TP HCM xử lý các quan chức Công ty Tân Thuận 'đi nước ngoài như đi chợ'

Việc xử lý trách nhiệm các cá nhân sai phạm tại công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) liên quan đến việc đi nước ngoài trái quy định phải đồng bộ cả về mặt Đảng và chính quyền, báo cáo UBND TP HCM trước ngày 30/7.

Ngày 3/4, Văn phòng UBND TPHCM đã có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong về kết quả xử lý sau thanh tra tại Công ty IPC.

Theo đó, ông Nguyễn Thành Phong giaoCchủ tịch hội đồng thành viên, người đại diện theo pháp luật của Công ty IPC, xem xét xử lý trách nhiệm về mặt chính quyền đối với các cá nhân có liên quan đến nhũng sai phạm và phối hợp với Đảng ủy IPC tổ chức kiểm điềm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân về mặt đảng.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc yêu cầu các tập thể, cá nhân có liên quan bồi hoàn khoản chi phí lãi vay hơn 8 tỉ đồng, liên quan đến việc vay ngân hàng số tiền 400 tỉ đồng trong hai năm 2016, 2017.

TP HCM xử lý các quan chức Công ty Tân Thuận đi nước ngoài như đi chợ - Ảnh 1.

Trụ sở công ty IPC.

Bên cạnh đó, Công ty IPC phải xử lý nghiêm, dứt điểm những sai phạm về việc đi nước ngoài theo diện đi công tác, đi việc riêng… của một số cán bộ liên quan.

Người đứng đầu chính quyền TP HCM cũng yêu cầu IPC chấn chỉnh công tác cho thuê văn phòng tại trụ sở chính; chấn chỉnh việc chỉ định thầu, chấp hành nghiêm quy định pháp luật trong công tác đấu thầu và không thanh toán tăng tiền thiết kế - dự toán công trình Tòa nhà văn phòng IPC (giai đoạn 2).

Tất cả những nhiệm vụ trên phải hoàn thành và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND TP HCM và Thanh tra TP HCM trước ngày 30/7.

Đây là lần thứ hai người đứng đầu chính quyền TP HCM chỉ đạo xử lý sai phạm tại công ty IPC.

Cuối tháng 10/2018, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã kết luận và chỉ đạo xử lý sai phạm tại IPC sau khi Thanh tra báo cáo Kết luận thanh tra về hoạt động sản xuất kinh doanh tại công ty IPC.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã giao Chánh Thanh tra TP HCM chuyển hồ sơ, tài liệu sang Cơ quan CSĐT Công an TP HCM để điều tra, làm rõ và xử lí đối với việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược tại Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và Công ty CP KCN Hiệp Phước thuộc IPC.

2 năm, ở nước ngoài...106 ngày 

Theo kết luận của Thanh tra TP HCM, trong 2 năm 2016, 2017, Công ty IPC đã tổ chức các chuyến đi đến Bỉ, Hà Lan, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Nhật Bản với tổng số tiền là hơn 1,3 tỉ đồng.

Năm 2016, ông Tề Trí Dũng, ông Phạm Xuân Trung, Phó Tổng giám đốc và ông Trần Đăng Linh (Trưởng Phòng Quản lý đầu tư dự án), bà Hồ Thị Thanh Phúc (Trưởng Phòng Phát triển kinh doanh) đi công tác tại Bỉ, Hà Lan và Mỹ trong vòng 11 ngày. Kinh phí đi nước ngoài trích từ nguồn ngân sách chuẩn bị đầu tư khu đô thị - công nghiệp - cảng Hiệp Phước, với giá trị hợp đồng chi trả là 1.145.600.000 đồng.

Kết luận Thanh tra chỉ ra ông Dũng, ông Linh và bà Phúc đi công tác nước ngoài vượt quá 5 ngày so với quyết định của UBND TP HCM. Riêng ông Trung đi vượt 7 ngày.

 Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Đức, Phó Tổng giám đốc (thời điểm đi nước ngoài đang giữ chức Phó Giám đốc Công ty Phú Mỹ Hưng, đại diện vốn của Công ty IPC), ông Nguyễn Trường Bảo Khánh, Trưởng phòng Tài chính kế hoạch (thời điểm đi nước ngoài đang là Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hiệp Phước, đại diện vốn của Công ty IPC) cũng tham gia chuyến đi.

Trong 2 năm 2016-2017, một số trưởng, phó các phòng ban của công ty IPC đi nước ngoài (tự túc) nhiều hơn số ngày phép theo quy định luật Lao động. Các vị trí quản lý Công ty IPC có số ngày đi nước ngoài (bao gồm đi công tác và việc riêng, nghỉ mát) chiếm tỷ trọng rất cao trong số ngày làm việc.

TP HCM xử lý các quan chức Công ty Tân Thuận đi nước ngoài như đi chợ - Ảnh 2.

Ông Tề Trí Dũng.

Cụ thể: ông Tề Trí Dũng đi nước ngoài 106 ngày, ông Phạm Xuân Trung (89 ngày), ông Vũ Xuân Đức (84 ngày), ông Trần Đăng Linh (83 ngày), ông Nguyễn Trường Bảo Khánh (59 ngày), Nguyễn Việt Dũng, Phó tổng giám đốc (49 ngày), Bùi Hải Hà (49 ngày)...

Mới đây nhất là vào đầu năm 2018, ông Tề Trí Dũng và ông Trần Đăng Linh, Phó Tổng giám đốc đi công tác tại Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha và Pháp. Theo phê duyệt của UBND TP HCM, hai ông này được cử đi công tác từ ngày 2/1 đến 12/1, nhưng thực tế hai lãnh đạo trên đi từ ngày 29/12/2017 (tức là trước 5 ngày) và về ngày 15/1 (trễ 3 ngày).

Theo kết luận thanh tra, có 12 trường hợp đi nước ngoài nhưng không có quyết định của UBND TP HCM như: ông Bùi Hải Hà (kiểm soát viên), ông Vũ Xuân Đức (Thành viên Hội đồng thành viên), ông Nguyễn Việt Dũng (Phó Tổng giám đốc), ông Phùng Đức Trí (Phó Tổng giám đốc)…

Đơn cử như vào dịp năm mới 2018, dù không có quyết định cử đi công tác nước ngoài của UBND TP HCM song các ông Phạm Xuân Trung, Phó Tổng giám đốc, Nguyễn Trường Bảo Khánh, Vũ Xuân Đức (cùng là thành viên hội đồng thành viên), Dương Minh Nhựt, Trưởng phòng Kinh doanh và 2 bà Bùi Hải Hà, Trương Thị Hương Giang (cùng là kiểm soát viên) cũng thực hiện chuyến đi một số nước Châu Âu. Kinh phí chi trả cho mỗi quan chức đi nước ngoài là 246 triệu đồng/người.

Điều đáng nói sau khi đi nước ngoài về, các cá nhân có báo cáo nhưng nội dung không thể hiện rõ kết quả, kinh nghiệm đúc kết qua chuyến đi. Đặc biệt, trong năm 2017, UBND TP HCM đã có văn bản chỉ đạo công ty IPC quản lí chặt chẽ tình trạng cán bộ quản lí đi nước ngoài nhưng IPC vẫn không chấp hành.

Có lãi nhưng vẫn vay ngân hàng để nộp lợi nhuận vào ngân sách 

Theo kết luận Thanh tra, việc các quan chức Công ty IPC đi nước ngoài thường xuyên ảnh hưởng đến nhiệm vụ được giao và quản lí điều hành hoạt động sản suất kinh doanh. Đi nước ngoài nhiều nhưng không thể hiện được kết quả gây lãng phí ngân sách tại Công ty IPC và các đơn vị thành viên có vốn góp của nhà nước, nên cấp ủy Đảng cần làm rõ và xử lí.

Đi nước ngoài học tập kinh nghiệm thường xuyên nhưng lãnh đạo Công ty IPC thể hiện sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng, không kiểm tra quản lí dự án, không xử lí kịp thời và đúng quy định pháp luật gây thiệt hại cho IPC…

Chẳng hạn như tại dự án nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ do Công ty IPC làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 3.834 tỉ đồng, đến nay công ty vẫn chưa có biện pháp xử lí di dời các công trình ngầm phức tạp để thực hiện dự án, chưa chọn được đơn vị thi công công trình chính, làm dự án chậm tiến độ.

Ngoài ra, Công ty IPC hoạt động kinh doanh có lợi nhuận nhưng lại đi vay ngân hàng để nộp lợi nhuận vào ngân sách, và nhằm tạo quan hệ tín dụng với ngân hàng là không phù hợp, làm phát sinh khoản lãi vay hơn 8 tỉ đồng.

Chuyển nhượng dự án dưới vỏ bọc hợp tác

Đối với dự án Khu dân cư Long Hậu- Long An: Công ty IPC hợp tác đầu tư với Công ty Hồng Lĩnh thực hiện dự án nhưng bản chất là chuyển nhượng dự án. Việc chuyển nhượng dự án này không được cơ quan có thẩm quyền cho phép và không đúng quy định.

Công ty IPC là chủ đầu tư dự án lại phải mua nền từ Công ty Hồng Lĩnh để thực hiện tái định cư, đơn giá công ty IPC bán tái định cư thấp hơn đơn giá mua của Công ty Hồng Lĩnh…

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.