Tại "Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam" ngày 24/9, các tham luận cho biết cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành gồm: Xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ, ô tô và phụ tùng ô tô.
Những phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước. Với ngành ô tô, có khoảng 40 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động sản xuất, lắp ráp, tổng công suất của các đơn vị này vào khoảng 680.000 xe/năm. Tỉ lệ nội địa hóa của các loại xe gắn máy đã đạt khoảng 85-95%.
Ngành cơ khí dầu khí có những thành công khi tự chế tạo và bàn giao đi vào hoạt động giàn khoan tự nâng có độ sâu đến 90 m nước, thay thế cho việc nhập khẩu như trước. Đây là sản phẩm cơ khí chế tạo ứng dụng công nghệ cao đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam, với tỉ lệ nội địa hóa khoảng 35%.
Ngành chế tạo thiết bị điện cũng đánh dấu cột mốc lớn, khi Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh đã tổ chức lễ xuất xưởng máy biến áp nguồn 3 pha 500 kV-467 MVA đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 13/9. Dòng máy biến áp nguồn 3 pha điện áp siêu cao áp công suất lớn rất ít nước trên thế giới có công nghệ chế tạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại "Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam". (Ảnh: Quang Hiếu/VGP).
Song bên cạnh đó, một số ý kiến vẫn cho rằng, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng 32% so với tổng nhu cầu thị trường vào khoảng 310 tỉ USD (giai đoạn 2019-2030), và hàng năm, nước ta vẫn phải nhập khẩu hàng chục tỉ USD trang thiết bị, máy móc, vật tư sản xuất.
Hiện có khoảng 21.000 doanh nghiệp cơ khí nội địa đang sản xuất và kinh doanh. Số lượng lao động tại các đơn vị này khá thấp, chỉ khoảng 100 doanh nghiệp có 500 lao động trở lên. Với đa phần là doanh nghiệp cơ khí quy mô nhỏ, ngành cơ khí Việt Nam đang đối mặt với thực trạng hạn chế về tài chính, công nghệ lẫn kinh nghiệm quản trị.
Ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng khẳng định sẽ có một nghị quyết của Chính phủ để giúp cho ngành cơ khí Việt Nam có cơ hội phát triển.
Thủ tướng đánh giá, muốn cơ khí Việt Nam đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu, trước hết chúng ta phải có khát vọng và quyết tâm, phải xác định thị trường và phân khúc rõ nét, từ đó có các chính sách vĩ mô rõ ràng hơn về thuế hay lãi suất cho ngành cơ khí.
Thủ tướng ghi nhận các tồn tại như thiếu vốn, thiếu thị trường, lãi suất cao với ngành cơ khí, đồng thời nhấn mạnh các cơ chế chính sách, đặc biệt là chính sách nội địa hóa, sẽ được đồng bộ và đủ mạnh. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia vào công trình, dự án trong nước cũng như các quy định đấu thầu nâng cao tỉ lệ sử dụng vật tư trong nước cũng sẽ được nghiên cứu, phù hợp với quy định hiện hành và thông lệ quốc tế.
Thủ tướng giao trách nhiệm cho Bộ Tài chính cần đề xuất chính sách không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện, ô tô thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, Bộ cũng cần nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện các chính sách thuế, phí hợp lí, giúp các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước nâng cao tỉ lệ giá trị nội địa, giảm được giá thành, tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm ô tô nhập khẩu nguyên chiếc. Thời hạn chính sách là khoảng 5-10 năm.
Theo Thủ tướng, một trong những việc cần làm là nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp có tên tuổi trên thế giới, qua đó hình thành chuỗi cung ứng trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu cho ngành cơ khí. Đồng thời, việc xây dựng hệ thống quản lí, đánh giá, cấp chứng chỉ kĩ thuật nghề quốc tế cũng cần được chú trọng.
Về vấn đề này,yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ ngành cải thiện quy định pháp luật về đầu tư, đấu thầu, khuyến khích phát triển sản phẩm cơ khí trong nước. Bộ cũng cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư để thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt, khẩn trương ban hành hướng dẫn và chế tài cụ thể thực hiện chủ trương sử dụng vật tư trong công tác đấu thầu.
Với những bất cập hiện tại, Thủ tướng cho rằng toàn ngành phải đối mới tư duy sản xuất, chống cơ chế bao cấp, tạo ra điều kiện về chính sách cả đầu ra lẫn đầu vào cho các doanh nghiệp.
Với Bộ Khoa học và Công nghệ, Thủ tướng đề nghị Bộ cần xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kĩ thuật trong ngành để bảo vệ sản xuất và tiêu dùng trong nước.
"Việt Nam chúng ta cần xây dựng một ngành cơ khí ngang tầm các nước trong khu vực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hoạt động trong ngành cơ khí đang sản xuất kinh doanh tại Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa, chủ động hơn nữa trong đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ, quản trị hiện đại để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp cơ khí nói riêng và doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo nói chung", Thủ tướng bày tỏ.