Ác mộng 'cung điện trên biển', nhà giàu bị giam lỏng và từ chối

Đi tới đâu cũng không được phép cập cảng, những du thuyền siêu sang như cung điện nổi trên biển của giới nhà giàu không còn là những thiên đường nghỉ dưỡng như họ vẫn nghĩ.

Hành trình vô định

Những kì nghỉ như mơ trên du thuyền hạng sang đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều du khách. Westerdam, một du thuyền dài khoảng 285 m, có thể chở gần 2.000 hành khách, đã chịu sự hắt hủi khi liên tục bị từ chối nhập cảnh. Hàng nghìn hành khách rơi vào tình cảnh "bị giam lỏng" trên tàu, tương tự du thuyền Diamond Princess đang bị cách li tại cảng Yokohama, Nhật Bản.

Ngày 1/2, Westerdam bắt đầu hành trình dài 14 ngày tại Hong Kong, dự định kết thúc chuyến đi vào ngày 15/2 tại cảng Yokohama (Nhật Bản). Thế nhưng, sau khi rời bến, nó bị chính phủ Nhật từ chối nhập cảnh tại tất cả các cảng, bao gồm Ishigaki, Naha, Okinawa, Nagasaki và Fukuoka (Hakata), nên buộc phải hủy chuyến.

Sau khi bị từ chối nhập cảnh Nhật Bản, Philippines, đảo Guam, du thuyền Westerdam tiếp tục không được phép cập cảng Thái Lan, khiến hàng nghìn hành khách tiến thoái lưỡng nan.

Ác mộng 'cung điện trên biển', nhà giàu bị giam lỏng và từ chối - Ảnh 1.

Du thuyền lênh đênh trên biển vì không được cập cảng.

Lênh đênh trên biển 2 tuần, cuối cùng họ đã được Campuchia chịu nhận. Tàu MS Westerdam, chở 1.455 hành khách và 802 thành viên thủy thủ đoàn, đã cập cảng Sihanoukville của Campuchia vào ngày 13/2.

Sự việc chỉ thực sự nghiêm trọng khi một trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận ở Malaysia, sau khi trở về từ Campuchia, nơi du thuyền cập cảng.

Trước đó, Diamond Princess cũng từng là nỗi ám ảnh tới tuyệt vọng của nhiều hành khách. Tàu Diamond Princess chở hơn 3.700 người, gồm khoảng 3.400 hành khách cùng thủy thủ đoàn, khởi hành từ cảng Yokohama ngày 20/1 vừa qua, và quay về cảng ngày 3/2.

Một hành khách đã xuống tàu trước đó ở Hong Kong (Trung Quốc), và người này sau đó được xác nhận đã nhiễm Covid-19. Hiện tàu Diamond Princess đang trong thời gian được cách li 2 tuần ở cảng Yokohama, thời gian cách li sẽ kéo dài đến hết ngày 19/2 tới.

World Dream, một du thuyền 5 sao khác cũng chịu chung số phận. Con tàu chở theo 3.600 hành khách và thủy thủ đoàn đã bị từ chối cập cảng Cao Hùng ở Đài Loan, sau khi có thông tin xác nhận 3 người từng đi trên tàu dương tính với nCoV.

Lo sợ và tuyệt vọng

Một trường hợp nhiễm corona mới được phát hiện trên du thuyền Westerdam, cập cảng Campuchia sau khi bị nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ từ chối, tiếp tục làm gia tăng sự sợ hãi.

Cuộc sống của các hành khách trên chuyến du lịch trong mơ bỗng chốc biến thành “kỉ niệm khó quên”. Bị cách li trong không gian khép kín suốt 2 tuần, một số hành khách tỏ ra lo sợ và tuyệt vọng.

Hàng ngày, hành khách được yêu cầu phải kiểm tra thân nhiệt, ghi lại và thông báo với bác sĩ nếu vượt quá 37,5 độ. Các bữa ăn đảm bảo vệ sinh và đầy đủ chất sẽ được phục vụ tận phòng. 

Do sự kết nối với nhân viên bị hạn chế kể từ khi xác nhận các trường hợp đầu tiên nhiễm virus trên tàu, họ thường phải tự dọn dẹp phòng và giặt quần áo. Những người ở phòng không có ban công có thể đi bộ trên boong tàu 1 tiếng/ngày, miễn là có đeo khẩu trang, găng tay và cách nhau 2-3m.

Ác mộng 'cung điện trên biển', nhà giàu bị giam lỏng và từ chối - Ảnh 2.

Thảm cảnh sống cách li của những hành khách.

"Chúng tôi bị nhốt kín trong này. Các bữa ăn bị thay đổi. Đó không còn là một chuyến nghỉ dưỡng sang chảnh nữa. Du thuyền giờ như một nhà tù nổi", một du khách chán nản. Các hành khách trên tàu chia sẻ những không gian chung và tiện ích như nhà hàng, hồ bơi, casino, bar trong nhiều ngày liền nên nguy cơ lây nhiễm chéo cao hơn những người đi trên máy bay.

Một hành khách đi trên du thuyền cho biết thuyền trưởng của tàu đã cố gắng đàm phán với chính quyền Nhật Bản để hành khách trong các phòng không cửa sổ được lên boong hít thở không khí.

Holland America Line, công ty chủ quản du thuyền MS Westerdam, thông tin rằng họ đang hợp tác với chính phủ các nước và chuyên gia y tế để tìm cách liên lạc với những hành khách đã rời du thuyền của họ

Trong khi các hành khách đang bị cách li từng ngày nỗ lực giữ vững tinh thần lạc quan, người dân địa phương cũng bày tỏ sự đồng cảm và gửi tới họ những lời động viên “Hãy mạnh mẽ, chúng tôi sẽ ở bên bạn, Diamond Princess”.

Du lịch hạng sang điêu đứng

Theo Hiệp hội Du thuyền quốc tế, châu Á chỉ chiếm 10% trong ngành du lịch du thuyền toàn cầu. Tuy nhiên, các tiêu đề tiêu cực về tình trạng lây nhiễm chéo giữa hành khách trên tàu Diamond Princess và mới đây nhất là ca nhiễm được cảnh báo trên tàu Westerdam được phép cập cảng ở Campuchia đã khiến toàn ngành công nghiệp trị giá 45 tỉ USD bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tàu Diamond Princess thuộc sở hữu của Carnival. Giá trị cổ phiếu của hai công ty này đã giảm tới 15% kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Du thuyền nào cũng luôn khẳng định trước với khách hàng rằng họ sẽ đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.

Ác mộng 'cung điện trên biển', nhà giàu bị giam lỏng và từ chối - Ảnh 3.

Du lịch hạng sang đứng trước thách thức lớn.

Alex Sharpe, Chủ tịch Signature Travel Network, cho hay: nhu cầu với những du thuyền này rất thấp thời điểm hiện tại. Và đa phần booking mùa xuân không bán được. Erika Richter - một chuyên gia trong ngành du lịch nói rằng nhu cầu với những chuyến đi bằng du thuyền sẽ giảm từ 10-15%.

Trên thực tế, du thuyền là hình thức du lịch đắt đỏ, trung bình một chuyến đi 9 ngày tại châu Á mất khoảng 1.800 USD và phải là đặt trước khi đi khá lâu. Con số 3.800 USD/tour là mức giá khởi đầu cho những du thuyền sang trọng nhất thế giới.

Nhiều du thuyền xa hoa như Regent Seven Seas Explorer, có 10 hạng phòng, với giá từ 12.000 USD/tour cho loại phòng thấp nhất và lên đến 80.000 USD/tour cho loại phòng Regent Suite cao cấp nhất. Bên trong phòng Regent Suite, hành khách sẽ được nằm ngủ trên chiếc giường giá 150.000 USD và tận hưởng âm thanh từ chiếc piano giá 250.000 USD.

Nếu ngành công nghiệp này không tìm cách khắc phục, niềm tin của khách hàng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và các du thuyền sẽ ế trong một thời gian dài.


chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.