Đầu tháng 8 vừa qua, tại hội nghị “Cải thiện năng suất lao động quốc gia”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Việt Nam đang có tốc độ tăng năng suất lao động nhanh và cao hơn so với các nước trong khu vực.
Cụ thể, năng suất lao động trên đầu người năm 2018 đạt 102 triệu đồng, tăng 6,7% so với năm 2017. Trong giai đoạn 2011 – 2018, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng năng suất lao động bình quân 5,8% mỗi năm.
Năng suất lao động của người Việt được cải thiện bởi 2 nguyên nhân: Thứ nhất là sự chuyển dịch lao động từ các lĩnh vực năng suất thấp như nông nghiệp sang các nhóm ngành khác có năng suất cao hơn như công nghiệp, dịch vụ. Thứ hai là sự hỗ trợ của khoa học công nghệ giúp gia tăng tốc độ hoàn thành công việc.
Trước đây, cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam chiếm 80%, nhưng hiện nay chỉ còn chiếm 37%. Mặc dù vậy, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế, do đó bên cạnh việc giảm bớt số lượng lao động, điều tối quan trọng để duy trì vị thế của nông nghiệp Việt Nam đó là phải cải thiện năng suất.
“Muốn nông nghiệp phát triển, năng suất cao, chúng ta cần 100 nhà làm nông nghiệp như bà Thái Hương”, Thủ tướng nhận xét.
Nữ doanh nhân Thái Hương – nhà sáng lập và Chủ tịch Hội đồng Chiến lược của Tập đoàn TH, từ lâu đã là biểu tượng khi nhắc tới việc xây dựng thành công mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp năng suất cao tại Việt Nam. Tiên phong trong việc xây dựng mô hình trang trại bò sữa công nghệ cao tiêu chuẩn quốc tế, trong vòng một thập kỉ, Tập đoàn TH đã làm thay đổi hoàn toàn thị trường sữa trong nước và đang xuất khẩu mô hình này sang các quốc gia phát triển như Nga, Úc.
Nông nghiệp là một trong những ngành nghề cổ xưa nhất, đã tồn tại từ ngàn đời nay và tại Việt Nam, nó cũng là ngành khó chuyển đổi nhất. Người nông dân Việt Nam đã quen với cách làm cũ truyền từ đời này sang đời khác, hệ quả là nông nghiệp chỉ phát triển trên quy mô nông hộ, manh mún và lạc hậu.
Tuy nhiên, nếu đến trang trại bò sữa đã đạt Kỉ lục lớn nhất châu Á (2015) của Tập đoàn TH đặt tại Nghĩa Đàn, Nghệ An, người ta sẽ chứng kiến một cách làm nông nghiệp rất khác. Trên diện tích hàng trăm ha với tổng số 45.000 con bò, có rất ít người làm việc.
Hình ảnh người nông dân làm công việc chăn nuôi, đồng áng dưới cái nắng xứ Nghệ được thay thế bằng những cánh tay tưới dài 500m, quay một vòng 360 độ, đủ sức tưới cho cả triệu mét vuông đồng ruộng.
Mỗi cánh tay tưới được kết nối tới hệ thống vi tính truyền dữ liệu. Hệ thống này sẽ tính toán độ ẩm và tiến hành phun nước. Thông qua các thiết bị công nghệ, công nhân có thể vận hành được cả hệ thống máy móc tưới chuẩn mực cho hàng ngàn ha cao lương, ngô cỏ… của trang trại.
Bên trong nhà máy sản xuất thức ăn cho bò sữa của TH, những hệ thống tự động làm nhiệm vụ trộn thức ăn cho bò theo đúng tỉ lệ đã được lập trình. Khẩu phẩn ăn của bò được lập trình và xây dựng phù hợp với sức khỏe, sinh lí của bò (được theo dõi qua con chip gắn dưới chân bò sữa). Bò được chăn nuôi với dinh dưỡng toàn diện, phù hợp sẽ cho ra dòng sữa tốt nhất. Kể cả nước uống cho bò đều được xử lí bằng công nghệ lọc tiên tiến nhất thế giới, đảm bảo nguồn nước sạch cho bò sữa uống.
Tất cả những lĩnh vực liên quan trong trang trại bò sữa của TH đều được áp dụng công nghệ và tự động hóa. Từ quy trình xuất thức ăn, nước uống, xử lí chất thải cho tới vắt sữa tự động, phối giống, khám sức khỏe cho bò.
Bên trong nhà máy sản xuất sữa tươi lớn nhất Đông Nam Á có công suất thiết kế 500 triệu lít/năm, người ta thấy robot nhiều hơn con người, qua đó giúp giảm chi phí nhân công công, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.
Trang trại bò sữa tại Nghĩa Đàn được xây dựng bài bản theo chuẩn quốc tế. Từ đó, các sản phẩm sữa mà TH cung cấp hướng tới tiêu chí sạch, an toàn, và 100% sản phẩm đều có nguyên liệu là sữa tươi từ trang trại. Để làm được điều này, bà Thái Hương theo đuổi một chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đi từ gốc đến ngọn, đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn nhưng đổi lại là những giá trị bền vững.
Cụm Trang trại bò sữa chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao lớn nhất châu Á tại Nghĩa Đàn (Nghệ An) có tổng vốn đầu tư 1,2 tỉ USD, quỹ đất tự chủ nguồn nguyên liệu với tổng diện tích quy hoạch là 37.000 ha, tổng đàn bò dự kiến lên đến 137.000 con. Mô hình trang trại được phát triển dựa trên sự tư vấn của các chuyên gia Israel, một cường quốc nông nghiệp trên thế giới.
Hiện tại, bò sữa tại trang trại Nghĩa Đàn chonăng suất cao, trung bình 40 lít sữa/ngày, với tổng nguồn cung ra thị trường 600 tấn sữa tươi mỗi ngày, đưa TH trở thành đơn vị cung cấp sữa tươi lớn nhấtViệt Nam, chiếm 40% thị phần.
Xây dựng những dây chuyền sản xuất lớn và cơ giới hóa nông nghiệp để tăng năng suất lao động, song đó mới chỉ là bề nổi trong chiến lược nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn TH. Công cuộc cải thiện năng suất lao động không chỉ cần thực hiện trên cánh đồng, mà còn được hoàn thiện ngay bên trong bộ máy của Tập đoàn
Ngoài trang trại bò sữa hiện đại và tự động hóa hàng đầu châu Á tại Nghệ An, các trang trại rau quả sạch thuộc dự án FVF, các trang trại dược liệu của TH Herbals, Tập đoàn TH cũng đã mở rộng hoạt động ra nước ngoài với dự án Tổ hợp chăn nuôi và chế biến sữa công nghệ cao tại Nga, và các hoạt động phân phối tại Mỹ, Campuchia và Trung Quốc.
Với quy mô hơn 6.500 nhân viên và dự kiến sẽ không ngừng gia tăng khi Tập đoàn phát triển quy mô hoạt động trong tương lai, TH cần giải pháp công nghệ trong quản lí, điều phối nhân sự.
Con người được TH xác định là một trong 6 trụ cột chính trong phát triển bền vững của Tập đoàn, vì vậy việc tối ưu hóa nhân sự cũng là một bài toán quan trọng mà TH tập trung triển khai.
Trong năm 2018, Tập đoàn TH là công ty Việt Nam đầu tiên triển khai thành công tất cả các phân hệ của giải pháp quản trị tiên tiến SAP SuccessFactors để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và quản trị nguồn nhân lực.
Giải pháp quản lí nguồn nhân lực tân tiến này tích hợp các công tác quản lí nhân sự chính như đào tạo nhập môn cho nhân viên mới, các công cụ hợp tác và mạng xã hội, hệ thống quản lí đào tạo, quản lí hiệu suất, tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ kế thừa, quản lý nhân tài và phân tích chỉ số nhân sự,… tất cả các công cụ này được tích hợp hoàn toàn và tương tác với nhau trong thời gian thực.
Thông qua các công cụ quản lí nhân sự, Tập đoàn TH cải thiện được đáng kể những chỉ số hoạt động quan trọng như tối ưu hóa công tác quản lí nhân tài, nâng cao mức độ hài lòng của nhân viên cũng như hiệu quả hoạt động.
Tập đoàn TH quan niệm, năng suất lao động được cải thiện khi các nhân sự đều có cơ hội phát triển. Lãnh đạo TH cho biết hệ thống quản lí nhân sự tại TH được cụ thể hóa tới mức khi các vấn đề như giới tính, dân tộc, các nhân viên ở thành thị và nông thôn, người Việt Nam hay nước ngoài, đều được xây dựng một cơ chế để đảm bảo tính đa dạng, cơ hội và bình đẳng.
Sau khi tích hợp sâu khoa học công nghệ vào tất cả các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn, TH bắt đầu mở rộng hỗ trợ người nông dân gia tăng năng suất lao động.
Chỉ với một tin nhắn ngắn gọn gửi đi từ điện thoại di động, 19.000 nông dân trồng mía đang hợp tác với CTCP Mía đường Nghệ An (NASU), một đơn vị của Tập đoàn TH, đã có thể được cập nhật theo thời gian thực các thông tin quan trọng về mùa vụ, công tác trồng trọt chăm sóc cây trồng.
Những tin nhắn có cú pháp đơn giản đã hỗ trợ người nông dân cập nhật tức thời về những thông tin như sản lượng thu hoạch, tiến trình vận chuyển, tình trạng hợp đồng với nhà máy, đồng thời người nông dân cũngnhận được các thông tin hữu ích kịp thời cho canh tác hiệu quả như hướng dẫn bón phân, chăm sóc ruộng mía,…
Dưới sự hỗ trợ của Microsoft, đội ngũ tại NASU đã triển khai công cụ liên lạc miễn phí này để đem lại lợi ích lại cơ hội việc làm cho người nông dân, thực hiện mục tiêu về “giảm nghèo” và “xây dựng cộng đồng bền vững”.
Từ Nghệ An đi tiếp xuống phía Nam, những hộ nông dân đang cung cấp sữa tươi cho Dalat Milk, thông qua sự hỗ trợ của tập đoàn TH cũng đang từng bước áp dụng công nghệ để cải thiện năng suất.
Những hộ chăn nuôi của Dalat Milk được TH hướng dẫn và hỗ trợ chăn nuôi bò cao sản, thay giống, đổi thức ăn, xây dựng chuồng trại đảm bảo vệ sinh…, để nâng cao không chỉ năng suất mà còn cả chất lượng dòng sữa, đủ tiêu chuẩn để tiêu dùng và xuất khẩu.
Khác với với các doanh nghiệp khác, chỉ lựa chọn hướng dẫn một số kĩ thuật và thu mua sữa của bà con nông dân, TH chọn cách đồng hành với người nông dân, không chỉ từ cung cấp con giống, thức ăn, mà kiểm soát cả thú y, chất lượng dòng sữa... Dalat Milk cũng cho lắp đặt chíp điện tử cho đàn bò của nông hộ.
Từ con chíp điện tử ấy, người dân có thể theo dõi sức khỏe đàn bò thông qua máy tính hoặc điện thoại, biết tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng,… để đảm bảo cho ra được dòng sữa tươi ngon, ngọt lành nhất.
Nói cách khác, bò của TH được chăm sóc thế nào, bò của người nông dân hợp tác với TH cũng được chăm sóc như thế. Sữa ở trang trại TH như thế nào, thì sữa ở các nông hộ nuôi bò dưới sự hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm của TH cũng có chất lượng tương tự.
Hơn một thập kỉ đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, thành quả của TH thu được đã có thể đo lường bằng những con số cụ thể. Thị phần sữa tươi trên thị trường Việt Nam, từ con số 8% toàn ngành trong năm 2008, đã tăng lên khoảng 30% vào năm 2018. Trong đó, TH là thương hiệu dẫn đầu với khoảng 40% thị phần phân khúc sữa tươi và vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm.
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục được Tập đoàn TH đẩy mạnh khi trong năm 2017, tập đoàn đã tiến hành lễ động thổ 2 dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao ở Hà Giang và Phú Yên.
Năm 2018, Tập đoàn này cũng đã xúc tiến các hoạt động cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Thanh Hóa, Cao Bằng và Quảng Ninh. Bên cạnh đó, kiên tâm với con đường sản xuất đồ uống và thực phẩm cao cấp, tốt cho sức khỏe, sau thành công với sữa tươi, TH đã đa dạng hóa danh mục khi cho ra mắt thêm các sản phẩm mới như nước hoa quả, nước tinh khiết, nước lúa mạch, kem,… Tất cả các sản phẩm của TH đều có chung các giá trị như “Hoàn toàn từ thiên nhiên” và “Vì sức khỏe cộng đồng”.
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao mà TH là doanh nghiệp đi đầu khởi dựng hàng chục năm về trước hiện đã bắt đầu được nhân rộng trong ngành sữa, mô hình đó cho thấy con đường mà nhà sáng lập Thái Hương đã xây dựng cho TH là bền vững và thành công đã được chứng minh, thúc đẩy sự phát triển chung của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Cách làm của bà Thái Hương là “kết hợp tinh hoa công nghệ đầu cuối của thế giới với tài nguyên thiên nhiên Việt và trí tuệ Việt” để làm ra những sản phẩm đẳng cấp thế giới đã chứng minh sự hiệu quả và thành công. TH đã trở thành đơn vị đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng theo chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất, chế biến tới phân phối, Tập đoàn TH đã thành công khi đưa các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao ra thị trường (sữa tươi sạch mang thương hiệu TH true MILK, rau sạch FVF, thức uống thảo dược TH true Herbal…).
Nhìn vào thành quả “1 bà Thái Hương” làm được, có thể thấy nếu Việt Nam có “100 nhà làm nông nghiệp như bà Thái Hương”, việc trở thành cường quốc nông nghiệp đứng top 15 nước phát triển nhất thế giới như mong muốn của Chính phủ có lẽ không phải là mục tiêu quá xa vời.