Bỏng nặng do nổ bóng bay: Hiểm họa khôn lường trong các cuộc vui

Những ngày qua, tại Khoa Bỏng – Bệnh viện Xanh Pôn đã tiếp nhận nhiều ca bệnh nhân bị bỏng nặng. Đặc biệt, bệnh nhân bỏng do bị nổ bóng bay đang diễn ra theo chiều hướng tăng cao hơn trước đây.
 

Nổ bóng bay gây bỏng nặng

Có mặt tại Khoa Bỏng – Bệnh viện Xanh Pôn trong sáng nay (28/2), chúng tôi đã chứng kiến hai trong số nhiều bệnh nhân bị bỏng do nổ bóng bay đang điều trị tại đây.

bong nang do no bong bay hiem hoa khon luong trong cac cuoc vui
Bệnh nhân Dương Thị M (SN 1984, trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể lại sự việc với PV (Ảnh: Nhật Cường).

Bệnh nhân Dương Thị M (SN 1984, trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể lại: “Hôm 26/2, gia đình tôi tổ chức lễ mừng thọ cho bà bác tôi lên 70 tuổi và có mua về một chùm bóng bay kép gồm 20 quả (thực tế là 40 quả) được bọc trong một túi nilon lớn. Đến khoảng 18h, tôi là người trực tiếp ra sân gỡ từng quả bóng bay ra để chia cho các cháu nhỏ thì bất ngờ một trong số đó bị nổ”.

Vẫn theo chị M, khi gỡ bóng thì một quả bóng đã nổ rất lớn và khiến cả chùm bóng bị nổ theo. Ngọn lửa bùng lên làm chị M bị cháy xém vào phần mặt, tóc, cổ và hai bên tay. Ngay sau đó, chị M được người nhà dội nước lạnh vào các bộ phận bị bỏng để sơ cứu rồi đưa đi bệnh viện. Rất may lúc đó mấy cháu nhỏ đang ở trong nhà và không bị ảnh hưởng gì.

Lời kể của chị Dương Thị M lúc bị nổ bóng bay (Video: Nhật Cường).

Một bệnh nhân nữa cũng nhập viện trong tình trạng bỏng nặng đó là chị Mai Phương L (SN 1995, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Theo lời kể của chị L: Vào ngày 14/2, công ty nơi chị này làm việc có tổ chức một chương trình sự kiện. Chị L là người phụ trách trang trí cho sự kiện của công ty và có sử dụng một số lượng bóng bay trong đó. Khi L cầm theo chùm bóng bay gồm hơn 50 quả bóng đi từ tầng 1 lên tầng 3 thì bất ngờ chùm bóng phát nổ. Sau tiếng nổ lớn ngọn lửa bùng phát khiến nạn nhân bị lửa phả vào vùng mặt, cổ, cánh tay.

bong nang do no bong bay hiem hoa khon luong trong cac cuoc vui
Hiện tình trạng sức khỏe của chị L đang dần hồi phục nhưng vẫn phải điều trị thêm (Ảnh: Nhật Cường).

Vụ nổ khiến cho chị L cảm thấy choáng váng và lập tức tìm tới nguồn nước để rửa vào vùng bị bỏng. Đồng thời, L được đồng nghiệp sơ cứu và xịt thuốc trị bỏng mua ngay sau đó rồi mới đưa vào cấp cứu ở bệnh viện. Nhập viện trong tình trạng bỏng nặng khiến cô gái này chỉ có thể ăn được cháo loãng qua đường ống khí trong vòng 7 ngày đầu điều trị. Toàn bộ vùng da mặt, cổ, cánh tay của chị L bị khí Hydro trong bóng bay nổ phả vào mặt gây sưng và đau đớn.

Hiện tại, tình trạng của chị L đã đỡ khả quan hơn và ăn uống lại được bình thường. Các vết bỏng cũng dần liền lại và lên da non.

bong nang do no bong bay hiem hoa khon luong trong cac cuoc vui
Những quả bóng bay bơm khí Hydro tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ nhưng nhiều người vẫn không biết đến điều này (Ảnh minh họa).

Hãy coi chừng với bóng bay bơm khí Hydro

Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thống – Trưởng Khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết: “Trước đây tình trạng bệnh nhân bị bỏng do nổ bóng bay thường rất ít. Nhưng vài năm trở lại đây đang có xu hướng gia tăng do nhu cầu của người dân trong các sự kiện, tiệc tùng, sử dụng nhiều đến bóng bay.

bong nang do no bong bay hiem hoa khon luong trong cac cuoc vui
Bác sĩ Nguyễn Thống – Trưởng Khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn khuyến cáo người dân không nên sử dụng loại bóng bay bơm khí Hydro (Ảnh: Nhật Cường).

Bóng bay hiện nay thường được bơm khí Hydro rất nhẹ và có nguy cơ nổ rất cao. Bóng lại được buộc theo chùm nhiều quả nên khi phát nổ sẽ gây cháy và tác động trở lại người dùng. Nếu chúng ta vô tình để quả bóng bay chạm hoặc tiếp xúc với nguồn nhiệt (lửa), hoặc bị ép mạnh bằng ngoại lực thì nguy cơ cháy nổ là rất cao”.

Cũng theo BS Thống, dù từ trước đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do nổ bóng bay nhưng hậu quả và di chứng để lại của nó thì cũng rất đáng ngại, đặc biệt là về mặt thẩm mỹ.

“Người dân nên hết sức cảnh giác với loại bóng bay này. Bản thân chúng ta, nhất là khi tham gia các sự kiện, tiệc tùng, cưới hỏi, mừng thọ thường không để ý tới nguy cơ từ những quả bóng bay này. Rất nhiều tác nhân có thể gây cháy nổ như tàn thuốc lá, bóng bay nếu bị cọ sát và hay nổ theo dây chuyền cả chùm bóng.

Nếu không may bị nổ thì cần phải tách ngay lớp quần áo bị cháy ra khỏi cơ thể. Tiếp theo dùng mọi cách để làm lạnh vết thường, rửa bằng nước lạnh khoảng 18 – 25 độ C và liên tục trong khoảng 15 – 20 phút. Sau đó băng kín vết bỏng lại bằng gạc sạch rồi đưa vào bệnh viện điều trị tiếp”, Bác sĩ Nguyễn Thống cho hay.

Bên cạnh đó, vị Trưởng Khoa Bỏng cũng khuyến cáo người dân cần tuyệt đối tránh xa và không nên sử dụng loại bóng bay bơm khí Hydro – một chất khí dễ gây cháy nổ. Đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý với loại mặt hàng này, khí Hydro được mua bán quá dễ dàng lại giá thành rẻ nên nhiều người đã làm dụng để bơm vào bóng bán cho người dân.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.