Tân Thuận - doanh nghiệp làm khu chế xuất đầu tiên thành công nhất nước, đã 'rơi tự do' ra sao dưới thời quản lí của ông Tề Trí Dũng?

Tân Thuận được đánh giá là công ty nhà nước hoạt động hiệu quả, đi đầu về phát triển hạ tầng đô thị của TP HCM. Tuy nhiên năm 2015, kể từ khi có "sếp" Tề Trí Dũng, kết quả kinh doanh của Tân Thuận có dấu hiệu tụt dốc và tiếp đó là dính hàng loạt sai phạm.

Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) là doanh nghiệp nhà nước do UBND TP HCM sở hữu 100% vốn điều lệ, từng được xem là doanh nghiệp hàng đầu thành phố trong hợp tác đầu tư về cơ sở hạ tầng. 

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, dưới thời điều hành của Tổng Giám đốc Tề Trí Dũng, người vừa bị khởi tố tội danh tham ô và vi phạm qui định về quản lí, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí - .Tân Thuận liên tục thua lỗ và dính vào hàng loạt sai phạm.

Tân Thuận đã là cánh chim đầu đàn trước thời ông Tề Trí Dũng về làm Tổng Giám đốc

Tiền thân của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận là Chương trình Khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận, được UBND TP HCM thành lập năm 1989. 

Thời điểm đó, sự ra đời của Tân Thuận được xem là nỗ lực của các cấp chính quyền từ Trung ương đến TP HCM cùng các chuyên gia, trong việc hiện thực hóa chính sách đổi mới thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy kinh tế xã hội của TP HCM phát triển, đặc biệt công cuộc "thay da đổi thịt" vùng đất Nhà Bè còn còn hoang vu, chưa phát triển.

Tân Thuận - doanh nghiệp làm khu chế xuất đầu tiên thành công nhất nước, đã rơi tự do ra sao dưới thời quản lí của ông Tề Trí Dũng? - Ảnh 1.

Làm thay đổi bộ mặt khu Nam TP HCM là một trong những đóng góp lớn của Tân Thuận. (Ảnh: Zing).

Ngay sau khi ra đời, Tân Thuận đã thực hiện một loạt các công trình, dự án trọng điểm ngay tại khu Nam thành phố. 

Có thể nói, thành công đầu tiên của IPC là thành lập Khu chế xuất Tân Thuận, với quy mô 300 ha vào năm 1991, thu hút được nhiều nhà đầu tư cùng tham gia. Đây cũng là khu chế xuất đầu tiên trên cả nước, mở đầu cho một loạt các dự án về khu chế xuất, khu công nghiệp góp phần phát triển kinh tế TP HCM, cũng như trên toàn quốc.

Năm 1993, Tân Thuận tiếp tục thành lập Công ty Phú Mỹ Hưng, nhằm xây dựng đại lộ Nguyễn Văn Linh dài gần 18 km với 12 làn xe và 5 cụm dân cư dọc tuyến đường. Trong đó, khu A dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh là Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.

Ngay trong những năm đầu thành lập, Tân Thuận đã góp phần thay đổi bộ mặt của TP HCM tại khu Nam, từ một vùng có giá trị kinh tế thấp thành khu công nghiệp và đô thị với cơ sở hạ tầng hiện đại, phát triển hơn.

Trong một số đánh giá và báo cáo, Tân Thuận từng được xem là một doanh nghiệp đầu đàn của TP HCM trong việc nghiên cứu, phát triển và mời gọi hợp tác đầu tư về cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực khu chế xuất, khu công nghiệp và đô thị.

Với những đóng góp này, ngay từ những năm đầu tiên thành lập, Tân Thuận đã liên tiếp nhận được Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì và hạng Nhất, tương ứng các giai đoạn 1992-1996, 2004-2008, 2009-2013 cùng nhiều bằng khen, danh hiệu, cờ thi đua từ Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, trong bảng thành tích do Tân Thuận công bố, số lượng bằng khen, danh hiệu của công ty đạt được kể từ năm 2015 - tức thời điểm có sếp mới Tề Trí Dũng, đã vơi dần.

Doanh thu, lợi nhuận của Tân Thuận giảm sâu nhưng thu nhập lãnh đạo tăng mạnh từ khi có Tổng Giám đốc Tề Trí Dũng

Tháng 5/2015, ông Tề Trí Dũng được bổ nhiệm chức Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận. Thời điểm về làm sếp tại IPC, ông Dũng vừa tròn 34 tuổi. Trước đó, sau khi hoàn thành khoá học thạc sĩ tại Australia theo chương trình đào tạo của TP HCM, ông Dũng về nước, giữ vị trí lãnh đạo tại Tổng Công ty Bến Thành trong vòng 4 năm.

Ông Dũng về Tân Thuận và doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh liên tiếp tụt dốc qua các năm.

Tân Thuận - doanh nghiệp làm khu chế xuất đầu tiên thành công nhất nước, đã rơi tự do ra sao dưới thời quản lí của ông Tề Trí Dũng? - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh của Tân Thuận ngày càng đi xuống kể từ khi có sếp Tề Trí Dũng. (Đồ hoạ: Phúc Huy).

Năm 2015, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của IPC lần lượt đạt 1.138 tỉ và 951 tỉ đồng. Đến năm 2018, doanh thu và lợi nhuận lần lượt chỉ còn 137 tỉ và 681 tỉ đồng. Khoản cổ tức và lợi nhuận được chia khiến lợi nhuận trong năm 2018 của Tân Thuận cao gấp nhiều lần doanh thu.

Như vậy, chỉ trong vòng 3 năm, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Tân Thuận đã giảm lần lượt 88% và 28%. 

Trong kết luận Thanh tra của TP HCM vào tháng 10/2018 cũng khẳng định tình hình hoạt động tại Tân Thuận đã không hiệu quả. Cụ thể, mục tiêu doanh thu được giao năm 2017 là 878,7 tỉ đồng, thấp hơn năm 2016 là 301,25 tỉ đồng, nhưng IPC vẫn không hoàn thành.

Điều này cho thấy công tác quản lí điều hành của Tân Thuận đã không hiệu quả. Đáng chú ý, trong khi kết quả kinh doanh ngày càng sụt giảm thì thu nhập của người lao động tại Tân Thuận lại ngày càng cao, đặc biệt là ở cấp quản lí.

Ngoài ra, về khoản nợ phải trả, kết thúc 6 tháng đầu năm 2016 đến hết năm 2018, số nợ mà Tân Thuận phải trả đã tăng gần gấp 3 lần,  từ 345,1 tỉ đồng lên đến 967,5 tỉ đồng chỉ trong hơn 2 năm dưới thời Tổng Giám đốc Tề Trí Dũng.

Tân Thuận với hàng loạt sai phạm

Hiện Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận có 9 công ty thành viên. Đó là các Công ty TNHH Tân Thuận (TTC), Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (PMH), Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), Công ty CP khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC), Công ty cổ phần Long Hậu (LHC), Công ty Cảng container trung tâm Sài Gòn (SPCT), Công ty CP thương mại dịch vụ Hiệp Tân (HTC), Công ty CP Tiếp vận Đông Sài Gòn (ASL) và Công ty TNHH Sepzone - Linh Trung.

Tân Thuận - doanh nghiệp làm khu chế xuất đầu tiên thành công nhất nước, đã rơi tự do ra sao dưới thời quản lí của ông Tề Trí Dũng? - Ảnh 3.

IPC sai phạm trong quản lí sử dụng tòa nhà văn phòng IPC, thu lợi từ việc cho thuê làm văn phòng hơn 295 tỉ đồng nhưng chưa được sự chấp thuận của UBND TP HCM. (Ảnh: VnExpress).

Ngoài tình hình kinh doanh ngày càng đi xuống, kết luận của Thanh tra TP HCM cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm của IPC. 

Cụ thể, doanh nghiệp sai phạm trong quản lí sử dụng tòa nhà văn phòng IPC, thu lợi từ việc cho thuê làm văn phòng hơn 295 tỉ đồng nhưng chưa được sự chấp thuận của UBND TP HCM. Hoạt động kinh doanh có lãi nhưng lại vay ngân hàng để nộp lợi nhuận vào ngân sách.

Không chỉ vậy, một loạt dự án giao thông, bất động sản do IPC đầu tư cũng bị chỉ ra dính hàng loạt sai phạm. Như dự án Khu dân cư Long Hậu (Long An), mang danh nghĩa là hợp tác nhưng thực chất là chuyển nhượng cho một doanh nghiệp khác, Khu tái định cư An Phú Tây tại huyện Bình Chánh, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ chậm tiến độ...

Đáng chú ý, dự án Khu dân cư Hiệp Phước được duyệt với mục tiêu xây dựng nhà ở phục vụ chương trình tái định cư, nhưng IPC lại giao đất nền cho người dân. trong khi dự án triển khai chậm, hồ sơ pháp lí về đầu tư xây dựng chưa hoàn chỉnh, chưa có quyết định giao đất và chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Kết luận của Thanh tra TP HCM cũng cho biết chỉ trong 2 năm, Tân Thuận đã tổ chức nhiều chuyến đi nước ngoài với tổng chi phí 1,3 tỉ đồng. Đáng chú ý, chỉ riêng Tổng Giám đốc Tề Trí Dũng, số ngày đi nước ngoài là 106 ngày, tức trong 2 năm, lãnh đạo Tân Thuận đã dành 3,5 tháng ở nước ngoài.