Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn SAGRI kinh doanh ra sao trước khi ông Lê Tấn Hùng bị bắt?

Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên kinh doanh chính trong lĩnh vực nông-lâm-thủy-hải sản, sở hữu hàng nghìn ha đất dự án nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp, khu dân cư. Vài năm trở lại đây, trước khi nguyên Tổng giám đốc Lê Tấn Hùng bị bắt, tình hình kinh doanh của SAGRI có dấu hiệu sụt giảm nghiêm trọng.

Bộ Công an vừa khởi tố, bắt giam nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên (SAGRI) Lê Tấn Hùng và Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Thành Mỹ của công ty này, để điều tra sai phạm "Vi phạm quy định về quản lí, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

photo-1-1562387862608670838180-crop

Bộ Công an vừa khởi tố, bắt giam nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên (SAGRI) Lê Tấn Hùng. (Ảnh: Bộ Công an).

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại SAGRI, kéo dài từ năm 2014-2017, chủ yếu là các vi phạm quản lí đất đai, liên quan hơn nghìn ha đất cho thuê, hợp tác, chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật, có nguy cơ gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, ông Lê Tấn Hùng đã kí khống 10 hợp đồng tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài với tổng giá trị hơn 13 tỉ đồng.

SAGRI kinh doanh gì?

Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP HCM. Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh lần đầu số 41066000321 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cấp ngày 15/11/2006.

Tiền thân của SAGRI là Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, được thành lập cuối năm 1996, theo Quyết định số 6178/QĐ-UBND UBND, trên cơ sở sáp nhập các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy hải sản của TP HCM. 

Công ty chính thức đi vào hoạt động tháng 7/1997.

tongcongtynongnghiepsaigon_anh_ngocduong_tjkl

SAGRI là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phức hợp về nông-lâm-thuỷ-hải sản. (Ảnh: Thanh Niên).

Năm 2007, SAGRI chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, gồm 5 đơn vị trực thuộc, 7 công ty con và 16 công ty liên kết.

Hoạt động được 3 năm, năm 2010, SAGRI tiếp tục chuyển đổi thành Công ty TNHH Một thành viên, theo Quyết định số 3945/QĐ-UBND của UBND TP HCM, gồm 6 đơn vị trực thuộc, 9 công ty con, 14 công ty liên kết và 1 công ty liên doanh.

"SAGRI là một trong những doanh nghiệp hàng đầu, chuyên sản xuất, kinh doanh những lĩnh vực phức hợp về nông-lâm-thuỷ-hải sản tại TP HCM và Việt Nam. SAGRI luôn có những dây chuyền sản xuất hiện đại đạt tiêu chuẩn quản lí quốc tế như WHO-GMP, HACCP, ISO và GlobalGAP". Đây là một trong những mục tiêu và tầm nhìn chiến lược trong hoạt động SAGRI giới thiệu.

Hoạt động chính trong lĩnh vực phức hợp về nông-lâm-thủy-hải sản, các công ty con, công ty liên kết và liên doanh của SAGRI cũng tập trung khai thác chính ở mảng này. 

Thông tin từ cổng thông tin điện tử của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, hiện SAGRI góp vốn trên 50% vốn điều lệ tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nông lâm hải sản, Công ty TNHH Nước mắm Việt Hương Hải và Công ty CP Bảo vệ thực vật Sài Gòn. Ngoài ra, SAGRI còn góp vốn dưới 50% vốn điều lệ tại 9 công ty khác.

cd1d4350-98ff-4d3b-a5c8-4a53bafe0fce

Dreamplex 195 là một trong những dự án do SAGRI đầu tư, với tổng vốn gần 150 tỉ đồng. (Ảnh: SAGRI).

Đồng thời, hiện SAGRI cũng là đối tác cung ứng các sản phẩm nông nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi có nhiều hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc.

Ngoài hoạt động chính trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện SAGRI còn nắm hàng loạt các dự án đầu tư liên quan phát triển sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, khu công nghiệp, dự án nhà ở, khu dân cư tại nhiều quận, huyện vùng ven TP HCM như quận 9, huyện Bình Chánh, Củ Chi và một dự án nằm tại Bình Phước.

Tổng số dự án hiện SAGRI đang nắm vai trò chủ đầu tư là 7 dự án, với hàng nghìn m2, tổng đầu tư dự kiến của các dự án này lên đến gần 7.500 tỉ đồng.

SAGRI làm ăn ra sao trước khi ông Lê Tấn Hùng bị khởi tố?

Hoạt động chính trong lĩnh vực nông nghiệp với ngành trồng trọt và chăn nuôi luôn khả quan, doanh thu năm sau cao hơn năm trước và nắm trong tay hàng nghìn ha đất dự án, nhưng tình hình kinh doanh của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên gần đây lại có dấu hiệu đi lùi.

Kết quả kinh doanh giai đoạn 2016-2018 của SAGRI đã thể hiện điều này. Trong khi năm 2016, tổng doanh thu từ các lĩnh vực mang về cho công ty 2.400 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 279 tỉ đồng. Doanh thu và lợi nhuận của SAGRI trong năm này lần lượt tăng 4,43% và 26,37% so với năm tài chính 2015. 

Với kết quả kinh doanh này, SAGRI đã nộp vào Ngân sách Nhà nước tổng cộng 242 tỉ.

Ảnh chụp Màn hình 2019-07-06 lúc 19

Lợi nhuận của SAGRI sụt giảm nghiêm trọng trong vài năm trở lại đây. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Đến năm 2017, doanh thu của SAGRI bắt đầu có dấu hiệu đi xuống, chỉ còn đạt 2.072 tỉ đồng, giảm 13% so với năm trước. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế sụt giảm nghiêm trọng, xuống mức âm hơn 18 tỉ. 

Lí giải về kết quả này, ban lãnh đạo SAGRI cho biết doanh nghiệp bị truy thu tiền thuế đất và phải nộp hơn 100 tỉ đồng.

Tình kinh doanh của doanh nghiệp do cựu Tổng Giám đốc ông Lê Tấn Hùng điều hành cũng không khả quan hơn trong năm 2018. Trong năm này, lợi nhuận chỉ đạt hơn 9,1 tỉ đồng, một con số quá nhỏ so với 3 năm trước đó. 

Năm 2019, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu giảm còn 1.366 tỉ đồng, chưa bằng một nửa so với năm 2016.

Kinh doanh không khả quan, SAGRI cũng giảm mạnh khoản nộp ngân sách Nhà nước. Năm 2016, mức nộp vào ngân sách là 242 tỉ đồng, sang năm 2017 còn 240 tỉ. Năm 2018 còn 90 tỉ đồng và dự kiến năm 2019, SAGRI cũng đóng góp chưa đến 70 tỉ vào Ngân sách nhà nước.

Ngoài tình hình kinh doanh và đầu tư không mấy khả quan, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra những hạn chế của SAGRI trong việc quản lí các khoản đầu tư tài chính.

Tính đến 31/12/2017, công ty mẹ đã đầu tư vốn vào 25 doanh nghiệp, với giá trị sổ kế toán là 1.038,9 tỉ đồng.

Trong năm 2017, có 9/25 doanh nghiệp kết quả kinh doanh lỗ, 10 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 tính ra khoảng 383 tỉ đồng. Tổng số dự phòng giảm giá đầu tư tài chính mà công ty mẹ phải trích lập theo quy định là 102,7 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, Kiểm toán phát hiện SAGRI không thực hiện trích lập.

Kết quả Thanh tra khẳng định hoạt động đầu tư vốn của SAGRI hiệu quả không cao, một số khoản đầu tư tài chính dài hạn không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, phải ngưng hoạt động, dẫn đến vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp này bị tổn thất.