Theo GS. Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐHYHN, để cung cấp các bác sỹ có tay nghề cao, phục vụ công tác khám chữa bệnh, những năm gần đây, Trường Đại học Y Hà Nội đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ngành Y.
Với ngành Y, việc đào tạo đòi hỏi phải thực hiện liên tục, suốt đời. Ảnh: Lê Thạch. |
Cụ thể, với quan điểm đổi mới toàn diện, ĐHYHN đã tập trung cải thiện chất lượng nghiên cứu khoa học, gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo SĐH, đặc biệt trong việc đào tạo nghiên cứu sinh và bác sỹ nội trú- 2 lĩnh vực làm nên thương hiệu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Trường. Từ năm 2012, Trường đã xây dựng ngân hàng câu hỏi để đảm bảo thi cử bằng hình thức trắc nghiệm minh bạch, khách quan và công bằng.
Ngoài ra, theo GS. Tạ Thành Văn, Trường đang tiến hành tăng đào tạo có địa chỉ, đào tạo theo nhu cầu xã hội để không thất thoát nhân lực mà lại giảm chi ngân sách. Theo đó, Trường ký hợp đồng đào tạo bác sỹ nội trú với UBND TP. Hà Nội, kinh phí do Hà Nội chi trả toàn bộ. Nhờ đó, 6 năm qua, Hà Nội đã có thêm 89 bác sỹ nội trú. Cách làm này giúp Hà Nội có nguồn nhân lực cao mà ngân sách không phải chi trả. Hiệu quả từ mô hình này khiến nhiều địa phương cũng mong muốn được thực hiện.
Còn quan điểm của PGS.TS. Đoàn Quốc Hưng, Trưởng phòng Quản lý và đào tạo SĐH, ĐHY Hà Nội chỉ rõ, mô hình đào tạo bác sỹ nội trú hơn 40 năm qua không còn phù hợp, đòi hỏi phải đổi mới. Vì thế, từ chỗ mỗi năm chỉ đào tạo 20- 30 bác sỹ nội trú, không đáp ứng nhu cầu về nguồn bác sỹ có năng lực cho các BV, ĐHYHN đã mở rộng quy mô đào tạo, thực hành chuyên môn.
“Năm 2018, đã có 481 thí sinh của 10 trường đại học y trên cả nước trúng tuyển bác sỹ nội trú, trong đó có nhiều chuyên ngành đang thiếu như lao, tâm thần, truyền nhiễm, y học cơ sở… Các bác sỹ nội trú sau khi ra trường sẽ là nguồn nhân lực cao, công tác tại cả các BV công lẫn BV tư, góp phần cải thiện chất lượng KCB trên cả nước”, PGS. TS Đoàn Quốc Hưng nêu.
Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, muốn nâng cao chất lượng KCB, bác sỹ phải được đào tạo SĐH. Tuy nhiên khi các bác sỹ đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ để tiếp tục học, nâng cao trình độ tay nghề, các BV phải trả lương xứng đáng cho họ.
Để đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chí nghiên cứu sinh phải công bố nội dung và kết quả nghiên cứu của luận án trong tối thiểu 2 bài báo quốc tế- một thách thức trong lĩnh vực đào tạo nghiên cứu sinh, GS. Văn cho biết giải pháp của Trường ĐHYHN là đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và xuất bản quốc tế của trường, trong đó khuyến khích các đề tài nghiên cứu kết hợp lâm sàng với nghiên cứu khoa học cơ bản và tăng cường hợp tác quốc tế. Trường cũng sẽ tăng cường liên kết đào tạo với các trường, cơ sở nghiên cứu trong nước và quốc tế có uy tín với mục tiêu trở thành một trường đại học nghiên cứu hàng đầu trong cả nước.
Bàn về công tác nhân lực ngành Y, tại nhiều Hội thảo, hội nghị tổ chức thời gian qua Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ y tế chưa tốt còn xảy ra tiêu cực, gây phiền hà đối với người bệnh. Một số cán bộ y tế mặc dù đã được tập huấn, nhưng còn cứng nhắc, không thân thiện trong giao tiếp, ứng xử với người bệnh.
"Đó là về chủ quan, nhưng khách quan thì hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ y tế còn bất hợp lý, mức lương khởi điểm chưa tương xứng với thời gian đào tạo; thầy thuốc chưa được hưởng phụ cấp thâm niên nghề; chưa có chính sách bền vững để thu hút những thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi làm việc lâu dài tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói..
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ có các giải pháp và chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế phù hợp với khả năng của Nhà nước và điều kiện kinh tế xã hội nhằm nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế để đáp ứng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Liên quan đến công tác tuyển sinh, đào tạo các chuyên ngành Y Dược, theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ mùa tuyển sinh năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quy định điểm sàn riêng đối với khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định này được đưa ra trong bối cảnh năm 2018, ngoài một số trường danh tiếng, có truyền thống về đào tạo ngành Y- Dược giữ được điểm chuẩn ở mức cao, thì không ít trường có đào tạo ngành này có điểm chuẩn khá thấp. Có trường, ngành Y đa khoa và răng- hàm- mặt chỉ lấy 18 điểm, điều dưỡng và dược học chỉ 16 điểm. Điều này khiến dư luận lo ngại về chất lượng đội ngũ y - bác sỹ tương lai và kiến nghị cơ quan quản lý cần có giải pháp để siết chặt chất lượng đào tạo với khối ngành này.
Theo bà Phụng, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng Bộ Y tế và các trường đang đào tạo các ngành Y- Dược tính toán để có mức điểm sàn được các vùng miền, xã hội chấp nhận. Việc làm này cũng là để bảo đảm chất lượng đào tạo nhân lực cho lĩnh vực y tế.
Ngành y tế TP HCM lên nhiều phương án ứng phó bão số 9
Cán bộ y tế trực hôm nay (24/11) và ngày mai được quán triệt không được chủ quan, lơ là, sẵn sàng can thiệp khi ... |
Đại học Y khoa Harvard danh tiếng đào tạo ngành Y thế nào?
Đại học Y Harvard (Mỹ) là một trong những cái tên không bao giờ thiếu trong danh sách những "lò" đào tạo bác sĩ tốt ... |
'Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương' nỗi khổ chỉ sinh viên ngành Y mới hiểu
Những giấc ngủ ngắn không kể tư thế hay vị trí nào là điều mà các sinh viên ngành Y từng nếm trải và với ... |