Công ty chứng khoán nói gì chuyện Moody's xem xét hạ tín nhiệm Việt Nam và 17 ngân hàng?

Dù nhận định Việt Nam gần như không có rủi ro về khả năng thanh toán như đánh giá của Moody’s, nhưng các công ty chứng khoán cho rằng nếu bị hạ tín nhiệm sẽ gây tác động tiêu cực tới các nhóm doanh nghiệp, tổ chức hoặc cơ quan Chính phủ.

Liên quan việc Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) thông tin sẽ xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam và 17 ngân hàng Việt Nam, nhiều công ty chứng khoán đang đưa ra ý kiến bình luận về quyết định này của Moody's.

BSC: Moody's xem xét hạ tín nhiệm Việt Nam và 17 ngân hàng có thể gây tác động tiêu cực 

Theo đánh giá của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), nguyên nhân Moody's ra quyết định sẽ xem xét hạ tín nhiệm Việt Nam do tổ chức này nhận được tin tức một vài khoản thanh toán trả nợ của Chính phủ đang bị trì hoãn.

12_ivbm

Moody's cho biết sẽ xem xét hạ tín nhiệm Việt Nam. (Ảnh: Reuters).

Nhận định về sự việc này, chuyên gia của công BSC cho rằng với dự trữ ngoại hối lớn và các yêu cầu tài chính ở mức thấp, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng các nghĩa vụ trả nợ.

Tuy nhiên, bản đánh giá sắp tới của Moody's sẽ kiểm tra xem liệu những điểm yếu về thể chế tài chính của Việt Nam có dẫn tới khả năng các khoản thanh toán tương lai có bị trì hoãn hoặc bỏ lỡ. 

"Trong thời gian xem xét, Moody's sẽ làm rõ thêm về hiệu quả của các biện pháp và quy trình mà chính phủ Việt Nam đã đưa ra, để đảm bảo thanh toán đầy đủ và kịp thời tất cả các nghĩa vụ", báo cáo phân tích của BSC cho biết.

Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng cho rằng do hạng tín dụng của Việt Nam đang bị đánh giá lại, một số ngân hàng đứng đầu cũng có thể bị giảm hạng tín dụng, khi Mood's chỉ cho phép mức điểm tín dụng cao nhất của ngân hàng trong một quốc gia ngang bằng với hạng mức tín dụng của quốc gia đó.

Thực tế, chỉ sau 1 ngày, Moody's đã tiếp tục cho biết sẽ xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm của 17 ngân hàng trong nước, trong số này gồm cả 4 "ông lớn" trong nhóm ngân hàng quốc doanh là Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank.

Chuyên gia của BSC cho rằng thị trường sẽ phần nào bị ảnh hưởng bởi thông tin trên. Việc điểm tín dụng bị suy giảm sẽ khiến mức lãi suất của các nhóm trái phiếu, hay các khoản CDS tăng mạnh lại do nhà đầu tư ngoài nước sẽ đòi hỏi mức lãi suất cao hơn với các khoản nợ vay rủi ro. 

"Điều này có thể sẽ gây tác động tiêu cực với các nhóm doanh nghiệp, tổ chức hoặc cơ quan chính phủ đã và đang phát hành trái phiếu cho các nhà đầu tư ngoài nước. Đặc biệt là trong công đoạn quản lí dòng tiền của hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính và các dự án trọng điểm", chuyên gia của BSC đánh giá.

Yuanta Việt Nam: Việt Nam không có rủi ro về khả năng thanh toán

Trong khi đó, Công ty CP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta Việt Nam) lại lưu ý rằng thông báo của Mood's chỉ nêu sẽ xem xét, không phải là hạ tín nhiệm.

"Việc điều tra xem xét sẽ diễn ra trong vòng 3 tháng. Chúng tôi cho rằng đây có thể được xem là động lực để Chính phủ khắc phục các vấn đề thể chế, thủ tục hành chính và điều tiết, nhằm tránh xảy ra việc hạ đánh giá tín nhiệm, ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn trong tương lai", chuyên gia của Yuanta Việt Nam cho biết.

ndm_0114_geme

Yuanta Việt Nam cho rằng Việt Nam không có rủi ro về khả năng thanh toán. (Ảnh: Thanh Niên).

Công ty này cũng nhận định hiện về cơ bản Việt Nam gần như không có rủi ro về khả năng thanh toán, bởi dự trữ ngoại hối dồi dào ở mức xấp xỉ 70 tỉ USD, tương đương gần 14 tuần nhập khẩu.

Ngoài ra, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư kỉ lục với 7,2 tỉ USD trong quý I/2019, nhờ thặng dư thương mại và đầu tư nước ngoài cao. Việc thanh toán các nghĩa vụ nợ của Việt Nam vẫn đang diễn ra bình thường. 

Cụ thể, quý II, Việt Nam đã thanh toán nợ gốc ngắn hạn 4,2 tỉ USD và dài hạn 1,4 tỉ USD (gồm tư nhân và Chính phủ), theo đó cán cân tài chính giảm từ 7,2 tỉ USD xuống còn 0,8 tỉ USD.

Song song đó, thặng dư cán cân thương mại trong quý III/19 tiếp tục duy trì ở mức cao (xấp xỉ 4 tỉ USD) cùng với đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng ổn định, sẽ tiếp tục giúp Việt Nam mở rộng cán cân thanh toán quốc tế trong quý III/2019, qua đó nâng cao khả năng thanh toán.

Tuy nhiên, Yuanta Việt Nam cũng cảnh báo rằng Moody's sẽ hạ tín nhiệm của Việt Nam nếu quá trình điều tra xem xét kết luận khoảng trống về hành chính vẫn tồn tại, và gây ra rủi ro về việc chậm trả nợ trong tương lai. 

"Việc bị hạ tín nhiệm sẽ ảnh hưởng khả năng huy động vốn của quốc gia và doanh nghiệp, cụ thể là chi phí, lãi suất huy động vốn của chính phủ và các doanh nghiệp trong tương lai sẽ cao hơn, do phần bù rủi ro cao hơn để có thể hấp dẫn nhà đầu tư", chuyên gia Yuanta Việt Nam cho biết.

Theo công ty này, việc tăng chi phí vốn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của đầu tư công và tăng trưởng kinh tế. 

"Với hệ quả tương đối 'đắt đỏ' này, chúng tôi cho rằng Chính phủ chắc chắn phải cân nhắc các biện pháp sớm khắc phục các vấn đề thủ tục và hoàn tất nghĩa vụ thanh toán nợ", chuyên gia của Yuanta Việt Nam nhận định.

Danh sách 17 ngân hàng Moody's đưa vào diện xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm

Moody's vừa cho biết sẽ xem xét hạ xếp hạng của 17 ngân hàng Việt Nam sau thông báo xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, hiện ở mức Ba3 hôm 9/10.

Trong danh sách này, có cả 4 ngân hàng lớn Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank.

13 ngân hàng còn lại nằm trong diện xem xét hạ tín nhiệm của Moody's, gồm ABBank, ACB, HDBank, LienVietPostBank, MBBank, NamABank, OCB, SHB, TPBank, VIB, MSB, VPBank và Techcombank.

Moody's cho biết các ngân hàng này sẽ chịu sự ảnh hưởng khác nhau bởi đánh giá của hãng về xếp hạng tín nhiệm với Việt Nam.

Theo đó, nhóm các ngân hàng quốc doanh, gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV đang có cùng mức tín nhiệm với quốc gia, sẽ bị đánh giá lại về xếp hạng tiền gửi bằng nội tệ dài hạn và nhà phát hành nợ ngoại tệ và nội tệ.

Nhóm các ngân hàng tư nhân top đầu như ACB, MBBank và Techcombank, các xếp hạng bị xem xét lại là BCA, tín nhiệm tiền gửi bằng nội tệ dài hạn và nhà phát hành nợ bằng nội tệ/ngoại tệ, do hiện cùng hạng với quốc gia.

Nhóm ABBank, OCB, TPBank, VIB và VPBank chỉ giới hạn ở xếp hạng tiền gửi ngoại tệ B1, liên quan trần tiền gửi ngoại tệ B1.

2 ngân hàng HDBank và LienVietPostBank chỉ ảnh hưởng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi dài hạn của các ngân hàng này.

Trong khi đó, MSB, NamABank và SHB sẽ ảnh hưởng chỉ số CRR và CRA dài hạn của nhóm.