Bầu Đức từng sắm chuyên cơ riêng, giàu nhất sàn chứng khoán Việt nhờ bất động sản trước khi bán dự án cuối cùng cho tỉ phú Trần Bá Dương

Bầu Đức từng tuyên bố “ngồi trên núi tiền” và mơ ước thành tỉ phú USD đầu tiên của Việt Nam nhờ bất động sản. Tuy nhiên, ông đột ngột tuyên bố chuyển hướng sang nông nghiệp và đã chính thức “chia tay” mảng kinh doanh này khi bán dự án tại Myanmar cho tỉ phú Trần Bá Dương.

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã chính thức chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại HAGL Land - công ty con đang vận hành Khu phức hợp HAGL Myanmar Center tại "đất vàng" Yangon (Myanmar) cho tỉ phú Trần Bá Dương.

Quyết định này của Chủ tịch HĐQT HAGL - ông Đoàn Nguyên Đức (người được biết đến nhiều nhất với tên gọi thân thuộc bầu Đức), đồng nghĩa với việc HAGL đã chính thức "chia tay" bất động sản, trong khi đây vốn là mảng kinh doanh gắn bó hàng chục năm qua, và từng đem lại sự hưng thịnh nhất cho ông cũng như Hoàng Anh Gia Lai.

Bầu Đức và thời kì hoàng kim bất động sản, sắm chuyên cơ 5 triệu USD

Xuất phát điểm của Hoàng Anh Gia Lai và bầu Đức là một cơ sở đóng bàn ghế nhỏ ra đời trong những năm 1990, rồi sau nhanh chóng phát triển thành một thương hiệu nội thất nổi tiếng tại Gia Lai.

20141009082353bauduc

Bầu Đức từng giữ vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán nhờ bất động sản. (Ảnh: Thanh Niên).

Từ thành công ban đầu này, ông Đoàn Nguyên Đức đã nhanh chóng mở rộng ra lĩnh vực kinh doanh khác là bất động sản. Cũng may mắn như lần khởi nghiệp đầu tiên, khoảng 10 năm sau, ông đã xây dựng được tên tuổi cho Hoàng Anh Gia Lai ở lĩnh vực bất động sản.

Giai đoạn những năm 2000, có thể được xem là thời kì hưng thịnh nhất của Hoàng Anh Gia Lai khi hàng loạt dự án bất động sản lớn trên cả nước do bầu Đức và doanh nghiệp của ông làm chủ đầu tư.

Số lượng và quy mô các dự án ngày càng được mở rộng, trong khi thời điểm đó không nhiều doanh nghiệp lớn, càng làm tiếng tăm của bầu Đức ngày càng lan rộng hơn.

Năm 2008, Hoàng Anh Gia Lai chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Theo định giá của các công ty kiểm toán, giá trị tài sản ròng thời điểm đó của Hoàng Anh Gia Lai lên đến 17.000 tỉ đồng. Khi đó, bầu Đức nhanh chóng trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Tập trung phát triển mảng kinh doanh này trong khoảng 10 năm, bất động sản đã giúp Hoàng Anh Gia Lai trở thành tập đoàn kinh tế có tốc độ phát triển tài sản nhanh nhất Việt Nam vào năm 2010, với giá trị tài sản lên đến gần 1,5 tỉ USD.

Trong cơ cấu doanh thu, mảng kinh doanh bất động sản giai đoạn này của Hoàng Anh Gia Lai luôn chiếm đến 70-80%, và bầu Đức tiếp tục kì vọng sẽ phát triển rực rỡ trong những năm tiếp theo.

duc1-1367016612_500x0

Chiếc chuyên cơ King Air350 bầu Đức mua năm 2008 với giá 5 triệu USD. (Ảnh: VnExpress).

Kinh doanh bất động sản thuận lợi, tên tuổi ngày càng nổi như cồn và trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán, năm 2008, bầu Đức đã mạnh tay chi 5 triệu USD để sở hữu chiếc King Air350, trở thành người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay riêng. 

Ngoài ra, ông còn tốn thêm khoảng 2 triệu USD nộp thuế, thuê tổ lái, bảo dưỡng kĩ thuật… cho chiếc chuyên cơ ở giai đoạn đó.

Những dự án đình đám của bầu Đức trải dài các tỉnh phía Nam 

Đầu những năm 2000, hàng loạt công trình lớn mang dấu ấn của bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai trải dài tại các tỉnh thành phía Nam đã lần lượt đi vào hoạt động.

Năm 2004, khu nghỉ dưỡng HAGL Resort Quy Nhơn chính thức có mặt trên thị trường tại chính quê nhà của ông chủ Hoàng Anh Gia Lai. Một năm sau đó, bầu Đức khai trương HAGL Resort Đà Lạt, và năm 2006, dự án HAGL Hotel Pleiku tại Gia Lai cũng bắt đầu đón khách.

149038_14021911080018385392

Khách sạn HAGL Hotel Pleiku tại Gia Lai tại bầu Đức. (Ảnh: Agoda).

Cũng trong năm 2006, Khu căn hộ cao cấp Lê Văn Lương tại TP HCM cũng chính thức được bàn giao.

Tiếp tục từ "tiếng vang" những dự án trên, năm 2009, bầu Đức chính thức đưa vào vận hành cùng lúc 4 dự án lớn là New SaiGon, Hoang Anh River View, Phú Hoàng Anh và Hoàng Anh Golden House.

Thị trường địa ốc tại TP HCM cũng chứng kiến sự ra đời hàng loạt dự án là căn hộ, chung cư của bầu Đức và Hoàng Anh Gia lai, chủ yếu tại các quận 7, 9, Nhà Bè. Trong đó, nhiều nhất là các dự án tại quận 7, như Chung cư Hoàng Anh Gold House, Khu căn hộ cao cấp Trần Xuân Soạn, Khu căn hộ cao cấp Lê Văn Lương, Dự án căn hộ Hoàng Anh Thanh Bình.

Tại Nhà Bè, cũng có một loạt dự án như New Sài Gòn, Khu căn hộ cao cấp Phú Hoàng Anh.

Các quận khác có các dự án như Dự án đất nền Minh Tuấn (quận 9), Dự án tòa nhà Hoàng Anh Safomec (quận 10), dự án Hoàng Anh Phúc Bảo Minh (quận Tân Phú)…

a-bds-ha-myanmar-1-7000-1556288825

Dự án Khu phức hợp tại đất vàng Yangon (Myanmar) của bầu Đức. (Ảnh: HAGL).

Thành công trong lĩnh vực bất động sản, theo bầu Đức chính là sự "nhạy bén" về chiến lược. Ông đã tận dụng quỹ đất mua từ rất lâu với giá thấp để đầu tư, ngoài ra còn có sự hỗ trợ của một loạt doanh nghiệp khác trong "hệ sinh thái" địa ốc, nhà ở khiến giá bán ra thị trường ở mức giá cạnh tranh. 

Trải dài các tỉnh phía Nam, các dự án của bầu Đức có tại Quy Nhơn, Gia Lai, Đà Lạt, TP HCM, Cần Thơ...

Giai đoạn đó, bầu Đức tự tin cho biết ông đang "ngồi trên núi tiền" chủ yếu nhờ kinh doanh bất động sản, thậm chí, ông cũng không ngần ngại chia sẻ mơ ước trở thành tỉ phú USD đầu tiên của Việt Nam nhờ mảng kinh doanh này.

Bầu Đức tháo chạy khỏi bất động sản, tan giấc mơ tỉ phú USD

Tuy nhiên, thời "hoàng kim" bất động sản của bầu Đức chỉ có thể kéo dài trong một thập kỉ. Cuộc khủng hoảng kinh tế đầu những năm 2010 đã làm thị trường địa ốc tụt dốc và chao đảo.

Năm 2011, bầu Đức quyết định bán "phá giá" căn hộ cao cấp của mình từ 2.300 USD/m2 xuống còn 1.350 USD/m2. Thậm chí, ông chủ HAGL vẫn khẳng định dù phá giá, nhưng chắc chắn vẫn có lời.

anh-chup-man-hinh-2019-08-08-luc-151918-15652545199681247096740

Cơ cấu doanh thu giai đoạn 2009-2018 của Hoàng Anh Gia Lai, bất động sản ngày càng sụt mạnh từ năm 2013. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Quyết định này của ông được xem là khơi mào cho giai đoạn tháo chạy khỏi bất động sản của Hoàng Anh Gia Lai, nhất là tháo chạy khỏi thị trường bất động sản Việt Nam thời điểm đó.

Không nhìn thấy điểm sáng trong nước, bầu Đức "để mắt" tới một thị trường khác trong khu vực là Myanmar. Ông xác định Myanmar sẽ là nơi hái ra tiền cho Hoàng Anh Gia Lai trong lĩnh vực địa ốc nếu nắm bắt đúng thời cơ. 

"3 năm qua bất động sản TP HCM, Hà Nội lạnh tanh ở 0 độ C, nhưng hiện Yangon mới khởi động ở 18-20 độ. Vài năm nữa, thị trường này sẽ nóng bừng bừng, có thể kiếm tỉ USD như chơi nhưng ai nhanh chân mới được ăn trước", bầu Đức từng tuyên bố chắc nịch và chính thức khởi công Khu phức hợp HAGL Myanmar Center tại "đất vàng" Yangon (Myanmar) năm 2013.

Tuy nhiên, kể từ thời điểm này, cũng là lúc mảng bất động sản không còn là "kép chính" trong chiến lược kinh doanh của bầu Đức.

Năm 2012, doanh thu mảng này dù sụt giảm nhưng vẫn còn ở mức 2.829 tỉ đồng, đóng góp hơn 60% vào tổng doanh thu của HAGL. Đến năm 2013, doanh thu bất động sản giảm nghiêm trọng, chỉ còn 247 tỉ đồng và đến cuối năm 2018, còn đúng 58 tỉ đồng.

anh-chup-man-hinh-2019-08-08-luc-161036-1565255452962394846779

Nửa đầu năm nay, HAGL cũng không còn doanh thu từ bất động sản. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

6 tháng đầu năm nay, Hoàng Anh Gia Lai không có doanh thu từ bất động sản. Thực tế, việc nhen nhóm bán đứt HAGL Land - công ty con sở hữu dự án Khu phức hợp tại Myanmar, đã được bầu Đức nêu với các cổ đông vào đầu năm 2019, và quyết định chuyển nhượng chính thức vài ngày qua.

Liên tục giảm doanh thu và các mảng kinh doanh khác cũng không mang lại nhiều kết quả như kì vọng, năm 2017, bầu Đức bán chiếc chuyên cơ ông đã mua hồi thời kì làm bất động sản thịnh vượng, với giá 5 triệu USD.

Từ một người giàu nhất sàn chứng khoán nhờ bất động sản, rồi kì vọng trở thành tỉ phú USD đầu tiên của Việt Nam cũng nhờ bất động sản, bầu Đức phải dứt áo chia tay hoàn toàn mảng kinh doanh này giữa lúc Hoàng Anh Gia Lai vẫn đang ngập trong thua lỗ.