Bộ Tài chính nói gì về quản lý thuế với những phiên livestream doanh thu hàng tỷ đồng?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ đã truyền thông để người bán hàng qua các hình thức thương mại điện tử trong đó có livestream bán hàng tự giác nộp thuế, nếu không sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm.

Liên quan đến hoạt động bán hàng qua hoạt động livestream, vừa qua đã xuất hiện những phiên bán hàng với doanh thu lên tới hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng. Điều này đặt ra câu hỏi về việc quản lý thuế đối với hoạt động livestream bán hàng qua mạng?

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc quản lý thuế với hình thức livestream bán hàng tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết khi người bán thực hiện hoạt động bán hàng qua livestream có thể sẽ phát sinh doanh thu, thu nhập.

Đây là hoạt động kinh tế, thương mại khi phát sinh doanh thu, thu nhập thì phải chịu sự điều chỉnh của các quy định Luật thuế, sắc thuế và sự giám sát của cơ quan thuế.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. (Ảnh: Nguyễn Ngọc).

Đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung, hay hoạt động livestream bán hàng, Bộ Tài chính đang quản lý theo hai sắc thuế.

Thứ nhất, nếu là cá nhân có hoạt động phát sinh doanh thu, sẽ phải chịu thuế đối với thu nhập của bản thân mình điều chỉnh bởi thuế thu nhập cá nhân. Cơ quan thuế sẽ thực hiện hoạt động thu thuế và quản lý theo sắc thuế này.

Đối với trường hợp các hộ kinh doanh gia đình có hoạt động phát sinh doanh thu thì thực hiện quản lý thu thuế theo quy định quản lý hộ kinh doanh. Nếu hộ khoán thì sẽ nằm trong mức khoán về thu thuế còn hộ có kê khai thì thực hiện theo hoạt động kê khai tiền thuế.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, livestream bán hàng là hoạt động nằm trong sự phát triển về công nghệ thông tin, không mới nhưng đã có sự phát triển, vì vậy, cơ quan Thuế đã tập trung truyền thông để người bán hàng hiểu về thuế và tự giác tiến hành kê khai, nộp thuế. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng tăng giám sát và kiểm tra các hoạt động kinh doanh này đối với cá nhân và hộ kinh doanh.

Chia sẻ một số số liệu quản lý thuế về kinh doanh thương mại điện tử, bao gồm cả hoạt động livestream bán hàng trong hai năm gần nhất, Thứ trưởng Chi cho biết, năm 2022, doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng; số thuế đã thu là trên 83.000 tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu quản lý thuế là 3,5 triệu tỷ đồng; số thuế đã thu khoảng 97.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, từ năm 2021 đến năm 2023, có hơn 31.570 đối tượng bao gồm cả hộ kinh doanh và cá nhân vi phạm về thuế; đã xử lý vi phạm hơn 22.159 trường hợp, số thuế thu tăng thêm là gần 3.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi mong các cơ quan truyền thông sẽ tăng cường thông tin đến các cá nhân và hộ kinh doanh để họ tự giác nộp thuế, làm sao để tiến tới không còn trường hợp vi phạm, phải kiểm tra, xử lý.

Cũng liên quan đến vấn đề thuế trong thương mại điện tử, tại công văn mới phát đi, Bộ Tài chính cho biết, trong thời kỳ phát triển nền kinh tế số, kinh doanh thương mại điện tử trở nên phổ biến với các hình thức ngày càng đa dạng, ngành thuế đã đưa ra nhiều giải pháp để tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Trong đó có giải pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng yêu cầu tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

chọn
Nhiều ông lớn cập bến Ninh Thuận
Từ đầu năm đến nay, Ninh Thuận lần lượt đón các doanh nghiệp bất động sản lớn tìm về đầu tư như Ecopark, Hà Đô, T&T, Hoàng Quân...