Bác sĩ 9X điển trai: 'Phải có máu điên mới theo học ngành y'

Dòng tâm sự về những lần bỏ cuộc giữa chừng của sinh viên y khoa trên mạng hiện trở thành tâm điểm chú ý. Bác sĩ trẻ khuyên: "Phải có máu điên".

Bài viết của Dương Minh Tuấn (27 tuổi, đến từ Hà Nội, công tác tại Phòng Cấp cứu, Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh TP.HCM) gửi đến một nữ sinh thi trượt ngành Bác sĩ đa khoa.

Theo đó, chàng trai trải lòng cho cô gái cũng như các bạn có ý định học y khoa biết được thật sự những nỗi vất vả trong ngành. Chia sẻ này hiện thu hút hơn 13.000 like (thích) và hàng nghìn bình luận từ dân mạng.

Gian nan con đường của sinh viên y khoa

Minh Tuấn cho hay học và trở thành bác sĩ ở Việt Nam có nhiều khó khăn mà các bạn trẻ phải lường trước khi dấn thân vào nghề.

Không ít người nghĩ: "Nhất y, nhì dược". Ra trường chỉ có duy nhất một con đường để theo đuổi nên ổn định, thấy nghề danh giá, chắc là dễ xin việc.

Hay mọi người thường cho rằng: "Bác sĩ ở đâu cũng cần, xin việc đâu chả được. Lương thì ổn định, sau này mở phòng mạch tư kiếm tiền tiêu chẳng hết...".

bac si 9x dien trai phai co mau dien moi theo hoc nganh y

Dòng chia sẻ về những khó khăn trong ngành y của bác sĩ Dương Minh Tuấn. Ảnh chụp màn hình.

Tuấn khẳng định đó thực chất là suy nghĩ của những người chưa từng học y hay làm nghề. Đa phần họ chỉ nghe những người khác nói lại, hoặc nhìn thấy một hai trường hợp bác sĩ đã ở mức "ổn" về cuộc sống.

Năm thứ nhất đại học, 9X Hà thành có một người bạn cùng khóa nghỉ học ngay buổi thực hành giải phẫu đầu tiên chỉ vì không thể chịu nổi mùi phooc-môn ngâm xác, lại càng không dám nhìn xác người khô đặt trên bàn thí nghiệm.

Năm thứ hai đại học, một bạn trẻ khác sau rất nhiều lần lấy hết can đảm để mổ chó trong giờ phẫu thuật thực hành, đã quyết định dừng lại, do không chịu nổi mùi máu, không dám nhìn thấy máu.

Năm thứ ba, tiếp tục một người khác khóc ngất khi chứng kiến bệnh nhân đa chấn thương, chân tay gần như đứt lìa và dập nát vào cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội.

Năm thứ tư, một sinh viên y khoa xin dừng học vì không thể theo kịp khối lượng kiến thức đồ sộ phải học trong trường.

Năm thứ năm, Tuấn ngỡ ngàng khi chứng kiến thêm một người bạn nữa thôi học hẳn, sau đợt xin nghỉ để điều trị bệnh lao. Hai tuần đi thực tập ở bệnh viện lao phổi, dù đã tuân thủ rất nghiêm ngặt cách phòng bệnh, có ngày ho, khạc đờm nhiều quá, cậu bạn này tình cờ đi khám, biết mình cũng mắc lao.

Đến năm cuối, Minh Tuấn đau đớn biết tin một cậu bạn phương xa nhảy từ tầng 5 tự tử, không cứu được. Trước khi đi, chàng trai để lại bức thư cho gia đình, nói rằng ở trường nhiều bạn, thầy cô giỏi quá, áp lực học hành, cộng thêm môi trường cạnh tranh quá khốc liệt khiến cậu không thể tìm thấy lối thoát cho bản thân.

Lúc tốt nghiệp, không ít bạn bè của Tuấn cũng quyết định không theo nghề nữa.

bac si 9x dien trai phai co mau dien moi theo hoc nganh y

Bác sĩ Dương Minh Tuấn đang công tác tại Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh TP.HCM. Ảnh: FBNV.

Nam bác sĩ chia sẻ nhiều người trẻ hiện ấp ủ giấc mơ làm bác sĩ. Song không phải ai cũng hiểu được để trở thành bác sĩ thực thụ là cả hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ, là sự can đảm và trung thực, là sự rèn luyện khắt khe đến ghê người, là ti tỉ thứ áp lực vô hình đè nặng lên từ rất nhiều phía.

Học làm bác sĩ không chỉ đơn giản là điểm số đầu vào cao ngất ngưởng và một trí tuệ thông minh vượt trội.

Chàng trai 27 tuổi cho Zing.vn biết anh đã nhận được không ít phản hồi từ dân mạng sau khi đăng tải bài viết này.

"Mình thấy mọi người nói về những mặt tích cực khi học y, bởi vậy muốn chia sẻ thêm cả khó khăn để các bạn trẻ có cái nhìn đa chiều hơn về nghề này", Tuấn nói.

Hãy sống với đam mê và quyết tâm

Minh Tuấn tâm sự thông qua bài viết của mình, anh mong mọi người có cái nhìn cảm thông với nghề y, đồng thời những ai có ý định làm bác sĩ nên cân nhắc.

Theo 9X, đây là các câu chuyện thật, sự việc đau lòng anh chứng kiến trong gần 8 năm học tập và theo ngành y.

Sống xa gia đình, lại chịu áp lực lớn từ công việc nhưng Tuấn chưa từng nghĩ tới việc bỏ nghề.

"Với mình, hiện tại mới là quan trọng và ở hiện tại, mình thật sự đam mê và muốn gắn bó với nghề", nam bác sĩ trẻ nói.

Đồng quan điểm với chủ nhân bài đăng trên, Minh Nga - bác sĩ thực tập, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - cho hay một ngày trực cấp cứu, chứng kiến 5 cái chết với những cảnh đời khác nhau, đó là cảnh cha mất con, vợ mất chồng, chồng mất vợ…, cô nhiều lần không kìm được nước mắt.

Trung bình mỗi ngày, các bác sĩ ngoại khoa phải đứng mổ từ 7h30 sáng đến 22-23h. Vì thế, dù yêu nghề đến mấy, không có sức khỏe thì không thể làm việc.

Nữ bác sĩ tâm sự nếu không có niềm đam mê với nghề, cô chắc chắn không thể vượt qua những căng thẳng cực lớn khi bệnh nhân chết ngay trên bàn mổ, dẫn tới sự suy sụp nơi thầy thuốc.

Cho rằng nghề y không đến mức đáng sợ và khó khăn, Phạm Khánh - sinh viên năm cuối Đại học Y Hà Nội - chia sẻ con đường càng gian nan càng tôi luyện chúng ta trưởng thành, vững bước hơn đi về phía trước.

Khánh nhận định đừng vì tương lai sẽ chắc chắn có việc làm hay lương cao mà nộp vào trường y. Học y khoa, bạn phải đặt mọi người lên trên bản thân, hãy làm được điều đó trước khi quyết định.

Lê Thị Hồng Thúy - bác sĩ công tác ở Hà Nội - cho rằng bệnh viện là môi trường căng thẳng với đầy rẫy biến cố, đòi hỏi bác sĩ phải biết chịu trách nhiệm với công việc. Nhiều trường hợp, người làm nghề đã hết ca trực, nhưng bệnh nhân do mình phụ trách có "biến cố" thì dù đã rời khỏi cơ quan, họ vẫn phải quay trở lại.

Thời gian thực tập tại những bệnh viện lớn, chứng kiến sức làm việc "khủng khiếp" của các thầy, toàn bộ học viên đều bái phục.

Học viên Nguyễn Văn T. chia sẻ: "Sự thật cho mình thấy rằng để trở thành bác sĩ giỏi, yêu nghề như các thầy, từng ngày từng giờ sinh viên y khoa phải không ngừng học tập, trau dồi kỹ năng và tôi luyện trí tuệ của mình. Vẫn biết y đức là cao quý, nhưng không biết tôi có vượt qua những áp lực đó không?".

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.