2.200 căn nhà sở hữu chung ở TP HCM được cấp phép dễ có tranh chấp

"Chị mua ở đây sẽ yên tâm vì tụi em cũng là người ở đây, chủ khu đất này cũng ở trong biệt thự xây đằng sau các dãy nhà. Người mua sẽ được công chứng vi bằng, được sang tên quyền sở hữu nhà, ở lâu sẽ được đăng ký hộ khẩu".
 - Ảnh 1.

Những dãy nhà sở hữu chung được rao bán tràn lan trên địa bàn xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP HCM - (Ảnh: Ngọc Hà).

Dựa trên một giấy phép xây dựng nhà diện tích lớn, sau đó người dân lại xây thành 4-5 căn nhà nhỏ để bán. Điều này gây nhiều nguy cơ cho quản lý đô thị, tiềm ẩn những rủi ro, tranh chấp pháp lý sau này.

Đó là nhiều trường hợp phát sinh trong những năm qua tại một số quận huyện ngoại thành TP HCM. Cụ thể như trong hai năm 2017-2018, UBND huyện Củ Chi đã cấp 454 giấy phép xây dựng trên địa bàn xã Bình Mỹ để người dân chia thành hơn 2.200 căn nhà nhỏ.

Những lời rao có cánh về nhà sở hữu chung

Những căn nhà nhỏ trên không đủ diện tích chuẩn để tách thành nhà riêng, nên một giấy chủ quyền được cấp cho nhiều căn nhà nhỏ. Các chủ sở hữu những căn nhà nhỏ trở thành đồng sở hữu trên giấy chủ quyền (gọi là nhà sở hữu chung, sổ hồng chung).

Chúng tôi đã về những khu "nhà sổ hồng chung" này để tìm hiểu thêm. Qua khỏi cầu Rạch Tra, rẽ vào bất cứ hẻm nào của đường Hà Duy Phiên trên địa bàn xã Bình Mỹ cũng dễ dàng bắt gặp những dãy nhà mới xây dựng một trệt một lầu với diện tích nhà bằng nhau, kết cấu gần giống nhau.

Đó là những dãy nhà sổ hồng chung được rao bán khắp nơi trên địa bàn xã Bình Mỹ, trên các trang mạng mua bán đất động sản...

Chúng tôi quẹo vào một con đường nhỏ trong hẻm 46 Hà Duy Phiên, ấp 6, xã Bình Mỹ. Nơi đây có một khu gồm hơn 60 căn nhà một trệt, một lầu xây thành nhiều dãy ngang dọc nằm cạnh ruộng rau muống. Chúng tôi được hai người môi giới nữ tên Thủy và Hoa tiếp cận, giới thiệu cho từng căn nhà với mức giá xê xích nhau từ 1,2 đến 1,5 tỉ đồng mỗi căn.

Những căn nhà có diện tích từ khoảng 40m2, đã xây dựng hoàn thiện một trệt, một lầu với những chi tiết trang trí nội thất rất bắt mắt. Mỗi nhà đều đã có đồng hồ điện, nước riêng.

"Chị mua ở đây sẽ yên tâm vì tụi em cũng là người ở đây, chủ khu đất này cũng ở trong biệt thự xây đằng sau các dãy nhà. Người mua sẽ được công chứng vi bằng, được sang tên quyền sở hữu nhà, ở lâu sẽ được đăng ký hộ khẩu" - người môi giới tên Hoa giới thiệu với khách. Để củng cố niềm tin cho khách hàng, bà Thủy đưa ra một bộ giấy tờ pháp lý nhà để thuyết phục.

Hồ sơ nhà thể hiện chủ đất xin giấy phép xây dựng nhiều căn nhà, mỗi căn 120 - 160 m2, quy mô một trệt, một lầu. Bản vẽ theo giấy phép xây dựng thì mỗi giấy phép chia thành 3 hoặc 4 căn nhà liền kề nhỏ. Sau đó, chủ đất làm giấy ủy quyền cho một người trung gian làm tất cả các thủ tục liên quan đến đất từ thế chấp, chuyển mục đích sử dụng đất đến xin phép xây dựng, cấp số nhà, kí hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho...

Sau đó, người trung gian đứng ra xây nhà và bán cho khách hàng. Khách mua nhà ký với người trung gian một thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (giấy tay). Trong "hồ sơ pháp lý" nhà còn có vi bằng của văn phòng thừa phát lại ghi nhận khách hàng có giao cho người trung gian một số tiền, mà những người môi giới gọi đây là hợp đồng công chứng.

Đáng nói hơn, khi chúng tôi xem kỹ giấy tờ mới phát hiện giấy phép xây dựng thể hiện khu đất thuộc quy hoạch cây xanh, là giấy phép xây dựng có thời hạn, công trình tồn tại theo kế hoạch thực hiện quy hoạch 1/2.000 khu dân cư xã Bình Mỹ (khu 2). Mục đích của công trình là nhà ở cho công nhân.

Tương tự, ở đường 157, ấp 6A hay đường Trương Thị Thơm... cũng có những khu nhà sổ hồng chung với những dãy nhà trên dưới chục căn đang rao bán. Tất cả những khu nhà đều có bản vẽ kèm theo giấy phép xây dựng thể hiện rõ một giấy phép xây dựng nhiều căn. Bảng rao bán nhà, đất công khai tại các khu nhà với số điện thoại, diện tích đất nhan nhản...

 - Ảnh 2.

Bảng rao bán nhà, đất bao công chứng ngay đầu đường Trương Thị Thơm, xã Bình Mỹ. (Ảnh: Ngọc Hà).

Không biết người dân chia nhỏ nhà để bán

Theo Sở Xây dựng, trên địa bàn xã Bình Mỹ trong năm 2017-2018 có 454 giấy phép xây dựng được cấp với diện tích lớn. Sau đó, người dân dựa trên các giấy phép ấy để xây thành những dãy nhà sở hữu chung. Tất cả những dãy nhà sở hữu chung đều được xây dựng đúng giấy phép, tức là trong bản vẽ xin phép xây dựng người dân đã thể hiện rõ ý định phân nhà lớn thành nhiều căn nhà nhỏ khác nhau qua việc vẽ mặt đứng trước nhà có nhiều cửa ra vào, nhiều cửa sổ như một dãy nhà.

Bản vẽ các giấy phép xây dựng thể hiện UBND huyện Củ Chi đồng ý cho 454 giấy phép xây dựng chia thành hơn 2.200 căn nhà nhỏ. Suốt quá trình người dân xây dựng, các lực lượng chức năng như đội thanh tra địa bàn huyện Củ Chi, UBND xã đã kiểm tra "đúng tiến độ, đúng quy trình" từ khi khởi công đến khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng.

Làm việc với Tuổi Trẻ, đại diện UBND huyện Củ Chi cho rằng việc cấp giấy phép xây dựng một căn nhà có nhiều cửa chính, cửa sổ ở mặt trước là... không sai. Trước đây người dân xin xây dựng nhà ở riêng lẻ, rồi tự phân thành nhiều căn nên bị xử lý. Sau đó, người dân xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở cho công nhân nên UBND huyện Củ Chi căn cứ vào quyết định 75 về tiêu chuẩn nhà trọ cho thuê để cấp phép.

Thế nhưng trong thực tế những khu nhà sở hữu chung diện tích nhỏ trên khắp địa bàn xã Bình Mỹ không phải cho công nhân thuê, mà đang rao bán kinh doanh? Trả lời câu hỏi này, vị đại diện huyện Củ Chi nói chính quyền không biết người dân đem nhà ở cho công nhân đi bán.

"Một số nơi có người ở, chính quyền đến hỏi thì người ở nói thuê nhà chứ không nói mua" - đại diện UBND huyện Củ Chi thanh minh. Khi hỏi về những bảng rao bán nhà đặt công khai tại các khu nhà mới xây dựng thì vị này không trả lời.

Vị đại diện UBND huyện Củ Chi cũng cho biết khi cấp giấy phép xây dựng nhà ở cho công nhân, huyện không yêu cầu hộ gia đình phải có đăng ký kinh doanh cho thuê nhà trọ. Chỉ khi nào nhà trọ đi vào hoạt động kinh doanh thì chủ nhà phải đăng ký kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền.


Hệ lụy lâu dài cho đô thị, phức tạp về pháp lý

Một chuyên gia về phát triển đô thị của TP HCM nhận định việc xây dựng hàng loạt căn nhà nhỏ dưới chuẩn sẽ phá vỡ quy hoạch của khu vực. Số lượng người dân tập trung về ở quá đông sẽ gây áp lực lên hạ tầng xã hội của địa phương.

Đó là chưa kể các khu nhà ở nhiều căn như vậy nhưng chỉ là những giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, không thành lập dự án nên chính quyền không kiểm soát được những hạng mục về hạ tầng, giao thông, cấp nước, thoát nước, đường dây tải điện...

Ngoài ra, khi Nhà nước thực hiện quy hoạch, việc bồi thường hỗ trợ sẽ rất khó khăn do nhà nhỏ, dân cư đông.

Người dân có thể mất nhà khi có tranh chấp

Ông Hoàng Mạnh Thắng, trưởng Phòng công chứng số 7 (Sở Tư pháp), cho biết việc mua bán những căn nhà sở hữu chung qua quá nhiều tầng nấc pháp lý không chính thức. Chủ đất chỉ ủy quyền cho người bán nhà, người bán nhà bán bằng giấy tay, vi bằng chỉ có giá trị ghi nhận việc giao tiền...


Điều đó không có gì bảo đảm về quyền sở hữu cho người mua nhà, dù là sở hữu chung với nhiều chủ nhà khác. Nếu có tranh chấp xảy ra, khả năng người mua sẽ bị mất nhà rất cao vì tất cả giấy tờ mua bán đều không có giá trị pháp lý.


Còn nếu may mắn người dân có được giấy chủ quyền nhà đứng tên chung cùng nhiều chủ khác thì việc thực hiện các quyền về nhà, đất cũng rất khó khăn. Muốn xây, sửa nhà cũng phải được tất cả các đồng sở hữu đồng ý, thực hiện bất kỳ giao dịch nào cũng phải được tất cả các chủ sở hữu cùng đến đơn vị công chứng để ký tên trên hợp đồng.

 

 

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.