Bất thường trong mô hình nhượng quyền cửa hàng tiện lợi

Mua số lượng hàng lớn hơn khả năng tiêu thụ, hoạt động suốt ngày và đêm là hai qui định mà các chuỗi cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản buộc người nhận nhượng quyền phải chấp nhận.

Hôm 2/9, Ủy ban Công bằng Thương mại Nhật Bản công bố một báo cáo về tình hình hoạt động của các cửa hàng tiện lợi. Báo cáo khẳng định nhiều chuỗi bán lẻ đã kiếm khoản lãi khổng lồ bằng cách đẩy chi phí vận hành sang những người nhận nhượng quyền.

Để thực hiện báo cáo, Ủy ban Công bằng Thương mại Nhật Bản đã khảo sát ý kiến của hơn 8.400 người nhận nhượng quyền từ chuỗi cửa hàng tiện lợi. Báo cáo liệt kê nhiều vấn đề với mô hình kinh doanh của cửa hàng tiện lợi.

Những qui định bất thường trong mô hình nhượng quyền cửa hàng tiện lợi - Ảnh 1.

Nhiều tập đoàn, như FamilyMart, Lawson hay 7-Eleven, luôn giữ kín các qui định và thỏa thuận kinh doanh. (Ảnh: Nikkei).

Đây là chiến dịch khảo sát toàn diện nhất từ trước tới nay đối với các cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản. Từ nhiều thập kỉ qua, các chuỗi cửa hàng tiện lợi luôn là bí ẩn đối với công chúng và chính quyền. 

Nhiều tập đoàn, như FamilyMart, Lawson hay 7-Eleven, luôn giữ kín các qui định và thỏa thuận kinh doanh, khiến người ngoài không thể biết những vấn đề mà các cửa hàng tiện lợi đang đối mặt.

Những vấn đề nghiêm trọng nhất mà người nhận nhượng quyền đối mặt bao gồm: phải mua nhiều hàng hơn so với khả năng bán, mở cửa 24/7. Ngoài ra, các tập đoàn thường đưa ra những cam kết phi thực tế về triển vọng kinh doanh, khiến người nhận nhượng quyền cũng đưa ra những viễn cảnh hão huyền khi tuyển dụng nhân viên.

Ủy ban Công bằng Thương mại Nhật Bản cảnh báo rằng những chính sách, qui định của các chuỗi cửa hàng tiện lợi đang vi phạm luật chống độc quyền của Nhật Bản.

"Họ đang lạm dụng vị thế trên để ép những người nhận nhượng quyền chấp nhận những điều khoản bất lợi", báo cáo nhấn mạnh. 

Căn cứ vào báo cáo, Ủy ban Công bằng Thương mại Nhật Bản yêu cầu 8 chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu ở Nhật Bản phải trình kế hoạch thay đổi, đồng thời khẳng định họ sẽ tiếp tục điều tra để phát hiện những hành vi trái luật của các chuỗi.

Cửa hàng tiện lợi là một nét đặc trưng của Nhật Bản, với hơn 55.000 điểm bán trên khắp cả nước. Mức độ phủ của cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản lớn đến nỗi chính phủ luôn coi chúng là một phần trong hạ tầng quốc gia.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.