Ở Mỹ có một trường cao đẳng nhỏ tí tên là Deep Springs College nằm ở tiểu bang California.
Thành lập 100 năm nay, trường mỗi năm chỉ nhận vẻn vẹn 30 sinh viên nhưng đào tạo miễn phí hoàn toàn. Đổi lại, sinh viên phải làm việc, chủ yếu là công việc chăn nuôi gia súc trên cánh đồng cỏ linh lăng, trồng trọt, nấu ăn, dọn vệ sinh và sửa chữa xe cộ. Họ làm việc ít nhất 20 giờ mỗi tuần. Sinh viên phải học cưỡi ngựa, đánh số cho gia súc, cho bò ăn như các cao bồi. Họ cũng được rèn nếp sống thức dậy trước khi mặt trời mọc để thu hoạch rau củ trong vườn.
Ảnh minh họa: Internet. |
Vì mỗi năm chỉ có 30 người được theo học, do đó đầu vào của trường cực kỳ khó khăn. Mỗi lớp chỉ có tám sinh viên được chọn học theo lối thảo luận, đối thoại với giảng viên để tìm ra chân lý. Bởi vậy các giáo sư hiểu rất rõ học sinh và tạo ra các mối quan hệ mật thiết với từng em. Trường dạy khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn. Sau hai năm, sinh viên tốt nghiệp có thể sang một đại học khác để học chuyển tiếp.
Ngôi trường nhỏ tí trong sa mạc này làm được gì? Hầu hết sinh viên của họ sau khi ra trường tiếp tục theo học ở Harvard, Đại học Chicago, Yale, Brown, Columbia, Oxford, ETH Zurich, UC Berkeley, Cornell và Stanford - những đại học hàng đầu thế giới. Thống kê 100 năm qua cho thấy 2/3 sinh viên sau khi tốt nghiệp có bằng thạc sĩ, và hơn một nửa sinh viên của trường có bằng tiến sĩ. Họ đã là các học giả xuất sắc. Cựu sinh viên ở đây cũng đã lấy hai giải Pulitzer, một giải Emmy và một giải thưởng E. O. Lawrence. Họ cũng hái được các học bổng danh giá cho nghiên cứu của Mỹ như Rhodes và Truman...
Khi biết câu chuyện về ngôi trường bé nhỏ này, tôi nhận thấy rõ đào tạo nhân tài cần có chất lượng hơn số lượng. Và chỉ cần lấy chất lượng làm đầu, thành tựu sẽ rất rực rỡ. Tôi hiểu vì sao những sinh viên vừa học, vừa làm lại có thể trở thành người xuất chúng.
Câu chuyện này theo tôi cũng rất hữu ích khi nghĩ về việc đào tạo tiến sĩ của Việt Nam hiện nay; nhất là khi Bộ Giáo dục đang xin ý kiến cho dự thảo đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, trong đó mục tiêu là đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ khoảng 9.000 người với kinh phí dự kiến 12.000 tỷ đồng giai đoạn 2018 - 2025. Tôi đồng ý rằng cần nâng cao chất lượng giáo dục đại học nhưng cái mà người dân đang rất băn khoăn ở đây là hiệu quả của việc chi dùng 12.000 tỷ tiền thuế mà họ còng lưng đóng góp.
Hiệu quả đầu tiên chính là chất lượng các tiến sĩ trong đề án này. Liệu tuyển ồ ạt để có 9.000 tiến sĩ chỉ trong vòng 6 năm, tính ra một năm cần tuyển 1.500 tiến sĩ mới đạt chỉ tiêu, thì có ổn không?
Trong số 9.000 tiến sĩ, có 4.000 người sẽ đào tạo trong nước và liên kết, vậy chất lượng thế nào? Trong khi Việt Nam hiện đã có nhiều nơi được mệnh danh là lò ấp tiến sĩ với chất lượng đào tạo rất tồi tệ.
Còn với 5.000 tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài, nhất là với các tiến sĩ học ở các quốc gia phát triển, liệu học xong họ có quay về làm việc hay không. Liệu có lại tiếp tục rơi vào tình trạng phá vỡ hợp đồng, kiện cáo đòi học phí mà Đà Nẵng đã làm trong thời gian qua.
Tiếp đó, cứ cho là 9.000 tiến sĩ này sẽ về nước, vậy họ sẽ làm được gì?
Chính Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra nhận định rằng Việt Nam hiện nay có khoảng 9.000 giáo sư, phó giáo sư và trên 24.300 tiến sĩ nhưng kết quả nghiên cứu khoa học của Việt Nam tụt xa so với các nước trong khu vực ASEAN.
Trong 10 năm (1996 - 2005), các nhà khoa học nước ta chỉ công bố 3.456 công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí thuộc danh mục ISI. Kết quả này chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan; 1/3 so với Malaysia và 1/14 so với Singapore. Ngoài ra, trong giai đoạn 2006 đến 2010, Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có một bằng sáng chế.
Trong khi ở các cơ sở giáo dục đại học, nhiều nghiên cứu trọng điểm bị xé lẻ thành các đề tài nhỏ để chia cho nhiều tác giả. Dẫn đến các nghiên cứu trọng điểm, nhất là trong nghiên cứu cơ bản, có nguy cơ biến dạng, khó vươn lên trình độ quốc tế và khu vực.
Và cuối cùng, liệu đề án 9.000 tiến sĩ này có hiệu quả hay cũng chỉ đi vào vết xe đổ của ba bốn đề án đào tạo tiến sĩ cũng dùng tiền thuế dân trước đó?
Những câu hỏi này không được giải đáp thỏa đáng từ những lời phân trần mới đây của ông Bộ trưởng Giáo dục. Bởi vì người dân không thể tin vào vài lời đơn giản, họ cần có người thật, việc thật và hiệu quả thật.
Mà cho tới nay, Bộ Giáo dục là cơ quan chủ quản các đề án kiểu này chưa một lần nào giúp họ có thể củng cố niềm tin.
'Sao không dùng 12.000 tỉ đồng để tăng lương cho GV thay vì đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ?'
Dự thảo đề án về đào tạo thêm khoảng 9.000 tiến sĩ với kinh phí lên tới gần 12.000 tỉ đồng của Bộ GD&ĐT vừa ... |