Hãng tin Bloomberg dẫn nhận định của S&P Global Ratings cho rằng 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đang phải đối mặt với sự thiếu hụt hàng nghìn tỉ nhân dân tệ để đáp ứng các yêu cầu về vốn nhằm bảo vệ người dân và hệ thống tài chính trước những rủi ro của ngành ngân hàng.
Industrial and Commercial Bank of China (ICBC), Bank of China, China Construction Bank và Agricultural Bank of China, tất cả đều được coi là những ngân hàng quan trọng trên toàn cầu. Trong năm ngoái các tổ chức này đã thiếu hụt 2.250 tỉ nhân dân tệ (323 tỉ USD) để đủ khả năng hấp thụ tổn thất toàn bộ, S&P cho biết trong báo cáo.
Công ty xếp hạng này cho biết con số này có thể lên tới 6.510 tỉ nhân dân tệ vào năm 2024 khi đại dịch Covid-19 đang xói mòn lợi nhuận của họ.
"Big4 ngân hàng đáp ứng các tiêu chuẩn hấp thụ tổn thất toàn cầu là một chủ đề quan trọng đối với các nhà đầu tư, vì nó ảnh hưởng đến cấu trúc vốn, chi phí tài trợ và quan trọng là cơ chế hỗ trợ đặc biệt", nhà phân tích Michael Huang của S&P viết trong báo cáo.
Lợi nhuận của hàng nghìn ngân hàng thương mại của Trung Quốc đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong một thập kỉ qua trong quí II do các khoản nợ xấu tăng kỉ lục.
Các ngân hàng quốc doanh lớn nằm trong nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi Chính phủ nước này yêu cầu họ phải hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn nhằm cứu vãn nền kinh tế.
Các nhà chức trách cũng thúc giục các ngân hàng tăng cho vay và củng cố bộ đệm vốn.
Theo qui định từ Ủy ban Ổn định Tài chính do Nhóm 20 quốc gia thành lập, các ngân hàng chiến lược toàn cầu (G-SIBs) ở các thị trường mới nổi phải có sẵn các công cụ để bảo lãnh tương dương với ít nhất 16% tài sản có trọng số rủi ro vào ngày 1/1/2025 và tăng lên 18% vào năm 2028. Lộ trình này có thể được tăng tốc trong những điều kiện nhất định.
Ngân hàng ở các thị trường phát triển đã đáp ứng giai đoạn đầu tiên vào năm 2019 trong khi ngân hàng Trung Quốc là những người đi sau.