Các ngân hàng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo dịp trước Tết Nguyên đán

Cận Tết Nguyên đán luôn là thời điểm nhu cầu giao dịch qua hệ thống ngân hàng tăng cao đột biến. Đây cũng là thời gian các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Mới đây, Vietcombank đã phát đi thông cáo cảnh báo khách hàng một số thủ đoạn lừa đảo đánh cắp thông tin.

Theo đó, đối tượng lừa đảo tìm cách lấy cắp các thông tin dịch vụ ngân hàng thông qua một số thủ đoạn phổ biến như giả mạo website/fanpage của ngân hàng và gửi đường link giả mạo để khách hàng nhập thông tin; lừa khách hàng cài đặt phần mềm gián điệp; giả danh nhân viên ngân hàng, tòa án, cảnh sát… và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin…

Những thông tin đánh cắp được của khách hàng sẽ bị các đối tượng dùng để truy cập và chiếm đoạt tiền từ tài khoản.

Vietcombank khẳng định không bao giờ gửi đường link hoặc liên hệ với khách hàng để yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật dưới mọi hình thức. Vì vậy, các yêu cầu cung cấp thông tin (nếu có) đều là giả mạo, Vietcombank đề nghị khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin khi nhận được các yêu cầu này.

Ngoài ra, Vietcombank cũng cảnh báo thủ đoạn giả danh nhân viên ngân hàng, tòa án, cảnh sát, nhân viên bưu điện, viễn thông, giao hàng… yêu cầu khách hàng chuyển tiền đến tài khoản của kẻ gian.

Vietcombank khuyến cáo khách hàng nâng cao cảnh giác, xác định chính xác thông tin của người liên hệ. Không thực hiện chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Đồng thời, báo cho cơ quan công an, cơ quan chức năng nơi gần nhất nếu thấy dấu hiệu nghi ngờ.

Không chỉ Vietcombank, Techcombank cũng vừa có cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo qua tin nhắn đánh cắp thông tin.

Ngân hàng cảnh báo lừa đảo dịp trước Tết Nguyên đán - Ảnh 2.

SMS thông báo ngân hàng yêu cầu cập nhật phần mềm. (Ảnh: Techcombank).

Theo đó, khách có thể nhận được một tin nhắn SMS thông báo về việc ngân hàng yêu cầu cập nhật phần mềm, kèm theo đường link cập nhật. Sau khi bấm vào đường link, khách hàng sẽ được dẫn tới trang web giả mạo có logo của ngân hàng và được yêu cầu nhập các thông tin xác minh danh tính và tài khoản ngân hàng điện tử. 

Nếu thực hiện bước trên, thông tin cá nhân của người dùng rất có thể đã bị đánh cắp. Đối tượng lừa đảo sẽ dùng thông tin đó để chiếm đoạt tài khoản.

Khách hàng cũng có thể nhận được các tin nhắn trên mạng xã hội, giả danh người bán hàng, tổ chức xã hội, từ thiện… với cùng thủ đoạn.

Để bảo vệ an toàn tài khoản ngân hàng của mình, Techcombank lưu ý khách hàng cần cân nhắc trước bất cứ yêu cầu khai báo thông tin bảo mật của tài khoản nào như số CMND, số điện thoại, địa chỉ email... 

Đồng thời, chỉ giao dịch và đăng nhập tài khoản tại trang web và ứng dụng chính thức của Techcombank. 

Mới đây, VPBank cũng đã cảnh báo khách hàng về chiêu thức lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng như gọi điện thoại, nhắn tin mời mở thẻ, cấp khoản vay sau đó yêu cầu đóng phí bảo hiểm thẻ qua dịch vụ bưu điện nhằm chiếm đoạt tiền trái phép. 

Gần đây, kẻ lừa đảo đã tinh vi hơn, gọi mời Khách hàng tham dự hội thảo, mua sản phẩm liên kết với các đối tác….nhằm lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng.

Đại diện VPBank cho biết, ngân hàng này không yêu cầu khách nhận thẻ hay nộp bất kỳ loại thẻ nào tại các bưu cục, cũng như cung cấp thông tin của khách hàng.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.