Bầu Thắng và cơ ngơi nghìn tỉ tại Đồng Tâm Group

Hai doanh nghiệp nổi tiếng gắn với tên tuổi ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng) chính là Công ty CP Đồng Tâm trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và Kienlongbank trong lĩnh vực ngân hàng.

Cùng với ông Đỗ Quang Hiển, Đoàn Nguyên Đức, Trần Đình Long, Nguyễn Đức Thụy… ông Võ Quốc Thắng là một trong những ông bầu có tiếng, từng gắn bó với sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Trong đó, ông Thắng từng là chủ sở hữu của hai câu lạc bộ bóng đá là CLB Đồng Tâm Long An và CLB Kienlongbank Kiên Giang.

Bầu Thắng cũng từng là đại biểu Quốc hội khóa XI, thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính. Hiện ông là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đồng Tâm và Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An.

Chủ tịch một thời tại Kienlongbank

Ngoài vị trí lãnh đạo cao nhất tại Đồng Tâm Group, ông Thắng từng có thời gian ngồi ghế Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) giai đoạn 2013-2018. Trong đó, con trai ông Thắng - Võ Quốc Lợi là một trong những cổ đông cá nhân lớn nhất nắm giữ 4,74% vốn ngân hàng.

Giống như nhiều doanh nhân làm lãnh đạo tại ngân hàng và doanh nghiệp khác, để tuân thủ quy định tại Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bầu Thắng đã phải rời ghế Chủ tịch Kienlongbank để giữ lại vị trí Chủ tịch tại Đồng Tâm Group từ tháng 4/2018.

Bầu Thắng và cơ ngơi nghìn tỉ tại Đồng Tâm Group - Ảnh 1.

Ông Võ Quốc Thắng (áo trắng) cũng có thời gian dài gắn bó với bóng đá Việt Nam. (Ảnh: Anh Khoa/Khampha.vn).

Ông Thắng là người đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Kienlongbank niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán năm 2017. Hiện tại, đây vẫn là ngân hàng cỡ nhỏ hiếm hoi thực hiện việc giao dịch cổ phiếu công khai trên sàn chứng khoán.

Khi bầu Thắng lên làm Chủ tịch, Kienlongbank chỉ nằm trong nhóm ngân hàng cỡ nhỏ với vốn điều lệ năm 2013 đạt 3.000 tỉ đồng (mức tối thiểu của một ngân hàng) và tổng tài sản 21.372 tỉ đồng.

Giai đoạn 2012-2019, tốc độ tăng trưởng các chỉ số của Kienlongbank tương đối chậm so với các nhà băng khác với tăng trưởng tài sản bình quân 14%/năm. Hai chỉ tiêu cho vay khách hàng và huy động vốn của ngân hàng cũng chỉ tăng trưởng lần lượt 19% và 17% mỗi năm.

Trong khi các ngân hàng khác liên tục tăng vốn điều lệ để mở rộng "room" tín dụng, vốn điều lệ của Kienlongbank vẫn giữ nguyên mức 3.000 tỉ đồng đến năm 2017, và tăng lên 3.237 tỉ đồng từ năm 2018 cho đến nay.

Là một trong 18 ngân hàng đã niêm yết cổ phiếu nhưng quy mô tài sản của Kienlongbank vẫn thuộc nhóm nhỏ nhất, tương đương Vietcapitalbank và nhỏ hơn VietBank, NCB, Oceanbank, hay VietABank…

Trong giai đoạn ông Thắng làm Chủ tịch, kết quả kinh doanh của Kienlongbank cũng không có nhiều biến chuyển khi tổng thu nhập hàng năm dao động quanh mức 1.000 tỉ đồng (hơn 90% đến từ lãi cho vay). Lợi nhuận sau thuế thu về được những năm gần đây cũng chỉ trên dưới 200 tỉ đồng, giảm 50% so với giai đoạn 2012-2013.

Năm 2018, ngân hàng này ghi nhận 1.256 tỉ đồng tổng thu nhập và 232 tỉ lãi ròng sau thuế, tăng lần lượt 11% và 15% so với năm trước.

Con số lợi nhuận thu về sau 9 tháng từ đầu năm nay cũng mới vào khoảng 188 tỉ đồng.

Bầu Thắng và cơ ngơi nghìn tỉ tại Đồng Tâm Group - Ảnh 2.

Cơ ngơi nghìn tỉ tại Đồng Tâm Group

Từng nắm vai trò Chủ tịch Kienlongbank nhưng doanh nghiệp quan trọng nhất với bầu Thắng vẫn là Đồng Tâm Group. Quyết định rời ghế chủ tịch ngân hàng của vị doanh nhân này cũng nhằm mục đích tiếp tục giữ vai trò cao nhất tại doanh nghiệp nói trên.

Hiện tại, cá nhân bầu Thắng đang sở hữu trực tiếp 47,38% vốn tại Đồng Tâm Group và là cổ đông lớn nhất. Anh trai ông Thắng - Võ Văn Khuyến cũng sở hữu 14,52% vốn công ty và là Phó chủ tịch. Ngoài ra, liên quan đến ông Thắng còn có 7 cổ đông khác là người thân trong gia đình cũng đang sở hữu vốn tại đây.

Hoạt động kinh doanh chính của Đồng Tâm Group là sản xuất sản phẩm vật liệu xây dựng và trang trí nội thất; bất động sản; đầu tư liên doanh, liên kết… Đến cuối năm 2018, công ty sở hữu 27 chi nhánh, 8 nhà máy với 67 showroom kho hàng và 2.500 cửa hàng phân phối.

Tập đoàn này sở hữu trực tiếp 13 công ty con và 4 công ty liên kết. Trong đó, tổng vốn điều lệ của 13 công ty con đạt gần 2.000 tỉ, chủ yếu tập đoàn mẹ nắm 99-100% vốn. Còn tại 4 công ty liên kết tập đoàn mẹ sở hữu 33-45% có tổng vốn điều lệ 1.550 tỉ đồng.

Hiện tại, doanh nghiệp của bầu Thắng cũng đang là cổ đông lớn sở hữu 45% vốn tại Cảng Long An.

Trong lĩnh vực bất động sản, tập đoàn này là chủ đầu tư các dự án Green City tại Khu đô thị trung tâm hành chính tỉnh Long An với quy mô 76,61 ha; Khu dân cư Bắc Lê Lợi - Quảng Ngãi; Khu công nghiệp Long An 396 ha; Dự án Đô thị Cảng Long An 1.145 ha…

Bầu Thắng và cơ ngơi nghìn tỉ tại Đồng Tâm Group - Ảnh 3.

Theo báo cáo tài chính mới nhất, đến tháng 6 năm nay, Đồng Tâm Group có vốn điều lệ 681 tỉ đồng và tổng tài sản gần 4.500 tỉ đồng. Xét về hiệu quả kinh doanh, tập đoàn này cũng có biên lợi nhuận/vốn chủ sở hữu tốt hơn Kienlongbank.

Hai năm gần nhất (2017-2018), tổng doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt khoảng 4.100 tỉ đồng và lãi sau thuế hơn 424 tỉ đồng.

Năm 2018, Đồng Tâm Group ghi nhận 2.310 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 30% so với năm 2017. Với biên lãi gộp trên 32%/năm, sau khi trừ các chi phí liên quan tập đoàn của bầu Thắng ghi nhận 265 tỉ đồng lãi trước thuế, tăng 9%. Tuy nhiên, do chi phí thuế TNDN hiện hành năm 2018 cao đột biến (do cơ cấu lợi nhuận từ các mảng khác nhau) khiến lãi sau thuế thu về ở mức 191 tỉ đồng.

Nửa đầu năm nay, tập đoàn này cũng ghi nhận 867 tỉ đồng doanh thu thuần và lãi sau thuế 77 tỉ, tăng gấp đôi so với cùng kì.

Đến cuối tháng 6, lãi lũy kế trên bảng cân đối kế toán của tập đoàn đã đạt 672 tỉ đồng. Đồng Tâm Group cũng đang có khoản vay ngân hàng 1.455 tỉ đồng (cả ngắn hạn và dài hạn), chiếm 48% tổng nợ phải trả đến cuối quý II.

Theo kế hoạch đề ra, doanh thu năm nay của tập đoàn này sẽ đạt khoảng 2.450 tỉ với lợi nhuận dự kiến 200 tỉ đồng, tăng 5-6% so với năm trước.

Hiện tại, ngoài làm Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group, bầu Thắng còn là Chủ tịch tại hàng loạt doanh nghiệp khác như Công ty Liên doanh Gạch men Đồng Tâm, Công ty CP Khu công nghiệp Long An, Công ty CP Cảng Long An, Công ty CP Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Thể thao Đồng Tâm…

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.