CEO Toyota tuyên bố vẫn có lợi nhuận năm nay bất chấp đại dịch Covid-19

CEO Toyota Akio Toyoda tuyên bố hãng xe Nhật vẫn có lãi, ngay cả trong bối cảnh thế giới chưa thể kiểm soát hoàn toàn dịch Covid-19.

Tương tự như những đối thủ cạnh tranh khác, Toyota đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, cũng như sự khủng hoảng kinh tế mà nó gây ra trên khắp thế giới. Thế nhưng, Giám đốc điều hành Toyota - Akio Toyoda vẫn tự tin nói với cổ đông rằng gã khổng lồ xe hơi Nhật Bản sẽ vẫn có lãi, bất chấp đại dịch đang diễn ra.

Trong năm tài chính kết thúc vào 31/3, Toyota đã chứng kiến thu nhập ròng tăng từ 17,5 tỉ USD lên 19,35 tỉ USD. Trái người hoàn toàn với tình cảnh của đối thủ Nissan, cũng là một hãng xe Nhật Bản, vốn chìm trong thua lỗ nhiều năm liền.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 được dự báo sẽ gây thiệt hại cho Toyota. Trong tháng 5, hãng xe Nhật dự báo thu nhập cho năm tài chính hiện tại có khả năng sẽ bị giảm tới 80%, mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng một thập kỉ trở lại.

"Chúng tôi có thể đảm bảo vẫn có lợi nhuận hoạt động", CEO Toyoda, cháu trai của người sáng lập hãng xe, đã hứa với các cổ đông trong cuộc họp thường niên tại Tokyo mới đây.

Giám đốc điều hành Toyota khẳng định sẽ có lợi nhuận bất chấp đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Giám đốc điều hành Toyota khẳng định sẽ có lợi nhuận bất chấp đại dịch COVID-19. Ảnh: Automotive News.

Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã phác thảo một loạt các biện pháp cắt giảm chi phí mà họ dự định theo đuổi, để duy trì mức tăng trưởng dương, quyết không để rơi vào tình trạng như một số đối thủ trên thế giới, khi chứng kiến doanh thu biến mất sau đại dịch.

Một nghiên cứu công bố tuần trước, được thực hiện bởi AlixPartners, dự báo nhu cầu xe hạng nhẹ trên toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm xuống 70,5 triệu xe, tương đương mức giảm 20% so với năm 2019.

Trong khi đó, thị trường quan trọng là Mỹ dự báo sẽ chỉ bán ra dưới 13 triệu xe trong năm nay, giảm từ mức 17,1 triệu xe vào năm ngoái.

Tác động của đại dịch đã dễ dàng nhìn thấy, khi khảo sát do chính Toyota thực hiện cho biết, doanh số bán xe ở Mỹ có thể giảm tới 25,7% so với năm trước.

Tác động của đại dịch cũng đã thấy rõ trong cuộc họp cổ đông thường niên, chỉ có 360 người tham dự, giảm kỉ lục so với con số 5.546 người trong năm 2019. Đó cũng là cuộc họp thường niên ngắn nhất trong hai thập kỉ, kết thúc vỏn vẹn trong vòng 80 phút.

Trước thềm cuộc họp, Toyota cũng đã khuyến nghị các cổ đông nên chọn hình thức bỏ phiếu qua email, hoặc trực tuyến, không nhất thiết phải tham dự nếu không thật sự cần thiết.

Ngày nay, chúng ta đã khác so với chính chúng ta nhiều năm về trước.

CEO Toyota Akio Toyoda

Cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra gợi nhớ về cú sốc tài chính năm 2008 - 2009, khi thị trường Phố Wall sụp đổ, khiến cả thế giới chao đảo.

Tuy nhiên, CEO Toyota khẳng định, hãng xe sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng này tốt hơn so với một thập kỉ trước.

"Nếu chúng ta không giành chiến thắng, chúng ta sẽ không thể hỗ trợ ngành công nghiệp và đất nước này. Ngày nay, chúng ta đã khác so với chính chúng ta nhiều năm về trước", vị CEO chia sẻ.

Trên toàn thế giới, Toyota đang phải vật lộn để thích ứng với đại dịch. Tuy nhiên ở Mỹ, hãng xe đã tiếp tục đẩy mạnh sản xuất sau hai tháng tạm dừng mọi hoạt động, để ngăn chặn COVID-19 lây lan.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, theo Giám đốc nhân sự Mitsuru Kawai, Toyota vẫn đang lên kế hoạch sản xuất 3 triệu xe mỗi năm, mặc dù hãng phải ngừng sản xuất tại một số nhà máy trong nước từ tháng 4 đến tháng 6/2020.

Tại thị trường Việt Nam, trong bối cảnh dịch Covid-19 gây tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, thì trong ngành công nghiệp ô tô, Toyota vẫn đang dẫn đầu thị trường trong 4 tháng liên tiếp.

Tổng doanh số bán xe trong tháng 5/2020 của Toyota tại Việt Nam đạt 4.311 xe, tuy giảm 33% so với cùng kì năm ngoái, nhưng vẫn tăng trưởng tới 48% so với tháng liền trước đó.

chọn
Doanh nghiệp bất động sản: Đầu tư NOXH trong 7 năm, lợi nhuận mỗi năm chỉ đạt 1,3 - 1,5%
Theo Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, không ít doanh nghiệp sau khi thực hiện một dự án NOXH đã không muốn tiếp tục khi thấy lợi nhuận quá thấp, thủ tục phức tạp, khâu hậu kiểm về giá bán, thanh tra nhiều áp lực...