6 tháng đầu năm, An Phát Holdings thực hiện được 17% mục tiêu lợi nhuận năm

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, tập đoàn đạt 3.837 tỉ đồng doanh thu thuần, 108 tỉ đồng lãi sau thuế; giảm lần lượt 24% và 71% so với cùng kì năm 2019.

Doanh nghiệp nhựa điêu đứng vì Covid-19

CTCP Tập đoàn An Phát Holdings (Mã: APH) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí II/2020.

6 tháng, An Phát Holdings chỉ thực hiện được 17% mục tiêu lợi nhuận năm, nợ đi vay vượt VCSH - Ảnh 1.

Số liệu kinh doanh của APH quí II và 6 tháng đầu năm. (Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính)

Quí II, An Phát Holdings đạt 2.002 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 18% so với cùng kì năm 2019.

Giá vốn chỉ giảm 16% nên hết quí II biên lợi nhuận gộp của tập đoàn chỉ đạt 10,2%, giảm so với con số 12% của quí II/2019.

Các chi phí gia tăng nhưng nhờ doanh thu tài chính và lợi nhuận khác đột biến nên lợi nhuận quí II chỉ giảm 41% còn 66 tỉ đồng. 

Doanh nghiệp giải trình lợi nhuận quí II/2020 giảm 41% do kì này lợi nhuận từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản thấp hơn cùng kì năm 2019. 

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, tập đoàn đạt 3.837 tỉ đồng doanh thu thuần, 108 tỉ đồng lãi sau thuế; giảm lần lượt 24% và 71% so với cùng kì năm 2019.

Năm 2020, doanh nghiệp lên kế hoạch 12.000 tỉ đồng doanh thu thuần, 650 tỉ lãi sau thuế. Như vậy, sau nửa năm, tập đoàn mới chỉ thực hiện được 32% mục tiêu doanh thu và 17% lợi nhuận cả năm. 

Căn cứ thông tin trên bản cáo bạch, tập đoàn cho biết ngành nhựa điêu đứng vì sức mua thấp do đại dịch Covid-19. 

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 sản phẩm nhựa của Việt Nam, kim ngạch gần 149 triệu USD, chiếm 4,3% tổng kim ngạch của xuất khẩu sản phẩm nhựa. Việc biên giới giữa Trung Quốc – Việt Nam đóng cửa để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan gây thiệt hại không hề nhỏ. 

Không chỉ Trung Quốc, dịch bệnh bùng phát ở Hàn Quốc, Nhật Bản cũng khiến một số nhà máy sản xuất ô tô, xe máy tạm đóng cửa do bị gián đoạn chuỗi cung ứng các nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Do đó, tập đoàn nhận định doanh thu xuất khẩu những mặt hàng linh kiện ô tô xe máy của công ty có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nợ đi vay vượt vốn chủ sở hữu

Tại ngày 30/6, tổng tài sản của An Phát Holdings là 9.555 tỉ đồng, giảm 433 tỉ đồng so với đầu năm. 

Khoản tiền, tương đương tiền hết quí Ià 315 tỉ đồng, không biến động quá nhiều so với đầu năm. Tuy nhiên, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn lại giảm 511 tỉ so với đầu năm còn 728 tỉ đồng nhưng không được doanh nghiệp thuyết minh.

Tập đoàn có 2.678 tỉ đồng phải thu ngắn hạn. Trong đó, phải thu về cho vay 994 tỉ đồng, tăng 64% so với đầu năm và cũng không được doanh nghiệp thuyết minh. Giá trị hàng tồn kho tại ngày 30/6 là 1.075 tỉ đồng, giảm 258 tỉ so với đầu năm. 

Hết quí II, tổng nợ đi vay của An Phát Holdings là 4.474 tỉ đồng, vượt vốn chủ sở hữu (4.077 tỉ đồng) và chủ yếu vay từ ngân hàng. Trong cơ cấu nợ, tập đoàn có 758 tỉ đồng giá trị trái phiếu phát hành.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn vay 28,5 tỉ đồng từ CTCP Chứng khoán Techcombank và gần 20 tỉ đồng từ Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset.

Vừa lên sàn, cổ phiếu trần phiên thứ ba liên tiếp

An Phát Holdings là  công ty mẹ của một nhóm các công ty con chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm nhựa. Trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nhựa tại Việt Nam, An Phát Holdings là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất cả về doanh thu, lợi nhuận và sản lượng (hơn 8.000 tấn/tháng). 

Doanh thu hợp nhất của công ty đến từ ba hoạt động kinh doanh: Sản xuất, bán và kinh doanh thương mại sản phẩm nhựa và bao bì; kinh doanh nhà xưởng; cung cấp dịch vụ. Trong đó, sản xuất bán và kinh doanh thương mại sản phẩm nhựa và bao bì là hoạt động kinh doanh chiếm tỷ trọng lớn nhất là 91% tổng doanh thu. Đây cũng là ngành sản xuất chính của hầu hết các công ty con trong tập đoàn. 

Tập đoàn đang sở hữu hai công ty con cấp 1 là CTCP Nhựa An Phát Xanh (Mã: AAA) và CTCP Nhựa Hà Nội (Mã: NHH) và 9 công ty con sở hữu gián tiếp cùng các đơn vị liên kết.

An Phát Xanh đang sở hữu 7 nhà máy nhựa đang hoạt động và một nhà máy đang trong quá trình đầu tư, tổng sản lượng hàng tháng hơn 9.000 tấn. 

Còn Công ty Nhựa Hà Nội với ba nhà máy đã đi vào hoạt động, thế mạnh về sản xuất linh kiện ô tô – xe máy. Đáng lưu ý, Nhựa Hà Nội còn đang nắm trong tay 50% cổ phần Công ty TNHH Linh kiện nhựa Ô tô VinFast – An Phát (VAPA), gia công chính phần linh kiện ô tô – xe máy cho nhà máy VinFast.

Hiện tại, tập đoàn đang trong quá trình đầu tư dự án nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn đầu tiên tại Việt Nam.

Sản phẩm chính của dự án là vật liệu sinh học tự hủy Polybutyrate Adipate Terephthalate (PBAT). Dự án có công suất dự kiến là 20.000 tấn/năm và sẽ trực tiếp nằm dưới quyền quản lý của công ty mẹ.  Dự án dự kiến mang lại doanh thu 227 tỷ đồng vào năm 2021, 928 tỷ đồng vào năm 2022, và 1.499 tỷ đồng vào năm 2023.  

An Phát Holdings vừa niêm yết chính thức gần 132,6 triệu cổ phiếu trên HOSE vào ngày 28/7 với giá tham chiếu 41.500 đồng/cp. 

Tính tới 11h sáng 30/7, cổ phiếu APH trần phiên thứ 3 liên tiếp lên 56.900 đồng/cp. Tuy nhiên, thanh khoản phiên đầu tiên chỉ 275.000 đơn vị và tới phiên thứ hai chỉ hơn 193.000 đơn vị.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.