Cà phê cuối tuần với VnEconomy bên bờ biển tuyệt đẹp của thành phố Đà Nẵng, PGS. TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), đã nhận định như vậy. Ông cũng nhiều lần nói đến hai chữ khát vọng. Đó là một Việt Nam với khát vọng hùng cường vào 2045 - kỉ niệm 100 năm thành lập nước, là kì vọng Việt Nam sẽ làm nên kỳ tích phát triển trong nửa đầu thế kỷ 21.
- Thưa ông, mặc dù chưa hết năm 2019 nhưng kinh tế Việt Nam đã được nhắc đến với nhiều chữ nhất: tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, cao nhất 9 năm qua, CPI có mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua, vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, thu ngân sách cũng là năm đầu tiên đạt 1 triệu tỉ....là một học giả nghiên cứu về chiến lược phát triển kinh tế, ông thấy những cái nhất này có thực sự đáng mừng không?
- Tôi thấy vừa mừng vừa lo. Mừng vì cải cách của chúng ta đang đi đúng hướng và những nỗ lực của chúng ta đã gặt hái được những kết quả bước đầu và cục diện phát triển của Việt Nam, nói chung, đang tốt lên. Phải nói rằng chúng ta đang gặp luồng gió thuận do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung làm nổi lên tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung trong phân bố chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên tôi vẫn thấy lo vì tiến bộ chúng ta đạt được do có cố gắng cao hơn nhưng chưa phải do những tiến bộ bứt phá khai thác ba động lực nền tảng của công cuộc phát triển: thông tuệ, thiết kế, và tổng lực.
- Xin ông nói rõ thêm về ba động lực nền tảng này?
- Người Việt Nam ta xuất sắc về sự thông minh nhưng còn nhiều khiếm khuyết về sự thông tuệ. Thông minh là khả năng nắm bắt nhạy bén cơ hội và biến nó thành thành quả vật chất, thỏa mãn ước muốn hiện thời. Thông tuệ là tầm chiến lược trong chọn mục tiêu, hướng đi, và nỗ lực kiến tạo nền móng cho sức mạnh trường tồn: càng đánh càng thắng, càng làm càng mạnh, càng gần tới đích càng được tin tưởng.
Do sự hạn chế về tính thông tuệ, người Việt Nam chúng ta dễ sa vào một trong bốn cạm bẫy của phát triển. Cạm bẫy tài nguyên làm chúng ta ỷ lại vào nguồn lực và coi thường định vị chiến lược và nỗ lực kiến tạo giá trị mới.
Cạm bẫy cơ hội làm chúng ta sa vào những cơ hội mang lại lợi ích ngắn hạn nhưng làm tổn hại lợi ích dài hạn.
Cạm bẫy năng lực làm chúng ta nghĩ rằng chúng ta luôn luôn đúng; phương cách đã giúp chúng ta thành công trong quá khứ sẽ giúp chúng ta thành công trong tương lai; chủ quan, bỏ qua mọi lời khuyên thẳng thắn khó nghe.
Cạm bẫy thế lực làm chúng ta quá say sưa, hãnh diện khi có vị thế cao và sẽ rơi vào điểm mù chiến lược do trở nên ảo tưởng vào danh tiếng và thành quả quá khứ của mình.
Về thiết kế bộ máy, hệ thống pháp lí-chính sách, và đào tạo, chúng ta còn yếu. Trong thiết kế, chúng ta coi nhẹ cả ba thước đo kiến tạo giá trị: hiệu quả hoạt động, hiệu lực chiến lược, và hiệu ứng cộng hưởng.
Khi thiết kế một nỗ lực lớn, chúng ta cần hết sức coi trọng cả ba thước đo này. Thước đo hiệu quả hoạt động giá trị nhìn vào lợi ích hiện hữu tạo ra từ tổng chi phí. Trong khi đó, thước đo hiệu lực chiến lược đánh giá giá trị nó mang lại trong gia cường nền tảng phát triển, đặc biệt quan trọng là lòng tin của dân, sự thôi thúc của đội ngũ cán bộ, sự tuân thủ qui luật của trời đất, và sự thích ứng với đổi thay. Thước đo hiệu ứng cộng hưởng nhìn vào giá trị tạo ra từ sức mạnh hợp thành do sự tương tác cộng hưởng mang lại.
Về tổng lực, chúng ta chưa tạo ra một nền tảng cho công cuộc phát triển trỗi dậy. Câu chuyện Phù Đổng gợi ý ba bài học lớn: dựa hẳn vào dân khi đứng trước những thách đố tồn vong; tin vào sức mạnh phi thường của người dân; sức mạnh cộng hưởng của toàn dân giúp vượt qua mọi khó khăn thách thức. Chính cơm gạo và sắt thép từ xoong nồi của người dân, chứ không phải kinh phí từ ngân sách đã giúp Thánh Gióng lớn nhanh như thổi và đủ vũ khí lập chiến công kì vọng.
- Ông đã nhiều lần nói đến các động lực phát triển tiềm tàng của Việt Nam, về khát vọng dân tộc, vị trí chiến lược, dân số lớn và đang ở thời kỳ dân số vàng....và nay thì như ông nhận định là con thuyền đang đúng hướng, vậy thì theo ông đâu là bí quyết Việt Nam cần đặc biệt chú trọng khai thác để tạo nên sức mạnh thần tốc cho công cuộc phát triển?
- Để tìm ra bí quyết tạo động lực tiềm tàng giúp chúng ta đi nhanh trên chặng đường phía trước; trước hết, chúng ta phải hiểu rõ đâu là bí quyết căn bản đã giúp chúng ta đi được chặng đường dài trong 30 năm đổi mới vừa qua.
Từ nghiên cứu của mình, tôi xin được tạm chia nỗ lực cải cách của Việt Nam thành hai giai đoạn: Đổi mới 1, từ 1986 đến 2015; và Đổi mới 2, từ 2016 đến 2045.
Trong khi Đổi mới 1 đặc trưng bởi sự thức dậy về tư duy, cởi trói về cơ chế, mạnh dạn trong hội nhập, và thích ứng với đổi thay; Đổi mới 2 (2016 - 2045), tôi tin, sẽ ghi dấu ấn sáng chói về sức trỗi dậy về tầm nhìn, nỗ lực xây dựng nền tảng thiết chế cho một quốc gia hiện đại-một xã hội phồn vinh, và ý chí của toàn dân tộc đưa Việt Nam đến một vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.
Bốn động lực trụ cột trong công cuộc phát triển của một quốc gia là thị trường, thể chế, con người, và văn hóa. Công cuộc phát triển không thể tiến lên, thậm chí bị thảm bại, nếu một trong bốn trụ cột này bị tê liệt. Bí quyết kì diệu của Đổi mới 1 là tìm ra bàn tay vô hình của thị trường. Tôn trọng và khuyến tạo nó đã giúp cả đất nước sống động. Người người làm hết mình vì động lực lợi ích và niềm tin vào tương lai.
Bí quyết của Đổi mới 2 cũng sẽ là bàn tay vô hình, nhưng nó không nằm ở thị trường mà ở thể chế. Với thể chế, chúng ta phải có thiết kế bộ máy để tạo nên sức mạnh vô hình làm người cán bộ làm việc xả thân như người nông dân trên đồng ruộng và người doanh nhân trên thị trường. Lợi ích, cơ chế yểm trợ, và niềm tin với ý thức trách nhiệm sẽ tạo nên bàn tay vô hình này.
Đổi mới 2 (2016-2045) phải giải quyết bàn tay vô hình thứ hai, đem lại cảm xúc lớn, đem lại lợi ích, đem lại niềm tin, làm sao để đội ngũ công chức cũng có sự quật khởi, thao thức trăn trở để làm việc cho tốt. Khi nói đến bàn tay vô hình thì phải nói đến lợi ích, niềm tin và cảm hứng từ đồng đội, là nói đến quy luật chứ không phải là quy trình.
Tôi thấy cách chọn cán bộ chiến lược cũng như nỗ lực cải cách bộ máy hiện nay của chúng ta chưa thực sự có bước tiến đột phá trong nắm bắt bí quyết này.
- Cũng có không ít người nói rằng, Việt Nam không nghèo mới là lạ. Ông nghĩ gì về nhận xét này?
- Có phần đúng đấy. Như tôi đã nói ở phần trên, công cuộc phát triển dựa trên bốn trụ cột, thị trường, con người, thể chế, và văn hóa. Chúng ta đang mạnh lên về thị trường và con người nhưng còn hạn chế về trụ cột thể chế và có phần suy giảm về văn hóa.
Về thể chế, người dân và doanh nghiệp vẫn thấy đây là gánh nặng. Chính sách cơ chế thường gây ức chế nhiều hơn là tạo nên sự hứng khởi hân hoan. Về văn hóa, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy sự suy giảm đáng kể ít nhất trên hai thước đo, lòng tin và cảm nhận trách nhiệm.
Chúng ta hiện khấm khá lên nhiều so với trước, nhưng phần nhiều vẫn là nhờ vào địa tô của quốc gia, giống như một gia đình có nhà mặt tiền. Chúng ta nên tự hỏi tại sao Singapore chỉ có khoảng 700km2 mà tiền không để đâu hết còn chúng ta đất rộng gấp mấy trăm lần lại ở vào vị trí đặc biệt chiến lược mà vẫn chưa giàu. Công trình tàu điện ngầm vô cùng trọng yếu ở Hà Nội và TP HCM đều bị trì hoãn quá lâu vì không có vốn.
- Nếu có một điều ước cho con đường đi đến tương lai của Việt Nam, ông sẽ ước gì?
- Tôi ước mỗi người Việt Nam ta, từ lãnh đạo đến người dân thường đều làm một điều gì đó làm ngạc nhiên đồng nghiệp, gia đình, và cộng đồng về sự lớn lên của mình, từ xúc cảm trách nhiệm đến tư duy khai sáng, từ ý thức đồng đội đến sáng kiến hành động. Chỉ có như vậy, chúng ta mới mong Việt Nam có thể làm nên kỳ tích với Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, và Trần Quốc Toản của thế kỷ 21 này.