CEO trẻ tài năng của Trung Thủy - doanh nghiệp đang sở hữu loạt đất vàng ở Sài Gòn

Nguyễn Trung Tín mới 32 tuổi, nổi tiếng trong giới doanh nhân trẻ TP HCM. Năm 28 tuổi, Trung Tín kế nghiệp gia đình với vị trí CEO Tập đoàn Trung Thủy. Trung Thuỷ đang nổi lên là một tập đoàn đa ngành, trong đó có lĩnh vực bất động với các dự án cao cấp tại nhiều khu đất vàng ở TP HCM.

Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra TP HCM, Tập đoàn Trung Thủy (Trung Thủy Group) có một số liên quan đến những sai phạm của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên (SAGRI).

Thông qua hình thức hợp tác đầu tư, Trung Thủy đã có trong tay nhiều khu đất tại TP HCM, trong đó, có hơn trăm hecta đất dự án nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Củ Chi.

Hiện điều hành Tập đoàn Trung Thủy là CEO Nguyễn Trung Tín. Ngoài việc được biết đến là chồng hoa hậu Đặng Thu Thảo, Nguyễn Trung Tín là gương mặt trẻ rất nổi tiếng trong lĩnh vực khởi nghiệp, trước khi về kế thừa sự nghiệp gia đình, từng có mặt trong danh sách under 30 của Forbes Việt Nam.

CEO Nguyễn Trung Tín từng gặp, trò chuyện với cựu Tổng thống Mỹ Obama, Thủ tướng Canada Justin Trudeau

Nguyễn Trung Tín sinh năm 1987, rất có tiếng trong giới doanh nhân trẻ tại TP HCM. Năm 2015, Nguyễn Trung Tín được Forbes Việt Nam vinh danh là một trong 30 gương mặt trẻ dưới 30 tuổi có nhiều ảnh hưởng nhất. 

hot26031081467219690-crop

CEO Nguyễn Trung Tín còn được biết đến là chồng hoa hậu Đặng Thu Thảo. (Ảnh: Zing).

Là con trai đầu của nữ doanh nhân Dương Thanh Thủy, người sáng lập thương hiệu Miss Áo Dài cung cấp dịch vụ may đo áp dài nổi tiếng trong và ngoài nước, sau đó phát triển lớn mạnh thành Tập đoàn Trung Thủy, với định hướng chính là lĩnh vực bất động sản cao cấp, Nguyễn Trung Tín cũng là người kế thừa tập đoàn của gia đình.

Tốt nghiệp đại học Melbourne (Australia) với chuyên ngành kinh tế, năm 2011, Nguyễn Trung Tín về nước, đầu quân vào công ty của gia đình vị trí nhân nhiên marketing tập sự. 

Tuy nhiên sau đó, "nhân viên" này quyết định ra khởi nghiệp riêng. Bằng số vốn 10 tỉ đồng vay từ ba mẹ, Nguyễn Trung Tín lần lượt lập một số mô hình kinh doanh phù hợp với giới trẻ, như bar cao cấp, ACE Night Club, nhà hàng ẩm thực…

Sau một thời gian kinh doanh riêng, đầu năm 2015, Nguyễn Trung Tín trở về Trung Thủy với chức danh CEO. Tín cho rằng việc kế nghiệp gia đình phải trải qua quá trình thử thách, rèn luyện từ ba mẹ.

"Khi khởi nghiệp thành công, tôi dùng chính đồng tiền đó đầu tư tiếp và tiếp tục thành công thì ba mẹ cũng thấy được tôi thực sự quan tâm đến đồng tiền, quan tâm người lao động, quan tâm sự phát triển. Khi đó, tôi được mời, tôi gọi chính xác là mời về doanh nghiệp với vị trí là tổng giám đốc tập đoàn, chứ không phải tôi về làm CEO bằng cách con của người sáng lập", CEO Nguyễn Trung Tín từng chia sẻ.

13567319-10154154338890867-3214572059715228018-n-1467877226446-1504695902258-0826040

Gia đình Tập đoàn Trung Thuỷ chụp hình lưu niệm cùng cựu Tổng thống Mỹ Barrack Obama trong chuyến thăm Dreamplex - không gian làm việc chung do CEO Nguyễn Trung Tín sáng lập. (Ảnh: Zing).

Quản lí công ty của gia đình với vai trò người điều hành, CEO này đã quyết định khai tử mô hình Sen Spa từng được thành lập năm 2005, để bắt đầu với mô hình không gian làm việc chung co-working Dreamplex. Đây cũng có thể coi là một trong những dự án thành công nhờ vai trò của Nguyễn Trung Tín.

Tại không gian làm việc chung dành cho cộng đồng khởi nghiệp này, CEO Nguyễn Trung Tín từng vinh dự có buổi trò chuyện với cựu Tổng thống Mỹ Barrack Obama, khi ông có chuyến thăm Việt Nam và trò chuyện với cộng đồng start-up trẻ vào 3 năm trước.

Tại sự kiện APEC 2017, Trung Tín tiếp tục đại diện giới doanh nhân trẻ vinh dự gặp, giao lưu với Thủ tướng Canada Justin Trudeau. 

Vai trò của Nguyễn Trung Tín tại Trung Thủy

Năm 2015, thời điểm Nguyễn Trung Tín về nhậm chức CEO tại Trung Thủy, đây cũng là năm đánh dấu một bước ngoặc quan trọng của công ty này, khi chuyển từ mô hình công ty cổ phần sang tập đoàn, kinh doanh đa ngành, lấy bất động sản làm mảng hoạt động chính.

Dự án bất động sản quan trọng đầu tiên sau khi Nguyễn Trung Tín giữ chức điều hành Trung Thủy, là Lancaster Lincoln tại mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP HCM. Dự án có vị trí đặc biệt thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư do giáp với khu trung tâm quận 1, với tầm nhìn toàn cảnh sông Sài Gòn và bán đảo Thủ Thiêm.

5a376c3073266821434092

Lancaster Lincoln là dự án bất động sản quan trọng đầu tiên sau khi Nguyễn Trung Tín giữ chức điều hành Trung Thủy. (Ảnh: TTG).

Lancaster Lincoln được Trung Thủy lựa chọn làm dự án chiến lược hiện nay, gồm 2 tháp căn hộ cao 40 tầng và 1 tháp tiện ích 8 tầng. Trung Thủy đầu tư 298 officetel và 696 căn hộ cao cấp cùng các khu mua sắm, giải trí, trưng bày, triển lãm và đặc biệt là không gian làm việc chung co-working space vốn là thế mạnh khi đã có kinh nghiệm với Dreamplex.

Ngoài Lancaster Lincoln, Tập đoàn Trung Thủy còn sở hữu hàng loạt dự án nằm tại các khu "đất vàng" khác như Lancaster TP HCM (số 22 - 22 bis Lê Thánh Tôn, quận 1), Lancaster Legacy (số 230 Nguyễn Trãi, quận 1), Lancaster Eden (12 căn biệt thự tại phường An Phú, quận 2) và Lancaster Hà Nội (quận Ba Đình, Hà Nội).

Ảnh chụp Màn hình 2019-07-08 lúc 20

Vốn đầu tư một số dự án bất động sản cao cấp của Tập đoàn Trung Thuỷ. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Ngoài ra, Trung Thủy còn có một loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Đà Lạt (Lâm Đồng), cùng dự án gây ồn ào trong năm 2018: Lancaster  Đà Nẵng.

Tập đoàn Trung Thủy liên quan gì sai phạm tại SAGRI?

Kết luận của Kiểm toán Nhà nước năm 2018 cho biết trong số hơn 1.900 hecta đất từ 24 khu đất do Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV quản lí, SAGRI đã bàn giao đất và tài sản trên đất của Công ty TNHH MTV Bò sữa TP HCM (công ty con của SAGRI) cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy SAGRI (thuộc Tập đoàn Trung Thủy) là 140 ha, cùng tại dự án nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Củ Chi (TP HCM).

Việc bàn giao này được thực hiện khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP HCM, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền.

"Việc này là không đúng quy định của Thủ tướng và quyết định của UBND TP HCM (Quyết định 5039/2013) về công nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH MTV Bò sữa TP HCM. 

Cụ thể, Quyết định 5039 của UBND TP HCM có quy định là không được cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất dưới bất kì hình thức nào", kết luận của Kiểm toán Nhà nước nhận định.

tongcongtynongnghiepsaigon_anh_ngocduong_tjkl

Thông qua hợp tác đầu tư với SAGRI, Trung Thủy đã thâu tóm nhiều khu đất tại TP HCM. (Ảnh: Thanh Niên).

Ngoài ra, SAGRI đã thực hiện các hợp động hợp tác theo phương thức tổ chức kinh doanh trên khu đất hoàn toàn do các đối tác toàn quyền quyết định. Đổi lại, tổng công ty này được hưởng một khoản lợi nhuận cố định, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh trên khu đất.

Về việc này, Kiểm toán Nhà nước cho rằng thực chất là hợp đồng cho thuê lại đất, không đúng quy định của Thủ tướng, quyết định của UBND TP HCM… và chưa được TP chấp thuận.

Ngoài ra, thông qua hình thức hợp tác đầu tư, SAGRI và Tập đoàn Trung Thủy còn hợp tác tại nhiều quỹ đất ở các quận huyện vùng ven như quận 7, Thủ Đức, Củ Chi, Bình Chánh…

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra SAGRI không được đầu tư ngoài ngành, không được chuyển nhượng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất dưới bất kì hình thức nào…

Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam ông Lê Tấn Hùng, nguyên là Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên để điều tra sai phạm "Vi phạm quy định về quản lí, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ông Hùng được cho là có liên quan hàng loạt sai phạm nghiêm trọng kéo dài từ năm 2014-2017 tại SAGRI - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP HCM, trong thời gian ông làm Tổng giám đốc tại công ty này.

Các sai phạm của SAGRI chủ yếu liên quan 1.900 ha đất cho thuê, hợp tác, chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật, hoạt động đầu tư không hiệu quả dẫn đến thua lỗ kéo dài, thất thoát ngân sách Nhà nước…

Ngoài ra, theo kết luận của Thanh tra TP HCM, ông Hùng cũng liên quan trực tiếp đến việc về việc kí khống, chi khống hơn 13 tỉ đồng cho hàng chục cán bộ, người lao động đi học tập nước ngoài.

Cùng với ông Hùng, ông Vân Trọng Dũng, sinh năm 1967, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên SAGRI, bà Nguyễn Thị Thúy, sinh năm 1966, nguyên Kế toán trưởng SAGRI, cũng bị Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam.

Cả hai bị can đều bị khởi tố về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí", quy định tại Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015