Các công ty con của Agribank đang làm ăn ra sao?

Nửa đầu năm, tỉ lệ sinh lời của hoạt động góp vốn, mua cổ phần 5 công ty con của Agribank chỉ đạt hơn 1%.

Theo báo cáo tài chính bán niên năm 2020, tính đến ngày 30/6, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đầu tư tổng cộng hơn 2.500 tỉ đồng vào góp vốn, đầu tư dài hạn. Trong đó, ngân hàng "rót" 2.432 tỉ đồng vào 5 công ty con, chiếm 96,5%. 

Tuy nhiên, thu nhập từ vốn góp, mua cổ phần của ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đạt 25,9 tỉ đồng,  tương ứng tỉ lệ sinh lời chỉ hơn 1%. Đáng nói, tỉ lệ sinh lời từ vốn góp, mua cổ phần của Agribank liên tục duy trì ở mức thấp suốt 2 năm qua. 

Trong năm 2018 và 2019, tỉ lệ sinh lời từ các góp vốn, mua cổ phần của Agribank chỉ đạt gần 1,3%.

Những doanh nghiệp có lãi

Công ty con thành công nhất của Agribank là CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC).

Tính đến 30/6, tổng tài sản của công ty đạt 2.858 tỉ đồng, tăng 11,2% so với cuối năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu phí bảo hiểm đạt hơn 861 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kì 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 208 tỉ đồng, tăng trưởng 24%.

Trong 5 năm gần đây, lợi nhuận của ABIC liên tục tăng trưởng. Đặc biệt, trong năm 2019, lợi nhuận sau thuế công ty tăng 41,1% lên mức 242,4 tỉ đồng.

Các công ty con của Agribank đang hoạt động ra sao? - Ảnh 1.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp từ BCTC ABIC).

Một doanh nghiệp khác cũng đem lại lợi nhuận cho Agribank là Công ty TNHH MTV Dịch vụ Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Dịch vụ Agribank). Công ty này hoạt động chính trong lĩnh vực in thương mại, quảng cáo thiết kế thi công công trình cơ bản và cung cấp dịch vụ ngân quĩ.

Trong năm 2016, Dịch vụ Agribank ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 159 tỉ đồng, lợi nhuận thuần ở mức 13,5 tỉ đồng.

Năm 2017, doanh thu thuần tăng 1,8%, lên 162 tỉ đồng nhưng lợi nhuận thuần chỉ đạt 10,3 tỉ đồng, giảm 23,7%. Năm 2018, doanh thu thuần tăng 75%, ở mức 284 tỉ đồng; lợi nhuận thuần tăng lên gấp 8 lần đạt 83,2 tỉ đồng. 

Sang năm 2019, mặc dù công ty vẫn duy trì được doanh thu thuần xấp xỉ với năm trước nhưng lợi nhuận thuần giảm 84%, xuống mức 13,3 tỉ đồng.

Các công ty con của Agribank đang hoạt động ra sao? - Ảnh 2.

Nguồn: Lê Huy tổng hợp.

Nhiều công ty vẫn còn lỗ

Trong báo cáo tài chính bán niên Agribank năm 2020 sau soát xét, kiểm toán chỉ ra rằng, đến cuối tháng 6/2020, Công ty Cho thuê tài chính I (ALC I) ghi nhận khoản lỗ lũy kế 665 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu âm 389 tỉ đồng.

Đến ngày 30/6, nợ phải trả của ALC I bao gồm khoản nợ lãi phải trả đã quá hạn thanh toán là 451 tỉ đồng, trong đó có 430 tỉ là nợ lãi phải trả Agribank. Mặc dù công ty đã thực hiện đàm phán với các đối tác về việc thực hiện thanh toán và cơ cấu nợ, nợ lãi phải trả vẫn chiếm 71,9% tổng nợ phải trả của công ty.

"Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của ALC I", Báo cáo kiểm toán nêu rõ.

Trước đó, vào 2018, một công ty con khác của Agribank là ALC II từng tuyên bố phá sản và bị thu hồi giấy phép hoạt động. 

Cụ thể, đến ngày ngày 31/12/2017, ALCII có khoản âm vốn chủ sở hữu là 12.034 tỉ đồng, lỗ lũy kế là 12.464 tỉ đồng. Ngày 31/7/2018, Tòa án nhân dân TP HCM tuyên bố ALC II bị phá sản.

CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco) cũng là một đơn vị hoạt động không hiệu quả của Agribank. 

Nhìn lại 5 năm vừa qua, kết quả kinh doanh Agriseco đã có nhiều biến động. Trong hai năm 2015 và 2016, hoạt động kinh doanh của công ty liên tục giảm sút và ghi nhận khoản lỗ lần lượt 187 tỉ và 405 tỉ đồng.

Sang năm 2017, kết quả kinh doanh chứng kiến sự khởi sắc với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 65 tỉ đồng. Lợi nhuận của Agriseco tiếp tục tăng trưởng vào hai năm sau đó. 

Trong 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu đạt hơn 108 tỉ đồng, tăng 13,8%. Đồng thời, công ty đã cắt giảm 5,8% chi phí hoạt động xuống mức hơn 22 tỉ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Agriseco đạt hơn 42 tỉ đồng, tăng 30,3% so với cùng kì năm 2019.

Tuy nhiên do các khoản lỗ lớn trong các năm trước, đến cuối quí II/2020, Agriseco vẫn còn lỗ lũy kế 318 tỉ đồng.

Tính đến hết quí II/2020, tổng tài sản công ty đạt gần 2.156 tỉ đồng, tăng 2,1% so với cuối năm 2019.

Các công ty con của Agribank đang hoạt động ra sao? - Ảnh 3.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp từ BCTC Agriseco).

Ngoài các công ty con, Agribank có một công ty liên kết là CTCP Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam (Agritour) với tỉ lệ sở hữu 23% vốn điều lệ.

Agribank từng nhiều lần đăng kí thoái vốn tại Agritour nhưng đều bất thành. Lần gần đây nhất là vào tháng 3/2020, Agribank đăng kí thoái hết số vốn tại Agritour với mức giá khởi điểm là 14.276 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 7% so với lần đấu giá năm 2019 và giảm hơn 25% so với lần chào bán đầu tiên vào cuối năm 2017.

Số liệu từ báo cáo tài chính cho thấy, năm 2019, doanh thu của Agritour đạt hơn 51 tỉ đồng, gấp 3 lần so với 2018, nhưng lợi nhuận gộp vẫn âm hơn 920 triệu đồng. Kết quả, công ty ghi nhận mức lỗ gần 2,3 tỉ đồng.

Trước đó, hoạt động kinh doanh của Agritour đã lao dốc mạnh trong hai năm 2017 - 2018 khi doanh thu thuần giảm từ mức hơn 660 tỉ đồng vào năm 2016 xuống chỉ còn 16,5 tỉ đồng, tương ứng giảm hơn 97%. Đồng thời, lợi nhuận sau thuế của công ty này cũng chuyển từ lãi 2,2 tỉ đồng trong năm 2016 xuống âm liên tục trong ba năm vừa qua.

Các công ty con của Agribank đang hoạt động ra sao? - Ảnh 4.

(Nguồn: Quốc Thụy tổng hợp từ BCTC Agritour).


chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.