Cơ quan điều tra Công an TP HCM vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) -Tề Trí Dũng vào tối 14/5. Ông Dũng bị khởi tố với hai tội danh là tham ô tài sản và vi phạm qui định về quản lí, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Vào tháng 10/2018, kết luận thanh tra của Thanh tra TP HCM đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh của IPC.
Về tình hình hoạt động kinh doanh, phân phối lợi nhuận sau thuế, trích lập các quĩ và nộp ngân sách nhà nước, kết quả sau thanh tra cho thấy Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận quản lí chi phí chưa hiệu quả, chi phí ở mức quá cao so với doanh thu, và không đạt được các kế hoạch về mục tiêu doanh thu, lợi nhuận.
Thậm chí, mục tiêu doanh thu được giao năm 2017 là 878,7 tỉ đồng, thấp hơn năm 2016 301,25 tỉ đồng, nhưng IPC vẫn không hoàn thành.
Lực lượng chức năng khám xét nhà ông Tề Trí Dũng ở Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP HCM tối 14/5. (Ảnh: Tuổi Trẻ).
Thanh tra TP HCM kết luận việc TP HCM giao kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm sau thấp hơn năm trước nhưng vẫn không thực hiện được, chứng tỏ công tác quản lí điều hành của IPC không hiệu quả.
Tuy nhiên, trái ngược tình hình về kết quả kinh doanh, thu nhập của người lao động tại IPC năm 2017 lại cao hơn so với năm 2016.
Thanh tra đề nghị cần phải có giải pháp khắc phục công tác quản lí điều hành nhằm kịp thời đảm bảo nguồn vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển. Doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch và giao kế hoạch lao động, quĩ lương, chi lương, chi thưởng cho các sở ngành có chuyên môn rà soát, đánh giá đúng thực chất.
Tính đến ngày 31/12/2017, khoản lợi nhuận sau phân phối của các năm trước phải nộp vào ngân sách nhà nước là 684 tỉ đồng, nhưng Tân Thuận vẫn chưa thực hiện.
Về công tác quản lí tài chính, tài sản và chế độ kế toán, có những sai phạm được chỉ ra khá... vô lí, như IPC đã vay ngân hàng để nộp ngân sách là không phù hợp, vì doanh nghiệp kinh doanh có lãi.
"Thực tế IPC hoạt động kinh doanh có lợi nhuận nhưng lại đi vay ngân hàng để nộp lợi nhuận vào ngân sách, với lí do tạo quan hệ tín dụng với ngân hàng là không phù hợp, làm phát sinh khoản lãi vay hơn 8 tỉ đồng. Việc hạch toán chi phí lãi vay không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh vào chi phí là không đúng qui định', kết luận thanh tra nêu.
IPC cũng bị chỉ ra đã thiếu trách nhiệm trong công tác quản lí, thực hiện các hợp đồng kinh tế không chặt chẽ, thanh toán tiền vượt giá trị quyết toán, để đối tác chiếm dụng vốn mà không thực hiện hợp đồng, với số tiền bị chiếm dụng hơn 47 tỉ đồng.
Doanh nghiệp do cựu Tổng giám đốc Tề Trí Dũng điều hành cũng chưa tích cực đôn đốc, thực hiện các biện pháp để thu hồi 49 khoản nợ với số tiền hơn 89 tỉ đồng.
Về sai phạm trong quản lí, sử dụng tòa nhà văn phòng IPC tại Phú Mỹ Hưng (quận 7), IPC thuê của nhà nước một khu đất 7.547 m2 tại lô H2-Khu A Phú Mỹ Hưng để làm trụ sở.
Toà nhà IPC gồm 20 tầng nổi và 1 tầng hầm, một phần được sử dụng làm trụ sở làm việc và phần còn lại cho 81 đơn vị khác thuê làm văn phòng. (Ảnh: VnExpress).
Toà nhà IPC gồm 20 tầng nổi và 1 tầng hầm, một phần được sử dụng làm trụ sở làm việc và phần còn lại cho 81 đơn vị khác thuê làm văn phòng. Tổng doanh thu cho thuê từ năm 2010-2017 là 149 tỉ đồng.
Thanh tra TP HCM cho hay việc Tân Thuận cho các đơn vị ngoài thuê làm văn phòng là không đúng mục đích sử dụng của UBND TP HCM. Tân Thuận cần phải xin phép chủ sở hữu điều chỉnh mục đích sử dụng toà nhà so với công năng xin phép ban đầu.
Ngoài ra, công tác thiết kế, dự toán công trình tòa nhà IPC giai đoạn 2, doanh nghiệp chỉ định đơn vị thực hiện gói thầu với giá trị 1,7 tỉ đồng cũng không đúng qui định.
Thanh tra TP HCM cũng chỉ ra một loạt sai phạm của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận liên quan lĩnh vực bất động sản.
Ởdự án Khu dân cư Long Hậu (Long An), Tân Thuận có dấu hiệu vi phạm pháp luật, khi không đảm bảo lợi ích trong việc hợp tác với Công ty Hồng Lĩnh thực hiện dự án này.
Tân Thuận được UBND tỉnh Long An chấp thuận làm chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Long Hậu và đã thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, tái định cư cho các hộ dân. Sau đó, IPC đã hợp tác với Công ty Hồng Lĩnh thực hiện.
Cơ quan điều tra Công an TP HCM vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với ông Tề Trí Dũng. (Ảnh: Tuổi Trẻ).
Kết luận thanh tra khẳng định nội dung hợp tác giữa IPC và Công ty Hồng Lĩnh là vô lí. Bởi IPC phải mua lại nền trên khu đất mình là chủ đầu tư. Mặt khác, việc hợp tác đầu tư không xác định cụ thể giá trị, tỉ lệ góp vốn của mỗi bên và phân chia lợi nhuận theo giá trị vốn góp, là không đúng nguyên tắc hợp tác đầu tư phân chia lợi nhuận.
Việc IPC thỏa thuận hợp tác với Công ty Hồng Lĩnh nhưng không xác định lại giá trị đã đầu tư là không đảm bảo quyền và lợi ích của IPC.
Vì vậy, thỏa thuận giữa IPC và Công ty Hồng Lĩnh thực chất là hợp đồng chuyển nhượng dự án. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng này không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, trái quy định.
Một dự án khác tại TP HCM liên quan sai phạm của Tân Thuận là Khu tái định cư An Phú Tây tại huyện Bình Chánh.
Dự án này do Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn làm chủ đầu tư, Tân Thuận góp vốn đầu tư vào dự án với Công ty Sadeco theo 3 hợp đồng góp vốn. Tổng số tiền Tân Thuận góp vốn cho Sadeco là 492 tỉ đồng.
Một dự án khác cũng bị xác định sai phạm là khu dân cư Hiệp Phước. Dự án triển khai chậm, hồ sơ pháp lí về đầu tư xây dựng chưa hoàn chỉnh, chưa có quyết định giao đất và chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đáng chú ý, dự án được duyệt với mục tiêu xây dựng nhà ở phục vụ chương trình tái định cư, nhưng IPC lại giao đất nền cho người dân.
Tại dự án nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) do Tân Thuận làm chủ đầu tư bằng vốn ngân sách, Thanh tra TP HCM chỉ ra Tân Thuận ứng vốn đầu tư từ nguồn lợi nhuận nộp ngân sách, và sẽ được hoàn trả hàng năm.
Về chủ trương, ngân sách không chi trả lãi vay thực hiện dự án, nhưng thực tế phát sinh tiền lãi vay hạch toán tăng chi phí của công ty dẫn đến việc tổng chi phí thực tế lớn hơn tổng mức đầu tư được duyệt.
Dự án xây dựng hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ do IPC làm chủ đầu tư được kết luận chậm tiến độ vì IPC thiếu năng lực, kinh nghiệm. (Ảnh: Thanh Niên).
Thanh tra cũng khẳng định Tân Thuận không có năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án giao thông có quy mô vốn đầu tư và yêu cầu kỹ thuật phức tạp như nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, với tổng mức đầu tư khoảng 3.834 tỉ đồng.
đến nay, công ty vẫn chưa có biện pháp xử lí, di dời các công trình ngầm phức tạp để thực hiện dự án, chưa chọn được đơn vị thi công công trình chính, làm dự án chậm tiến độ.
Đáng chú ý, kết luận của Thanh tra cho biết chỉ trong 2 năm, Tân Thuận đã tổ chức nhiều chuyến đi nước ngoài vớichi phí 1,3 tỉ đồng. Trong đó, chỉ riêng ông Tề Trí Dũng đã số ngày đi nước ngoài là 106 ngày. Tức trong 2 năm, lãnh đạo Tân Thuận đã dành 3,5 tháng ở nước ngoài.
Thời gian đi công tác nước ngoài của ông Dũng vượt nhiều ngày so với số ngày được UBND TP HCM cho phép. Cụ thể, trong chuyến đi năm 2016, ông Dũng cùng Phó Tổng giám đốc IPC và bà Hồ Thị Thanh Phúc - Tổng Giám đốc Sadeco, vượt 5 ngày theo kế hoạch. Tương tự, các chuyến đi khác đến Bỉ, Hà Lan, Mĩ, Tây Ban Nha, Pháp cũng vượt nhiều ngày so với qui định, gây thất thoát một số tiền không nhỏ.
Mục đích các chuyến công tác là học tập, nhưng báo cáo sau chuyến đi không thể hiện rõ kết quả, kinh nghiệm nào được đúc kết.
Kết luận của Thanh tra TP HCM cũng cho biết thêm một số cán bộ quản lí IPC đã đi nước ngoài, dù không có quyết định cử đi của UBND TP HCM, đó là các trường hợp: ông Bùi Hải Hà (kiểm soát viên), ông Vũ Xuân Đức (thành viên hội đồng thành viên), ông Nguyễn Việt Dũng (phó tổng giám đốc), ông Phùng Đức Trí (phó tổng giám đốc)…
Theo Thanh tra TP HCM, việc đi nước ngoài nhiều nhưng không thể hiện được kết quả gây lãng phí ngân sách tại Công ty IPC và các đơn vị thành viên có vốn góp của nhà nước.
Ông Tề Trí Dũng quê quán TP HCM, sinh năm 1981, tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế (ĐH Kinh tế TP HCM) và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh thuộc Đại học La Trobe (Australia).
Vừa tốt nghiệp đại học, năm 22 tuổi, ông Tề Trí Dũng đã giữ chức Trưởng bộ phận thị trường - Phòng kinh doanh, Phó Bí thư thường trực Đoàn TNCS HCM tại Công ty Dầu khí TP HCM.
Tháng 10/2007 - 12/2010, ông Dũng về công tác tại Tổng Công ty Bến Thành, giữ các chức vụ Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, rồi sau đó là Trưởng phòng Tài chính, Đảng ủy viên Tổng Công ty Bến Thành.
Ông Dũng có tên trong danh sách tham gia chương trình đào tạo 300 thạc sĩ - tiến sĩ của TP HCM.
Sau khi hoàn thành khoá học tại Australia, ông Tề Trí Dũng về nước ngồi ghế Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Bến Thành, từ tháng 1/2011 - tháng 4/2015. Sau đó lên vị trí Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bến Thành.
Tháng 5/2015, khi tròn 34 tuổi, ông Tề Trí Dũng được bổ nhiệm vị trí Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận.