu nhập doanh nghiệp và phân bổ tùy theo mức độ đóng góp của thương hiệu trong từng ngành. 

Giá trị thương hiệu chung cuộc được xác định dựa trên chỉ số P/E (hệ số giữa thị giá và thu nhập trên mỗi cổ phần) trung bình ngành trong khu vực.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.