Ngày 9/10, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) đưa ra thông báo về việc xem xét hạ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đối với các khoản vay bằng nội tệ và ngoại tệ của Việt Nam.
Cơ sở Moody's đưa ra quyết định xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm bắt nguồn từ đánh giá cho rằng những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ, dẫn đến tình trạng chậm thanh toán nghĩa vụ nợ Chính phủ.
Cùng ngày, lên tiếng về thông tin này, đại diện Bộ Tài chính giải thích đây là nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh, thuộc nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, không phải là nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ.
Moody's đánh giá Việt Nam đang ở mức có yếu tố đầu tư, nhưng rủi ro tín dụng đáng kể. (Ảnh: Amazonaws).
"Chính phủ Việt Nam đã thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của Bên cho vay", Bộ Tài chính cho biết.
Bộ Tài chính khẳng định việc Moody's đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ là "không phù hợp". Theo Bộ Tài chính, Moody's cần xác định rõ nghĩa vụ nợ dự phòng và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ.
"Chính phủ Việt Nam chưa bao giờ chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ", thông báo của Bộ Tài chính khẳng định.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho rằng động thái trên của Moody's là "chưa thực sự thuyết phục". Nguyên nhân được đưa ra là do tổ chức này chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ mà bỏ qua các nỗ lực Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong duy trì bình ổn kinh tế vĩ mô.
Việc Moody's đưa ra thông tin báo chí trong khi chưa chắc chắn về quy trình và cơ chế thanh toán các khoản vay được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh, có thể gây ra sự hiểu lầm không đáng có đối với cộng đồng các nhà đầu tư về khả năng trả nợ của Chính phủ, và có thể ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.
"Bộ Tài chính mong Moody's sớm có nhìn nhận, đánh giá đầy đủ về vấn đề trên. Bộ sẵn sàng trao đổi, làm việc và cung cấp thông tin cho Moody's và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác, để đảm bảo có thông tin đầy đủ và chuẩn xác", thông báo của Bộ tài chính khẳng định.
Theo ước tính của các nhà kinh tế IMF, tổ chức này cho biết họ hi vọng hồ sơ xếp hạng của Việt Nam đối với những đối tác, tổ chức khác vẫn được củng cố bởi tiềm lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Nhiều tổ chức đều đồng lòng dự báo GDP Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng mãnh liệt với 6,5% trong năm nay.
Theo dữ liệu của Refinitiv, cả S&P Global và Fitch đều xếp hạng Việt Nam ở mức BB, mạnh hơn so với mức tín nhiệm của Moody's.
Việt Nam đang có nguồn dự trữ ngoại hối khoảng 71 tỉ USD. (Ảnh: TNCK).
Về việc thông tin xem xét hạ tín nhiệm của Việt Nam, Moody nói rằng tổ chức này nhận được thông tin Việt Nam đang tạm hoãn thanh toán một số nghĩa vụ nợ. Các chủ nợ xác nhận động thái này không gây ra bất kì khoản thiệt hại nào hoặc thiệt hại rất nhỏ. Dù vậy, Moody's vẫn cân nhắc về khoảng cách điều phối việc thanh toán bị chậm lại, có thể phản ánh mức tín nhiệm của Việt Nam hiện không còn phù hợp với hạng Ba3.
Việt Nam đang được tổ chức này xếp hạng mức tín nhiệm Ba3. Với mức này, khả năng thanh toán nợ chứng khoán trong tương lai là có yếu tố đầu tư, nhưng rủi ro tín dụng đáng kể.
Đại diện Moody's cho biết trong quá trình xem xét, tổ chức này sẽ làm rõ bản chất và khả năng hiệu quả của các biện pháp và quy trình mà Chính phủ đã đưa ra, để đảm bảo thanh toán đầy đủ và kịp thời tất cả các nghĩa vụ nợ. Dự kiến, thời gian hoàn tất việc xem xét là khoảng 3 tháng.
Dù vậy, trong thông cáo báo chí, Moody's cho rằng Việt Nam vẫn đủ khả năng trả nợ, vì nguồn dự trữ ngoại hối lớn và nghĩa vụ nợ thấp.