Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói về 'Make in Vietnam'

Kể từ khi cựu thủ lĩnh Viettel Nguyễn Mạnh Hùng nhận trọng trách Bộ trưởng Bộ TT&TT đến nay đã sắp tròn 1 năm, đây là lần đầu tiên ông say sưa trò chuyện xuyên trưa với cánh báo chí ngay tại trụ sở văn phòng Bộ. Kết thúc buổi trao đổi hết sức cởi mở và thẳng thắn này, ông có ngỏ lời xin lỗi vì để chúng tôi phải chờ hơi lâu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói về Make in Vietnam - Ảnh 1.

Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Nhưng với tôi, sự chờ đợi này rất đáng giá bởi những thông điệp sắc sảo về một chiến lược “Make in Vietnam” mà tân Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra.

Mở đầu cuộc trò chuyện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các nhà báo hai việc : Hãy tắt máy ghi âm và đặt những câu hỏi phản biện! Ông lý giải rằng, điều này sẽ giúp cuộc đối thoại có tính tương tác cao, tránh cách làm cũ là toàn “để máy ghi âm nó nghe, sau đó về bóc băng” làm thiếu vắng đi cái hồn của cả người nghe lẫn người nói. Dường như, cách vào đề kiểu này ở ta có phần hơi hiếm đối với một chính khách.

Được biết, hôm nay (9/5) tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông lần đầu tiên tổ chức, xuất hiện một slogan bằng tiếng Anh nghe khá lạ tai “Make in Vietnam” (không phải made in Vietnam).

Bộ trưởng Hùng cắt nghĩa,  đại ý “Make in Vietnam” có hàm ý rộng hơn made in Vietnam, thông qua đấy truyền tải nội hàm phát triển doanh nghiệp Việt Nam, ý muốn nói là sáng tạo tại VN, thiết kế tại VN, làm ra tại VN, khác với khái niệm doanh nghiệp KHCN bấy lâu nay. Tại Diễn đàn này, sẽ có hàng loạt kiến nghị, đề xuất được đưa ra để hình thành một chiến lược về phát triển doanh nghiệp công nghệ cho Việt Nam.

Đừng bao giờ nói "How to do" (làm như thế nào) mà chỉ cần nói "What to do" (làm cái gì), đó là cách người quản lý làm việc với những người thông minh - một phẩm chất mà người Việt chúng ta không thiếu.

Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

“Make in Vietnam”, theo Bộ trưởng Hùng, sẽ bao gồm 4 loại doanh nghiệp.

Thứ nhất là các startup, đòi hỏi sự sáng tạo ra cái mới đầy “bất ngờ và kinh ngạc” nhưng lại cực kỳ hữu dụng. Điều này có vẻ đội ngũ startup Việt hiện còn thiếu và cũng không hề dễ.

Thứ hai, đó là các công ty công nghệ, tức tìm cách đưa những công nghệ mà thế giới đã có sẵn đem áp dụng một cách sáng tạo vào các lĩnh vực tại Việt Nam.

Đây là điều khả thi và không khó làm, có thể tạo ra một đội ngũ đông đảo các doanh nghiệp loại này. Thứ ba, đó là các doanh nghiệp đầu đàn, những doanh nghiệp công nghệ lớn mang tính dẫn dắt như FPT, CMC, VinaGame….

Cuối cùng chính là các doanh nghiệp vốn trước đây chỉ làm dịch vụ, đã gặt hái được nhiều thành công, nay rất có tiềm lực, đã và đang chuyển hướng sang lĩnh vực công nghệ - công nghiệp.

Ví như Viettel, vốn chỉ là một doanh nghiệp dịch vụ viễn thông, doanh thu từng lên tới 240 ngàn tỷ đồng mỗi năm, dành ra tới  4-5 ngàn tỉ cho quỹ nghiên cứu - phát triển.

Nay Viettel đã là tập đoàn công nghiệp, hay như Vingroup cũng đã tuyên bố trở thành tập đoàn công nghệ,  Sun Group, Geleximco… cũng sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ.

Bộ trưởng Hùng cũng thẳng thắn nhận định, với các tập đoàn vốn đi lên từ doanh nghiệp bất động sản, việc chuyển hướng như vậy là hoàn toàn đúng đắn, không những vì lợi ích quốc gia mà vì lợi ích cho chính các doanh nghiệp này, bởi sẽ đến lúc dư địa cho lĩnh vực này sẽ cạn kiệt, không còn đất để mà bán.

Nghe đến đây, tôi có mạo muội hỏi ông rằng, liệu đã đến lúc chúng ta cần cất cánh đi lên từ lĩnh vực giàu hàm lượng chất xám và công nghệ cao, liệu “Make in Vietnam” có  là một “turning point” (bước ngoặt) đánh dấu sự chuyển mình của các doanh nghiệp nội, từ một trào lưu “nhà nhà làm bất động sản” sang một trào lưu làm giàu mới bằng công nghệ và sáng tạo? Bộ trưởng Hùng với ngay tờ giấy trước mặt và phác ra hai đồ thị của sự phát triển doanh nghiệp, loại thứ nhất đi lên rất nhanh và rồi cũng đi xuống rất nhanh, loại thứ hai đi lên rất từ từ “điềm đạm” rồi mới bùng phát. Ông gọi loại thứ hai là “sự vĩ đại của tất cả các cách”, và cho rằng mình chưa biết khoảng thời gian để thực sự bùng phát của các doanh nghiệp công nghệ là bao lâu, có thể 1 năm hay 3 năm hoặc lâu hơn thế, nhưng ông kỳ vọng sự kiện “make in Vietnam” ngày mai (9/5) sẽ là bước khởi đầu cho sự thay đổi nhận thức quan trọng đối với doanh nghiệp Việt.

“What to do” thay vì “How to do”

Ông nói thêm, tại diễn đàn ngày mai, các nhà báo sẽ nghe thấy một điều rất khác lạ. Đó là, từ trước đến nay cứ nói đến làm cái gì, phát triển cái gì thì bao giờ câu hỏi cũng là nhà nước ủng hộ cái gì, tạo điều kiện cái gì? Mà mình quên mất cái vế, nhiều trường hợp, mình tạo ra cho họ một khó khăn, một thách thức thì đấy mới là giúp họ phát triển.

Đôi khi chúng ta chỉ nghĩ đến việc giảm thuế, cấp đất…, nhưng trong rất nhiều trường hợp, những điều tưởng như ưu ái đó lại tạo ra thất bại, tạo ra thách thức, còn khó khăn thì lại giúp phát triển.

Bởi vậy, ngày mai sẽ có một đề xuất, Chính phủ và các bộ ngành hãy nâng cao các tiêu chuẩn sản phẩm Việt Nam, đó chính là một biện pháp giúp hình thành các doanh nghiệp công nghệ cho Việt Nam, tăng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Đấy chính là biện pháp để buộc các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ. Đây là điều rất khác với bình thường, bình thường là cứ phải xin - cho. Lão Tử có một câu rất hay “Muốn sống, hãy đẩy vào chỗ chết”. 

Ông nêu ví dụ, bây giờ muốn thành nhà báo giỏi, phải yêu cầu viết những chủ đề rất khó, chứ không nhiều phóng viên sẽ chọn những chủ đề dễ. “Phải viết những bài được Thủ tướng chính phủ xem xét đưa vào nghiên cứu chính sách, chứ không chỉ cầm cái máy đi ghi âm, về chắt lọc thành bài, nó nhạt phèo”, Bộ trưởng Hùng nói.

Đến đây, cựu thủ lĩnh Viettel Nguyễn Mạnh Hùng hào hứng kể lại câu chuyện “khởi nghiệp” của tập đoàn này tại một số quốc gia châu Phi. Ông gọi điện cho một cán bộ đang phụ trách kinh doanh ở một tỉnh phía Nam, ngày mai bay ra Hà Nội “đi châu Phi với anh”,  cán bộ này đáp “Dạ, mai em bay ra”, nhưng thực tế chưa biết công việc cụ thể sẽ ra sao, làm thế nào. Tiếng tăm không biết, văn hóa phong tục địa phương cũng không rành, bị “thả” vào giữa một môi trường hoàn toàn lạ lẫm, có người khi sếp về hoảng quá đến phát khóc. Ấy vậy mà chỉ 6 tháng sau, những cán bộ này đã “hội nhập” rất tốt và rành rẽ mọi chuyện, cuối cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ khai phá và chiếm lĩnh thị trường được giao. Ông Hùng gọi điều này là một “phẩm chất đặc biệt chỉ người Việt Nam mới có”.

Do vậy, trong giai đoạn hiện nay, đừng chờ việc đào tạo bài bản mà phải mất hàng chục năm sau mới có, hãy tận dụng phẩm chất đặc biệt này của chúng ta để bắt tay ngay vào việc. Hãy biết cách giao việc, ắt sẽ có người đáp ứng.

Nhất là với người thông minh, theo ông Hùng, đừng bao giờ nói “How to do” (làm như thế nào) mà chỉ cần nói “What to do” (làm cái gì), đó là cách người quản lý làm việc với những người thông minh - một phẩm chất mà người Việt chúng ta không thiếu. Ông Hùng gọi đó là phương châm “Best practice”, nôm na là chính môi trường và kinh nghiệm sẽ tôi luyện chúng ta, đó là loại kiến thức tốt nhất.

Cái mới bao giờ cũng bị đa số phản đối 

Tôi có hỏi lại ông, vậy với các doanh nghiệp công nghệ mà chúng ta đang muốn phát triển, liệu họ có nơi để ứng dụng không ? Câu chuyện giữa Grab và taxi truyền thống, hay các doanh nghiệp Fintech là những ví dụ… Dường như, các doanh nghiệp công nghệ vẫn còn đang phải đối mặt với một số vấn đề về hành lang pháp lý, về nhận thức trong xã hội?

Bộ trưởng Hùng thẳng thắn: Những mô hình, công nghệ mới đem lại hiệu quả rất cao cho đất nước, xã hội mà chính sách không hỗ trợ thì hỗ trợ cái gì. Nhưng chúng ta cũng cần hiểu rằng, cái mới là gì, là cái bị đa số phản đối. Câu chuyện là cái mới được sinh ra như thế nào, phôi thai ra sao? Bài toán là lúc nào nó cũng mâu thuẫn với cái cũ.

Với taxi truyền thống, mấy chục năm nay doanh nghiệp họ phải mua ôtô, thuê tài xế lái. Bây giờ lại xuất hiện một ông không mua ôtô mà lại điều hành cả một hệ thống ôtô. Hai điều này là “cực đoan” nhau.

Việt Nam đã cho Grab thí điểm, từ chuyện thí điểm gần đây chúng ta nói đến chuyện những cái gì mới, chưa biết quản thế nào, theo kiểu ngày xưa thì cấm luôn, thì bây giờ không cấm, cho thí điểm trong một không gian thời gian nhất định, xem nó là cái gì, rồi mới tính đến cho hay không cho.

Việc cho ra ví điện tử là rất động chạm đến ngân hàng. Gần đây chúng ta hay nói đến Mobile Money, nôm na là cho phép nhà mạng trở thành “ngân hàng”.  Ví điện tử là vẫn phải dùng tài khoản ngân hàng, còn đây là người dùng nạp tiền vào rồi gửi cho nhau là xong. Tất nhiên là bây giờ đang giới hạn giá trị nhỏ.

Nhưng bản chất thì Bộ  TT&TT và Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất cái này, trình lên Thủ tướng. Chính phủ đã sẵn sàng cho thử những cái mới, thậm chí đang tiến hành thử nghiệm trên diện rộng.

Nhìn vào như thế, mình thấy là Việt Nam có bảo thủ không? Không phải bảo thủ đâu ! Nếu bây giờ công nghệ mới ra đời mà chúng ta vẫn quản nó như cái cũ thì xã hội không phát triển. Xã hội phát triển là khi công nghệ giúp việc giám sát xã hội tốt hơn.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhắn gửi, đối với những vấn đề của công nghệ mới thời 4.0 mà cả xã hội lẫn cơ quan quản lý chưa nhận thức rõ và biết sẽ quản thế nào, báo chí nên tham gia bằng cách nêu lên những kinh nghiệm ở các nước khác trên thế giới về vấn đề này, đó là một phương cách tốt đóng góp cho sự phát triển.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.