TP HCM đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại: Ai là người nộp thuế?

UBND TP HCM mới đây đã có góp ý dự thảo "Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách Nhà nước" của Bộ Tài chính.

Theo đó, cơ quan này đề xuất nghiên cứu bổ sung một số mặt hàng hóa, dịch vụ như: điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Theo lý giải, nước hoa và dịch vụ thẩm mỹ nên được bổ sung vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì loại hàng hóa, dịch vụ thuộc nhóm khá cao cấp. Điều này giúp mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên.

Thừa nhận điện thoại di động không phải hàng hóa, dịch vụ cao cấp nhưng UBND TP HCM cho rằng, đây cũng không thuộc diện "rất thiết yếu". Bởi vậy, việc đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, theo địa phương này, nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý.

Bên cạnh đó, điện thoại di động là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc nhưng đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới.

Tuy nhiên, đề xuất này gặp rất nhiều ý kiến trái chiều và rất nhiều người đưa ra thắc mắc là ai phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt?

TP HCM đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại: Ai là người nộp thuế? - Ảnh 1.

UBND TP HCM đề xuất đưa điện thoại di động vào đối tượng chịu thuế TTĐB. (Ảnh: VietNamNet).

Người phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt

Đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được quy định tại Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 (sửa đổi, bổ sung bởi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2014, 2016 và Luật về Thuế sửa đổi 2014).

Theo đó, đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là những hàng hóa, dịch vụ không thật sự cần thiết cho nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của con người và có thể còn có những tác hại nhất định đến người sử dụng, môi trường, xã hội.

Điều 4 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 quy định, người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trường hợp tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất khẩu mua hàng hoá thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của cơ sở sản xuất để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà tiêu thụ trong nước thì tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất khẩu là người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo đó, người nộp thuế là tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Người nộp thuế sẽ được hoàn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt trong những trường hợp quy định tại Điều 8, Điều 9 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt 2008.

Người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt được hoàn thuế đã nộp trong các trường hợp sau:

- Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu.

- Hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu.

- Quyết toán thuế khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, chấm dứt hoạt động có số thuế nộp thừa.

- Có quyết định hoàn thuế của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và trường hợp hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Việc hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này chỉ thực hiện đối với hàng hoá thực tế xuất khẩu.

Người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bằng nguyên liệu đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt nếu có chứng từ hợp pháp thì được khấu trừ số thuế đã nộp đối với nguyên liệu khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp ở khâu sản xuất.

Người nộp thuế sản xuất hàng hoá thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn bất ngờ được giảm thuế.

Mức giảm thuế được xác định trên cơ sở tổn thất thực tế do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây ra nhưng không quá 30% số thuế phải nộp của năm xảy ra thiệt hại và không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường (nếu có)".

Như vậy, thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế gián thu mà đối tượng chịu thuế là hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ đặc biệt và người phải nộp thuế là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh những mặt hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo những quy định pháp luật nêu trên.

Người dân chịu thuế đầu tiên

Thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế gián thu, thu trực tiếp vào hành vi sản xuất, nhập khẩu các loại hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và hành vi kinh doanh các dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo đó, thuế gián thu là loại thuế mà người nộp thuế không phải là người chịu thuế.Thuế gián thu là hình thức thuế gián tiếp qua một đơn vị trung gian (thường là các doanh nghiệp) để đánh vào người tiêu dùng.Thuế gián thu là thuế mà người chịu thuế (người tiêu dùng là người chịu thuế vì thuế được cộng vào giá bán) và người nộp thuế không cùng là một.

Ví dụ như chiếc điện thoại di động đang có giá là 20 triệu đồng, nếu bây giờ áp thuế TTĐB là 15% thì tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ phải nộp 3 triệu đồng tiền thuế. Người dân phải mua sản phẩm với giá là 23 triệu đồng cho chiếc điện thoại. Suy cho cùng vẫn là người dân phải bỏ tiền ra nộp loại thuế này.

Như vậy, việc đánh thuế TTĐB với bất kỳ mặt hàng mới nào cần phải có thời gian nghiên cứu và đánh giá tác động cụ thể trước khi đề xuất.

Cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo Điều 5 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 cách tính thuế TTĐB với hàng hóa được xác định theo công thức sau:

Thuế TTĐB phải nộp

=

Giá tính thuế TTĐB

x

Thuế suất thuế TTĐB

Trong đó, thuế suất thuế TTĐB được tính theo quy định tại điều 7 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 (sửa đổi, bổ sung bởi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2014, 2016 và Luật về Thuế sửa đổi 2014).

Theo Điều 6 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 (sửa đổi, bổ sung bởi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2014, 2016 và Luật về Thuế sửa đổi 2014) giá tính thuế TTĐB với từng loại hàng hóa được xác định như sau:

Giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa là giá bán ra chưa có thuế TTĐB, chưa có thuế bảo vệ môi trường và chưa có thuế giá trị gia tăng được quy định như sau:

- Hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra.

Trường hợp hàng hóa chịu thuế TTĐB được bán cho cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có quan hệ công ty mẹ, công ty con…thì giá tính thuế TTĐB không được thấp hơn tỷ lệ phần trăm so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại mua trực tiếp của cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra theo quy định.

- Hàng hóa nhập khẩu tại khâu nhập khẩu là giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế không bao gồm số thuế nhập khẩu được miễn, giảm.

- Hàng hóa gia công là giá tính thuế của hàng hóa bán ra của cơ sở giao gia công hoặc giá bán của sản phẩm cùng loại hoặc tương đương tại cùng thời điểm bán hàng;

- Hàng hóa bán theo phương thức trả góp, trả chậm là giá bán theo phương thức bán trả tiền một lần của hàng hóa đó không bao gồm khoản lãi trả góp, lãi trả chậm;

- Hàng hóa dùng để trao đổi hoặc tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng cho là giá tính thuế TTĐB của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này.

Lưu ý: Giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa bao gồm cả khoản thu thêm, được thu (nếu có) mà cơ sở kinh doanh được hưởng.

Tính thuế cho hàng hóa chịu thuế TTĐB nhập khẩu được khấu trừ

Theo khoản 2 Điều 8 Thông tư 195/2015/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 130/2016/TT-BTC) việc khấu trừ tiền thuế TTĐB được thực hiện khi kê khai thuế TTĐB, thuế TTĐB phải nộp được xác định theo công thức sau:

Số thuế TTĐB phải nộp

=

Số thuế TTĐB của hàng hóa chịu thuế TTĐB được bán ra trong kỳ.

-

Số thuế TTĐB đã nộp đối với hàng hóa, nguyên liệu ở khâu nhập khẩu hoặc số thuế TTĐB đã trả ở khâu nguyên liệu mua vào tương ứng với số hàng hóa được bán ra trong kỳ.

- Trường hợp chưa xác định được chính xác số thuế TTĐB đã nộp (hoặc đã trả) cho số nguyên vật liệu tương ứng với số sản phẩm tiêu thụ trong kỳ thì có thể căn cứ vào số liệu của kỳ trước để tính số thuế TTĐB được khấu trừ và sẽ xác định theo số thực tế vào cuối quý, cuối năm.

- Trong mọi trường hợp, số thuế TTĐB được phép khấu trừ tối đa không vượt quá số thuế TTĐB tính cho phần nguyên liệu theo tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật của sản phẩm.

Lưu ý: Cơ sở sản xuất phải đăng ký định mức kinh tế kỹ thuật của sản phẩm với cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
Toàn cảnh vị trí quy hoạch cầu vượt sông Đáy nối Chương Mỹ - Ứng Hòa, Hà Nội
Một cầu vượt sông Đáy dự kiến được xây dựng kết nối các huyện Chương Mỹ và Ứng Hòa, Hà Nội.