Các ngân hàng lãi hàng nghìn tỉ đồng bất chấp Covid-19

Vietcombank báo lãi 16.000 tỉ đồng sau 9 tháng đầu năm. Tuy rằng các ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, song áp lực nợ xấu vẫn còn ở phía trước.
Các ngân hàng lãi hàng nghìn tỉ đồng bất chấp Covid-19 - Ảnh 1.

Giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank. (Ảnh: Vietcombank).

Loạt nhà băng vừa công bố báo cáo tài chính quí III/2020. Kết quả ghi nhận các ngân hàng hầu như đều tiệm cận mục tiêu trong năm với mức lãi lớn, dù phải đối mặt với đại dịch khiến áp lực nợ xấu gia tăng trong thời gian qua.

Các ngân hàng vẫn lãi lớn

9 tháng đầu năm, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 15.965 tỉ đồng và 12.794 tỉ đồng, giảm 9,4% so với cùng kì năm trước.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietcombank đạt 21.998 tỉ đồng, giảm 1,9%. Trong khi đó, chí phí dự phòng rủi ro tăng hơn 25% lên mức 6.033 tỉ đồng.

Nhìn chung trong 9 tháng đầu năm, ngoại trừ mảng kinh doanh ngoại hối tăng 17%, các mảng khác của Vietcombank tăng không đáng kể hoặc giảm.

Tương tự đối với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB), lợi nhuận trước thuế của VPBank trong 9 tháng qua tăng hơn 30% lên gần 9.400 tỉ đồng, bằng 92% kế hoạch cả năm. Cụ thể, lãi trước thuế của ngân hàng mẹ đạt 6.207 tỉ đồng.

Các ngân hàng lãi hàng nghìn tỉ đồng bất chấp Covid-19 - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh quí III của VPBank. (Nguồn: BCTC VPBank).

Sau ba quí đầu năm, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VPBank tăng trưởng 14,6%, đạt 19.701 tỉ đồng; chi phí dự phòng rủi ro tăng 3,1% lên mức 10.303 tỉ đồng.

Thu nhập lãi thuần vẫn là nguồn thu nhập chính của ngân hàng chiếm hơn 83% tổng thu nhập hợp nhất với 23.606 tỉ đồng, tăng 5,3%. 

Trong quí III/2020, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank - Mã: MBB) ghi nhận thu thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 6,1% so với cùng kì, đạt 6.735 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 10%, đạt 3.015 tỉ đồng.

9 tháng đầu năm, thu thuần từ kinh doanh của MB đạt gần 19.650 tỉ đồng, tăng 9,4% so với cùng kì năm trước với cả thu nhập lãi thuần và mảng dịch vụ đều tăng ấn tượng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 8.134 tỉ đồng, tăng 6,8%, riêng ngân hàng mẹ đạt 7.369 tỉ đồng, tăng 4% so với cùng kì.

Với kết quả trên, MB vẫn đang tăng trưởng tốt hơn dự kiến khi lợi nhuận của quí II và quí III vẫn tăng đều so với kế hoạch dự kiến là lợi nhuận giảm 10% trong năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đối với Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), lợi nhuận trước thuế đạt 4.025 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm nhờ tăng trưởng mạnh từ cho vay cùng với các mảng kinh doanh khác, tăng 38,1% so với cùng kì năm trước và đạt gần 90% chỉ tiêu cả năm.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần đạt 5.935 tỉ đồng, tăng tới 30,8% so với 9 tháng đầu năm trước và chiếm hơn 75% tổng thu nhập hoạt động. 

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - Mã: SAB) cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế của đạt 1.132 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 69% so với cùng kì năm trước, đạt 75% kế hoạch cả năm.

Trong quí III, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - Mã: LPB) tăng đột biến 42% so với cùng kì năm trước, đạt 737 tỉ đồng. Qua đó, kéo lợi nhuận lũy kế 9 tháng lên 1.741 tỉ đồng, tăng 6,4% so với cùng kì năm ngoái và vượt chỉ tiêu cả năm.

Áp lực nợ xấu gia tăng

Các ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận lớn trong thời gian qua, nhưng áp lực nợ xấu cũng gia tăng do ảnh hưởng từ đại dịch kéo dài.

9 tháng đầu năm, Vietcombank cho vay khách hàng tăng khiêm tốn chưa đầy 7% trong khi nợ xấu tăng tới 36% so với cuối năm trước, lên mức 7.885 tỉ đồng.

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng hơn 4 lần với 2.923 tỉ đồng, nợ nghi ngờ tăng hơn 2,7 lần với 1.599 tỉ đồng. Qua đó, kéo tỉ lệ nợ xấu từ 0,79% lên 1,01%.

Các ngân hàng lãi hàng nghìn tỉ đồng bất chấp Covid-19 - Ảnh 3.

Một số chỉ tiêu tài chính của Vietcombank. (Nguồn: BCTC Vietcombank).

Với VPBank, tổng giá trị nợ xấu nội bảng ở mức 10.147 tỉ đồng, tăng 15%. Qua đó, kéo tỉ lệ nợ xấu nội bảng trên dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ 3,42% lên 3,65%. Tỉ lệ nợ xấu của riêng ngân hàng mẹ là 2,71%.

Về chất lượng tín dụng của MBBank, tại thời điểm cuối quí III/2020, nợ xấu của Ngân hàng là 4.036 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kì năm trước. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng tín dụng cao nên tỉ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,5% trong khi cùng kì là 1,54%.

Tính đến hết 30/9, MBBank hợp nhất có tổng tài sản hơn 427.000 tỉ đồng, tăng 3,8% so với cuối năm 2019 và tăng 7,5% so với cùng kì. Dư nợ tín dụng đạt hơn 296.000 tỉ đồng, tăng 11,8% so với đầu năm và tăng 16,2% so với cùng kì.

VIB cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cho vay, khi số dư nợ xấu sau 9 tháng tăng 26% lên 3.185 tỉ đồng, qua đó, kéo tỉ lệ nợ xấu nội bảng từ 1,96% lên 2,14%.

Với việc quản trị rủi ro chặt chẽ, linh hoạt, ngân hàng đã duy trì các chỉ số rủi ro và các hệ số an toàn ở mức thận trọng. Với tỉ lệ an toàn vốn Basel II trên 9,5%, so với mức tối thiểu 8% do NHNN qui định, tỉ lệ cho vay trên tiền gửi ở mức 77% so với mức trần 85% và tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 32% so với trần 40%.

Tính tới 30/9/2020, tổng tài sản của SeABank tăng 6,4% đạt 167.426 tỉ đồng trong khi cho vay khách hàng lại giảm nhẹ 0,8% với 97.871 tỉ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 7,1% với 102.547 tỉ đồng.

Tổng số dư nợ xấu của ngân hàng giảm nhẹ 4,2% đưa tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm từ 2,31% vào cuối năm 2019 về 2,23%.

Tổng giá trị nợ xấu nội bảng của LienVietPostBank ở mức 2.611 tỉ đồng, tăng 29%, kéo tỉ lệ nợ xấu nội bảng trên dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ 1,44% lên 1,64%.

Theo tạp chí Tài chính, tính đến hết 30/9, tín dụng toàn bộ nền kinh tế đã tăng 6,09%. Tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ nằm trong khoảng 7,5 - 8,5%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng ban đầu của NHNN là 11 - 14% so với cùng kì năm trước, theo một ước tính của SSI Research.

Bên cạnh đó, SSI Research ước tính nợ xấu và nợ vay tái cơ cấu sẽ tăng nhanh vào cuối năm 2020. Việc trích lập dự phòng sẽ kéo theo lợi nhuận giảm thêm.

Các ngân hàng sẽ đẩy nhanh việc trích lập dự phòng cho nợ xấu mới và nợ tái cơ cấu, mặc dù thời hạn của Thông tư 01 có thể được kéo dài để trì hoãn thời gian ghi nhận nợ xấu.

chọn
Nơi quy hoạch tổ hợp nhà ở của HanoiHouse tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu
Tại góc ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu có một khu đất hơn 0,2 ha, được quy hoạch cho dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng. Chủ cũ của dự án này trước đây là Indeco, sau nhiều năm chậm triển khai đã chuyển giao cho chủ mới là HanoiHouse.