Cẩn trọng với loại hình bất động sản nghỉ dưỡng - condotel
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Xây dựng đã đưa ra cảnh báo về loại hình bất động sản mới nổi trong thời gian gần đây - Condotel vì nhiều vấn đề về pháp lí chưa được rõ ràng dễ dẫn đến thiệt hại cho cả bên mua và bên bán.
Theo thống kê của Bộ, trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến nay, các địa phương ven biển đã cho phép một số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh các dự án du lịch nghỉ dưỡng có công trình căn hộ du lịch (condotel) và biệt thự du lịch (resort); tại một số đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác đã cho phép một số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh loại hình công trình văn phòng làm việc kết hợp lưu trú (officetel).
Số liệu của 71 dự án bất động sản do Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở từ đầu năm 2015 đến nay thì đã có khoảng 25.639 căn hộ condotel, officetel, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn căn condotel, officetel do các địa phương thẩm định, cấp phép theo thẩm quyền.
Bộ Xây dựng cho biết, cần kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu tránh để tình trạng dư thừa tồn kho, gây bất ổn cho thị trường bất động sản, bảo đảm tuân thủ pháp luật, hiệu quả đầu tư, ngăn chặn các hành vi trục lợi, tham nhũng, làm thất thoát tài sản nhà nước, nhất là trong sử dụng đất đai.
Loại hình BDDS condotel còn nhiều vấn đề về pháp lí chưa được rõ ràng dễ dẫn đến thiệt hại cho cả bên mua và bên bán. (Ảnh minh họa) |
Thị trường bất động sản đang chững lại và thiếu minh bạch
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết; Thị trường bất động sản năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 nhìn chung phát triển khá ổn định. Giá nhà ở trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 không có nhiều biến động lớn, một số dự án tại các khu vực gần trung tâm, có hạ tầng đầy đủ, chủ đầu tư có uy tín, triển khai đúng tiến độ, giá chào bán tăng nhẹ.
Tuy nhiên, sau 3 năm tăng trưởng liên tục (từ 2013 đến 2016) thị trường bất động sản 2017 có xu hướng chững lại. Trong 6 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản hoạt động bình thường, giá cả không có biến động so với cùng kỳ năm 2017, tồn kho tiếp tục giảm mạnh.
Cụ thể, qua số liệu báo cáo của một số chủ đầu tư và một số sàn giao dịch bất động sản: Tại Hà Nội trong năm 2016 có khoảng 15.400 giao dịch thành công, tại TP Hồ Chí Minh trong năm 2016 có 15.255 giao dịch thành công.
Tại Hà Nội năm 2017 có khoảng 14.800 giao dịch thành công (giảm 4,2% so với năm 2016), trong 6 tháng đầu năm 2018 có khoảng 8.350 giao dịch thành công (tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2017); tại TP Hồ Chí Minh năm 2017 có khoảng 16.220 giao dịch thành công (tăng 6,3% so với năm 2016), 6 tháng đầu năm 2018 có khoảng 9.550 giao dịch thành công (tăng 31,4 so với cùng kỳ năm 2017.
Đến nay, lượng tồn kho bất động sản tuy đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn khá lớn, (đến hết tháng 20/8/2018, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 23.692 tỷ đồng), chủ yếu tồn kho tại các dự án xa trung tâm, hạ tầng chưa đầy đủ và còn thiếu các dịch vụ thiết yếu nên không bán được hàng.
Ngoài ra giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân.
Bộ Xây dựng đánh giá, thị trường bất động sản phát triển thiếu minh bạch, từ khâu qui hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch bất động sản. Nhiều địa phương chưa thực hiện triệt để hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, vẫn còn tồn tại cơ chế xin-cho trong việc giao dự án bất động sản, dễ phát sinh tiêu cực...
Bộ này kiến nghị; Thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và có các biện pháp kịp thời để ổn định thị trường, phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật làm tăng giá bất động sản bất hợp lý trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng sốt nóng giá bất động sản và bong bóng bất động sản.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản.
Tiến hành thanh tra, kiểm tra và công bố công khai các dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng, các dự án không thực hiện bảo lãnh, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, các dự án chậm tiến độ, các dự án chưa nghiệm thu chất lượng công trình, chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng, các chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người dân....
HoREA: Nhu cầu nhà giá rẻ tại các đô thị là rất lớn
Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), nhu cầu nhà giá rẻ tại các đô thị là rất lớn, còn ... |
Bùng nổ trung tâm mua sắm ở rìa Sài Gòn
TP HCM đã có thêm cả trăm nghìn m2 sàn thương mại mới nằm ngoài khu trung tâm từ quý III đến cuối năm 2018. |