Cam kết trong lĩnh vực Mua sắm của Chính phủ mà Việt Nam và EU thống nhất, nhằm tăng cường tính minh bạch, hiệu quả của mua sắm công, đảm bảo chi tiêu hiệu quả ngân sách Nhà nước.
Theo đó, Chương Mua sắm của Chính phủ trong Hiệp định EVFTA gồm hai phần chính:
- Các qui định chung về qui tắc, thủ tục áp dụng trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
- Cam kết mở cửa thị trường mua sắm của Chính phủ của Việt Nam và EU: bao gồm hai Phụ lục là cam kết của Việt Nam mở cửa cho nhà thầu EU và một Phụ lục là cam kết của EU mở cửa cho nhà thầu Việt Nam.
Nguyên tắc chung cho tất cả các gói thầu thuộc phạm vi EVFTA
- Minh bạch: Nhà nước phải ban hành và thực thi các qui tắc minh bạch trong các bước của qui trình đấu thầu. Đây là nhóm mà Việt Nam có khá nhiều các bảo lưu về lộ trình thực hiện (được nêu cụ thể trong Phụ lục 9A của Hiệp định).
Ví dụ, Việt Nam được bảo lưu việc thực hiện nghĩa vụ đăng tải thông báo mời thầu miễn phí qua phương thức điện tử tại một đầu mối duy nhất trong vòng 10 năm.
- Nguyên tắc đối xử quốc gia và không phân biệt đối xử.
- Sử dụng đấu thầu rộng rãi: Cam kết sử dụng hình thức đấu thầu rộng rãi với tất cả các gói thầu thuộc diện điều chỉnh, trừ trường hợp đáp ứng điều kiện để được áp dụng thủ tục đấu thầu hạn chế hoặc đấu thầu lựa chọn.
- Chống gian lận: Phải có các biện pháp liên chính và giải quyết khiếu nại để xử lí tình trạng tham nhũng, gian lận trong đấu thầu công...
- Đấu thầu điện tử: Việt Nam và EU thống nhất sẽ tạo điều kiện để tổ chức đấu thầu thông qua phương tiện điện tử, gồm công bố thông tin gói thầu, đăng tải các thông báo và hồ sơ mời thầu, tiếp nhận hồ sơ dự thầu và sử dụng đấu thầu điện tử nếu phù hợp.
Nhóm các nguyên tắc đối với thủ tục đấu thầu rộng rãi
- Công khai thông tin về việc đấu thầu trên mạng/trên báo và miễn phí.
- Công bố sớm kế hoạch mời thầu hàng năm.
- Phải đảm bảo các thời hạn nộp hồ sơ thầu (tối thiểu 40 ngày trong các trường hợp thông thường, tối thiểu là 25 ngày chỉ trong trường hợp thủ tục đấu thầu thực hiện hoàn toàn qua mạng và 10 ngày đối với một số rất hãn hữu các trường hợp).
Nhóm các nguyên tắc đối với thủ tục đấu thầu lựa chọn
- Thủ tục thầu không tạo ra rào cản bất hợp lí cho sự tham gia của các nhà thầu đáp ứng điều kiện.
- Thông báo mời thầu phải được đưa ra đủ sớm để nhà thầu có thể chuẩn bị hợp lí.
- Chỉ có thể sử dụng Danh sách nhà thầu đã đăng kí (cho các gói thầu nói chung), nếu đã tạo cơ hội hợp lí để các nhà thầu đều có tham gia Danh sách này và đã thông báo rõ ràng về các nội dung cơ bản của gói thầu….
Theo EVFTA, Việt Nam cam kết cho phép nhà thầu EU được tham gia các gói thầu đáp ứng được đồng thời ba điều kiện nêu trong Phụ lục 9C: Giá trị gói thầu; Cơ quan mua sắm; Hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm.
Ngoài ra, cũng có một số trường hợp ngoại lệ mà các gói thầu không phải tuân thủ các qui định của Chương. Có thể chia làm các nhóm:
- Các ngoại lệ liên quan đến loại hoạt động.
- Các ngoại lệ liên quan đến loại hàng hóa.
- Các ngoại lệ liên quan đến dịch vụ.
- Các ngoại lệ đối với dịch vụ xây dựng.
- Ngoại lệ liên quan đến Biện pháp ưu đãi trong nước.
- Các ngoại lệ khác.
Các điều kiện về gói thầu mua sắm công mà EU cam kết mở cửa cho nhà thầu, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam được nêu trong Phụ lục 9B, Chương 9 của Hiệp định EVFTA cũng bao gồm ba nhóm điều kiện đồng thời (về cơ quan mua sắm, về loại hàng hóa/dịch vụ mua sắm và về ngưỡng giá trị).
Ngoài ra, EU cũng bảo lưu một số trường hợp ngoại lệ, dù đã đáp ứng đủ các điều kiện về gói thầu mua sắm như nêu trên nhưng vẫn được miễn trừ khỏi phạm vi áp dụng của các cam kết trong EVFTA liên quan tới mua sắm công.
Ví dụ như: Gói thầu mua sắm nông sản trong chương trình thúc đẩy hỗ trợ nông nghiệp hoặc cung cấp/viện trợ lương thực cho người dân; Gói thầu mua sắm, phát triển, sản xuất tư liệu cho chương trình truyền hình và hợp đồng phát sóng…