8 khu kinh tế cửa khẩu ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2025

Dựa trên nhiều tiêu chí, bộ KH-ĐT đề xuất Chính phủ phương án lựa chọn 8 khu kinh tế cửa khẩu tập trung đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 - 2025.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH-ĐT) vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết thực hiện Đề án “Rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số khu kinh tế (KKT) cửa khẩu để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước 2016 - 2020” và đề xuất lựa chọn một số khu kinh tế cửa khẩu tập trung đầu tư giai đoạn 2021 - 2025.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã lựa chọn 9 KKT cửa khẩu để tập trung đầu tư giai đoạn này gồm các KKT cửa khẩu: Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), Đồng Đăng - Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), Lào Cai (tỉnh Lào Cai), Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng); Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh); Cha Lo (tỉnh Quảng Bình); Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) và An Giang (tỉnh An Giang).

Tốc độ tăng trưởng XNK qua cửa khẩu năm 2019 gấp 2,5 lần năm 2015

Về tình hình xuất nhập khẩu (XNK), theo Bộ KH-ĐT, tổng kim ngạch XNK qua các KKT cửa khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao qua các năm. Riêng với năm 2019, tổng kim ngạch XNK đạt 28,9 tỉ USD, tăng 2,5 lần so với năm 2015.

Tốc độ tăng trưởng bình quân XNK qua các KKT cửa khẩu giai đoạn 2016 - 2019 đạt 20,7%, cao hơn tốc độ tăng trưởng XNK chung của cả nước cùng giai đoạn.

8 khu kinh tế cửa khẩu ưu tiên đầu tư năm 2021 - 2025 - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất nhập khẩu qua các khu kinh tế cửa khẩu giáp Trung Quốc, Lào, Campuchia năm 2019. (Ảnh: Tổng hợp từ báo cáo của Bộ KH-ĐT).

Năm 2019, tổng kim ngạch XNK qua các khu kinh tế cửa khẩu giáp Trung Quốc chiếm hơn 85% tổng kim ngạch qua toàn cửa khẩu cả nước và chiếm 1/5 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc.

Đối với 9 KKT cửa khẩu được ưu tiên đầu tư giai đoạn vừa qua, tổng kim ngạch XNK đạt 25,7 tỉ USD, tăng 2,2 lần so với năm 2015 và chiếm gần 90% tổng giá trị của toàn bộ 26 KKT cửa khẩu trên cả nước.

8 khu kinh tế cửa khẩu ưu tiên đầu tư năm 2021 - 2025 - Ảnh 2.

(Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của Bộ KH-ĐT).

Tổng số thu ngân sách năm 2019 của 9 KKT cửa khẩu đạt 8.000 tỉ đồng, chiếm gần 70% tổng số thu ngân sách của toàn bộ 26 khu kinh tế cửa khẩu. Một số khu kinh tế cửa khẩu có mức thu đạt cao là Đồng Đăng - Lạng Sơn, Lào Cai, Móng Cái, Lao Bảo.

Tuy nhiên, theo Bộ KH-ĐT, điểm hạn chế là các KKT cửa khẩu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển do nằm tại các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt không có khả năng thu hút nguồn vốn ODA, FDI, PPP tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu. Do đó mà nguồn vốn đầu tư hầu hết dựa vào nguồn vốn từ ngân sách trung ương.

8 khu kinh tế cửa khẩu được tập trung đầu tư giai đoạn 2021 - 2025

Bộ KH-ĐT đã đề xuất Chính phủ phương án lựa chọn một số KKT cửa khẩu tập trung đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 trên nhiều tiêu chí như kim ngạch XNK, số lượt người xuất nhập cảnh, thu ngân sách, số dự án đầu tư,...

8 khu kinh tế cửa khẩu ưu tiên đầu tư năm 2021 - 2025 - Ảnh 3.

Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. (Ảnh: Báo Quảng Ninh).

Cụ thể, 8 KKT cửa khẩu cần được ưu tiên đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 gồm:

1. KKT cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

2. KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

3. KKT cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

4. KKT cửa khẩu tỉnh Cao Bằng.

5. KKT cửa khẩu Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh.

6. KKT thương mại đặc biệt Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị.

7. KKT cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.

8. KKT cửa khẩu An Giang, tỉnh An Giang.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.