Cụ thể, với nút giao Láng - Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa, Hà Nội), Sở GTVT sẽ điều chỉnh phương án tổ chức giao thông, đồng thời tăng cường các lực lượng hướng dẫn giao thông.
Đặc biệt, đây là nơi giao nhau của các tuyến đường chính như Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Láng...
Tại chân cầu Mọc (quận Thanh Xuân), giao thông nhiều lúc hỗn loạn, rất nhiều lực lượng chức năng của phường, tình nguyện viên phải làm việc vất vả. Tuy nhiên, nhiều lúc dường như vẫn không thể kiểm soát được tình hình.
Với điểm này, Sở GTVT sẽ tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu để giảm xung đột giữa các dòng phương tiện.
Tại điểm Nguyễn Khang - cầu 361 (quận Cầu Giấy) sẽ được tổ chức giao thông lại bằng đèn tín hiệu hai đầu cầu phía đường Láng và đường Nguyễn Khang; cùng với đó nghiên cứu điều chỉnh để tối ưu hóa nút đèn, rà soát tổ chức tổng thể trên tuyến đường Láng.
Theo ghi nhận, tại khu tại nơi giao nhau giữa cầu 361 và các tuyến đường như Nguyễn Khang và đường Láng đèn tín hiện giao thông đã được lắp đặt.
Với điểm ùn tắc ở đầu các ngõ 80, 82, 84 Chùa Láng (quận Đống Đa) Sở GTVT sẽ điều chỉnh tổ chức giao thông và tăng cường lực lượng phân luồng giao thông để điều tiết, phân luồng giao thông.
Ngoài ra, Điểm phía Bắc cầu Chương Dương (quận Long Biên), sẽ điều chỉnh tổ chức giao thông khu vực đền Ghềnh - đê Bát Tràng, đồng thời tận dụng hệ thống đường 40m giao với đường Nguyễn Văn Cừ nhằm giảm xung đột khu vực nút giao. Được biết, đây là 5 trong tổng số 33 "điểm đen" ùn tắc giao thông trên địa bàn. Trong năm 2018, Hà Nội đã giảm được 12 điểm ùn tắc, tuy nhiên lại phát sinh 8 điểm ùn tắc mới, gồm: khu vực đường gom từ đường Cổ Linh lên cầu Thanh Trì; ngõ 80, 82, 84 Chùa Láng; cầu Lạc Trung - Kim Ngưu; cầu Định Công; Phùng Chí Kiên - Hoàng Quốc Việt; khu vực điểm quay đầu Trung Văn - Tố Hữu; Âu Cơ - Nghi Tàm - Xuân Diệu; Đào Tấn - Nguyễn Văn Ngọc.