Cam kết về qui tắc xuất xứ sản phẩm dệt may trong EAEU

Trong Hiệp định, hàng hóa chỉ cần có hàm lượng giá trị gia tăng VAC ≥ 40%, hoặc có sự chuyển đổi mã HS (CTC) ở cấp độ 2, 4, 6 số là được hưởng ưu đãi thuế quan.

Qui tắc chung 

Để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EAEU, mặt hàng dệt may phải đáp ứng được các qui tắc xuất xứ của Hiệp định. 

Cụ thể, hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại một Bên (Việt Nam hoặc Liên minh kinh tế Á - Âu gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) nếu: 

- Trường hợp một: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một Bên.

- Trường hợp hai: Được sản xuất toàn bộ tại một hay hai Bên, từ những nguyên vật liệu có xuất xứ từ một hay hai Bên.

- Trường hợp ba : Được sản xuất tại một Bên, sử dụng nguyên vật liệu không có xuất xứ nhưng đáp ứng được các yêu cầu về Qui tắc cụ thể mặt hàng được qui định tại Phụ lục 3 trong Hiệp định. 

EAEU: Cam kết về qui tắc xuất xứ sản phẩm dệt may - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: freepik)

Đối với trường hợp 3, qui tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng trong Hiệp định dựa trên các tiêu chí: 

- Hàm lượng giá trị gia tăng (VAC - Value Added Content).

- Chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC - Change in Tariff Classification).

Nhìn chung, qui tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng trong Hiệp định khá đơn giản, thông thường hàng hóa chỉ cần có hàm lượng giá trị gia tăng VAC ≥ 40% (một số trường hợp cụ thể có yêu cầu VAC ≥ 50 - 60%) hoặc có sự chuyển đổi mã HS (CTC) ở cấp độ 2, 4, 6 số là được hưởng ưu đãi thuế quan. 

VAC được tính theo công thức:

VAC = (Trị giá FOB− Trị giá nguyên vật liệu không có xuất xứ) / Trị giá FOB x 100%

Trong đó, trị giá của nguyên vật liệu không có xuất xứ sẽ là:

- Trị giá CIF tại thời điểm nhập khẩu nguyên vật liệu tại một Bên.

- Giá mua hoặc có thể trả đầu tiên của nguyên vật liệu không có xuất xứ tại lãnh thổ của một bên nơi diễn ra việc sản xuất hoặc chế biến.

Qui tắc cụ thể theo mặt hàng 

Qui tắc xuất xứ cụ thể theo mặt hàng trong FTA Việt Nam – EAEU được tích hợp tại một Danh mục theo biểu thuế ở cấp độ HS 6 số (Phụ lục 2 của Hiệp định). 

Các vấn đề khác

Qui tắc chủ đạo

Nhóm hàng dệt may trong Việt Nam – EAEU FTA tuân thủ qui tắc “Cắt, May và Hoàn thiện sản phẩm” hay còn gọi là “Từ cắt may trở đi”. 

Theo đó, chỉ cần hoạt động Cắt, May và Hoàn thiện sản phẩm được thực hiện trong khu vực FTA thì thành phẩm sẽ được coi là “có xuất xứ” theo FTA đó. 

Qui tắc Tỉ lệ tối thiểu

Hiệp định có qui định về Tỉ lệ tối thiểu (De Minimis) 10%, theo đó cho phép lô hàng không đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi mã HS vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan, nếu có tổng giá trị nguyên liệu không có xuất xứ sử dụng trong sản xuất và không đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi mã HS không vượt quá 10% trị giá FOB của lô hàng đó. 

Qui tắc cộng gộp 

Hiệp định có qui định về cộng gộp xuất xứ, theo đó hàng hóa hoặc nguyên vật liệu có xuất xứ tại một Bên, được sử dụng như nguyên vật liệu để sản xuất ra sản phẩm tại một Bên khác, sẽ được coi là có xuất xứ tại một Bên nơi diễn ra công đoạn sản xuất cuối cùng. 

Để được cộng gộp, nguyên liệu bắt buộc phải đáp ứng tối thiểu VAC 40% hoặc 50% tùy từng mặt hàng. 

Điều khoản Tạm ngừng ưu đãi 

Theo Hiệp định Việt Nam - EAEU FTA, khi có tình trạng gian lận xuất xứ có tính hệ thống, hoặc Bên xuất khẩu từ chối một cách có hệ thống và không chính đáng yêu cầu xác minh (bằng văn bản hoặc thực tế) của Bên nhập khẩu về tình trạng gian lận, thì Bên nhập khẩu có thể tạm ngừng ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa và nhà xuất khẩu có liên quan. 

Nếu tình trạng gian lận có hệ thống trên không chấm dứt, nước nhập khẩu có thể tạm ngừng ưu đãi đối với hàng hóa giống hệt được phân loại theo dòng thuế tương tự ở cấp 8 - 10 số (giống nhau về mọi mặt bao gồm tính chất vật lí, chất lượng và danh tiếng). 

Trước khi áp dụng điều khoản tạm ngừng ưu đãi này, hai Bên phải thực hiện qui trình tham vấn chặt chẽ để khắc phục vấn đề. Tạm ngừng ưu đãi có thể được áp dụng đến khi Bên xuất khẩu cung cấp các bằng chứng thuyết phục, nhưng tối đa không quá 4 tháng (có thể gia hạn thêm không quá ba tháng nữa).

Doanh nghiệp cần phân biệt Điều khoản Tạm ngừng ưu đãi (Điều 25) nêu trên và Điều khoản Từ chối cho hưởng ưu đãi (Điều 24). 

Điều khoản Từ chối cho hưởng ưu đãi chỉ áp dụng đối với một lô hàng cụ thể có nghi ngờ gian lận xuất xứ tại thời điểm nhập khẩu mà không liên quan tới các lô hàng khác, doanh nghiệp khác. Lô hàng bị từ chối hưởng ưu đãi thuế quan có thể sẽ được hưởng thuế quan ưu đãi sau khi có kết quả xác minh đạt xuất xứ theo Hiệp định FTA – Việt Nam - EAEU. 

Điều khoản Mua bán trực tiếp 

Hiệp định cho phép trường hợp hàng hóa được xuất hóa đơn bởi một bên thứ ba (pháp nhân có đăng kí tại một nước thứ ba không phải thành viên của Hiệp định), nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về qui tắc xuất xứ thì vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan, loại trừ một số quốc đảo mà Liên minh Kinh tế Á – Âu cho rằng có nguy cơ gian lận thương mại. 

Các cơ quan có thẩm quyền của hai bên đã đàm phán, xây dựng danh mục 30 quốc đảo không được áp dụng hóa đơn nước thứ ba khi hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu. 

Qui định về công đoạn gia công đơn giản 

Nhằm ngăn chặn gian lận thương mại, tránh tình trạng hàng hóa từ nước thứ ba chuyển tải qua một Bên tham gia Hiệp định, rồi tiếp tục xuất khẩu sang Bên kia để được hưởng lợi thông qua Hiệp định FTA - Việt Nam - EAEU.

Điều 4.6 Chương 4 của Hiệp định này có qui định cụ thể về công đoạn gia công, chế biến đơn giản. Hàng hóa nếu thuộc các trường hợp gia công đơn giản sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan. 

chọn
Incomex thoát lỗ 2024 nhờ khoản lãi đột biến, đang bắt tay với công ty con BIM Group làm dự án ở Vĩnh Phúc và Long Biên
Quý IV/2024, Incomex bất ngờ ghi nhận khoản lợi nhuận khác 5,7 tỷ đồng, nhờ đó thoát lỗ trong năm 2024. Doanh nghiệp hiện đang bắt tay với Catalan Land để hồi sinh dự án Xuân La, đồng thời hợp tác với công ty con của BIM Group đầu tư hai dự án bất động sản ở TP Phúc Yên và quận Long Biên.