Bà Trần Uyên Phương: Kế thừa Tân Hiệp Phát có nhiều áp lực nhưng không ngại thay đổi để phát triển

Kế thừa Tân Hiệp Phát từ cha là ông Trần Quí Thanh, bà Trần Uyên Phương cho biết phải mang vác trách nhiệm nặng nề và từng xảy ra nhiều mâu thuẫn. Tuy nhiên, bà Phương khẳng định thế hệ F1 và F2 luôn ngồi lại giải quyết, không ngại thay đổi để doanh nghiệp phát triển.

Tại Hội thảo "Xây dựng thế hệ lãnh đạo kế cận: Bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp gia đình thành công trên thế giới", diễn ra ngày 7/8 tại TP HCM, bà Trần Uyên Phương - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, đã chia sẻ thông tin trên.

Bà Phương cho rằng việc kế thừa doanh nghiệp đã xây dựng hàng chục năm từ tay cha là doanh nhân Trần Quí Thanh vốn không dễ dàng và có nhiều áp lực.

Nhiều áp lực khi kế thừa Tân Hiệp Phát

Theo bà Trần Uyên Phương, việc tiếp nối thành công của ông Trần Quí Thanh và làm chủ Tân Hiệp Phát do chính gia đình gây dựng có rất nhiều áp lực. Trong đó, không thể không kể đến định kiến vừa sinh ra đã "ngậm thìa vàng" từ dư luận.

IMG_6921

Bà Trần Uyên Phương cho rằng gặp không ít áp lực khi là người kế thừa Tân Hiệp Phát. (Ảnh: Phúc Minh).

Áp lực còn đến từ việc thường xuyên mâu thuẫn giữa thế hệ gây dựng và thế hệ tiếp nối.

"Công tác truyền thông trong gia đình rất quan trọng để các thành viên, các thế hệ có thể lắng nghe nhau và giải quyết mâu thuẫn. Đây là điều rất quan trọng với các doanh nghiệp gia đình vì nếu không chia sẻ tâm tư với nhau, làm sao các quan điểm khác nhau có thể được lắng nghe và giải quyết", con gái ông Trần Quí Thanh cho biết.

Đòi hỏi thế hệ xây dựng doanh nghiệp từ những ngày đầu phải thay đổi, bà Trần Uyên Phương cũng cho rằng chính thế hệ tiếp nối như bà cũng phải hiểu rõ về quá khứ của doanh nghiệp.

"Chúng ta cần hiểu tường tận những logic trong quá khứ. Từ đó, mới chọn ra những thứ không còn phù hợp để thay đổi ở hiện tại. Sự thay đổi cần được lưu ý, làm cơ sở cho doanh nghiệp hướng đến mục tiêu trong tương lai", bà Phương cho biết.

Liên hệ trường hợp Tân Hiệp Phát, con gái ông Trần Quí Thanh cho rằng dù là doanh nghiệp gia đình vốn được "dán nhãn" ngại thay đổi, quản trị lạc hậu nhưng Tân Hiệp Phát đã phát triển rất nhanh. Từ con số 0 vào những năm 2000, hiện tập đoàn này đã vươn lên đứng đầu ngành nước giải khát có lợi cho sức khỏe và đứng thứ hai toàn ngành.

"Chúng tôi đã tái cấu trúc rất nhiều lần. Một trong những điều khó khăn nhất là chọn đúng người đúng vị trí, tức ai có thể làm được vị trí đó, một nhân viên cũ sẽ có vị trí lên hay xuống. Đây là điều rất khó, nhưng bắt buộc phải chấp nhận để phát triển lâu dài", bà Phương khẳng định.

Cùng với điều này, nữ doanh nhân cũng cho biết thêm điều quan trọng nhất với các doanh nghiệp gia đình chính là hệ thống quản trị, buộc phải đúng chuẩn, đặc biệt là theo chuẩn quốc tế.

_MG_9791-crop

Hệ thống quản trị đúng chuẩn là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp gia đình muốn duy trì và phát triển lâu dài. (Ảnh: Phúc Minh).

"Doanh nghiệp gia đình vẫn là một doanh nghiệp. Muốn doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững, chính sách phân quyền cần phải rõ ràng. Đây là chìa khóa để các doanh nghiệp phát triển hơn nữa và tự tin vươn ra thế giới", bà Phương nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Phong Lan - Chủ tịch Tập đoàn SeaCorp cũng khẳng định chính hệ thống quản trị sẽ giúp các doanh nghiệp gia đình nâng cao năng lực hoạt động và duy trì đến các thế hệ kế cận.

Ông cũng lưu ý các doanh nghiệp gia đình nên chú ý "phần hồn" trong nội bộ nguồn nhân lực, tức có thể tạo ra những "di sản" để liên kết các thế hệ sau với nhau với thế hệ trước không chỉ của người lãnh đạo mà chính nhân sự cấp dưới trong công ty.

Doanh nghiệp gia đình Việt Nam đứng trước nhiều thách thức

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng nếu như thế hệ đầu tiên đã nỗ lực hết mình để xây dựng doanh nghiệp thì các thế hệ kế cận thứ hai, thứ ba đang nhiệt huyết hơn bao giờ bao hết để giữ và phát triển thương hiệu của gia đình.

IMG_6920

Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam đang gặp nhiều cơ hội lẫn thách thức. (Ảnh: Phúc Minh).

"Tôi từng thân với những người sáng lập các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam và giờ thân luôn cả các thế hệ tiếp theo đang phát triển doanh nghiệp. Các bạn đang kế thừa và sắp kế thừa đang đối diện những vấn đề hết sức khó khăn", bà Hạnh khẳng định.

Cụ thể, bà cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và việc Việt Nam mạnh dạn tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do vừa tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh doanh vừa đặt các doanh nghiệp gia đình và thế hệ kế cận trước những thách thức.

Theo nghiên cứu của Tập đoàn Deloitte, phần lớn các doanh nghiệp gia đình có xu hướng ngại đổi mới, ngại rủi ro trước sự biến đổi không ngừng của thị trường hiện đại.

Trong khi đó, 57% công việc trên thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi kĩ thuật số và tự động hóa. Tỉ lệ này ở Việt Nam lên đến 70%. Chuyên gia từ Deloitee cho rằng chỉ có tư duy rộng mở và chấp nhận đổi mới, các doanh nghiệp gia đình mới thực sự vững chắc trước thách thức này.

IMG_6923

"Ngày nay, bận rộn là một điều ngu xuẩn", Chủ tịch Tập đoàn Mentally Fit Global nói về các khoảng giao của các doanh nghiệp gia đình. (Ảnh: Phúc Minh).

Hiến kế giải pháp cho các doanh nghiệp gia đình, ông Alain Goudsmet - Nhà sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn Mentally Fit Global, cho rằng các thế hệ kế cận cần phải quan tâm khái niệm "pitstop", tức những "điểm nghỉ", thay vì lao vào công việc như thế hệ đầu.

Ông phân tích, thế hệ đầu tiên đã phải chạy hết tốc độ để gầy dựng nên doanh nghiệp, vì thế giai đoạn này, thế hệ F2, F3 phải có "điểm nghỉ" để phân tích, đánh giá, nhận phản hồi cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để rút kinh nghiệm, trước khi bắt đầu vào guồng công việc.

Nếu không có khoảng nghỉ, các doanh nghiệp sẽ bị triệt tiêu sự sáng tạo và không thích ứng được những thay đổi đang hiện hữu bên ngoài, hay thậm chí những phản hồi không được tích cực từ chính khách hàng của mình.

Ông Alain Goudsmet "bật mí" đây là một bí mật thành công của các doanh nghiệp gia đình lớn trên thế giới và không phải lúc nào sự bận rộn cũng mang lại hiệu quả cao nhất. "Ngày nay, bận rộn là một điều ngu xuẩn", Chủ tịch Tập đoàn Mentally Fit Global cho biết.