Phú Mỹ Hưng chia bao nhiêu lợi nhuận cho công ty Tân Thuận trong năm 2018?

Năm 2018, IPC - doanh nghiệp do ông Tề Trí Dũng, người vừa bị khởi tố - làm tổng giám đốc, đã nhận số tiền 445 tỉ đồng từ việc chia cổ tức tại công ty thành viên Phú Mỹ Hưng. Khoản cổ tức được chia này chiếm phần lớn lợi nhuận trước thuế của Tân Thuận trong năm 2018.

Theo báo cáo tài chính năm 2018 của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), doanh thu và lợi nhuận trước thuế của IPC lần lượt đạt 137 tỉ đồng và 681 tỉ đồng.

Nguyên nhân lợi nhuận cao gấp 5 lần doanh thu đến từ các khoản cổ tức và lợi nhuận mà IPC được chia trong năm 2018 từ các công ty liên doanh, liên kết.

Phú Mỹ Hưng chia cho Tân Thuận 445 tỉ đồng cổ tức 

Hiện Tân Thuận có tất cả 8 khoản đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết, chủ yếu là các công ty thành viên. Bao gồm Công ty TNHH Tân Thuận (TTC), Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (PMH), Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), Công ty CP khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC), Công ty cổ phần Long Hậu (LHC), Công ty Cảng container trung tâm Sài Gòn (SPCT), Công ty CP thương mại dịch vụ Hiệp Tân (HTC) và Công ty TNHH Sepzone - Linh Trung.

Phú Mỹ Hưng chia bao nhiêu lợi nhuận cho công ty Tân Thuận trong năm 2018? - Ảnh 1.

Năm 2018, Tân Thuận (IPC) đã nhận được số tiền 445 tỉ đồng từ việc chia cổ tức tại công ty thành viên Phú Mỹ Hưng. Đây là nguyên nhân khiến lợi nhuận của doanh nghiệp cao gấp nhiều lần doanh thu. (Ảnh: Thanh Niên).

Tỉ lệ sở hữu của Tân Thuận tại các công ty liên doanh, liên kết này từ 20-50%. Trong đó, tỉ lệ sở hữu thấp nhất là tại Công ty Cảng container trung tâm Sài Gòn (chiếm 20%) và cao nhất là Công ty TNHH Sepzone - Linh Trung (50%).

Về các khoản lợi nhuận Tân Thuận được chia trong năm 2018, đáng chú ý là khoản tiền không nhỏ từ Phú Mỹ Hưng - doanh nghiệp chuyên phát triển bất động sản cao cấp tại khu Nam thành phố. 

Hiện Tân Thuận nắm 30% vốn sở hữu tại Phú Mỹ Hưng.

Báo cáo tài chính cho thấy lợi nhuận Tân Thuận nhận được từ đối tác này trong năm 2018 là 445 tỉ đồng, chiếm hơn 65% lợi nhuận của Tân Thuận. Năm 2017, Phú Mỹ Hưng đã phân phối lợi nhuận cho Tân Thuận số tiền 411 tỉ đồng, góp hơn 60% vào lợi nhuận của Tân Thuận.

Như vậy, Phú Mỹ Hưng có thể được xem là "gà đẻ trứng vàng" trong nhiều năm qua của Tân Thuận.

Các công ty liên doanh, liên kết còn lại cũng mang về cho Tân Thuận các khoản cổ tức từ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng. Năm 2018, tổng giá trị lợi nhuận được chia từ các công ty này đạt khoảng 180 tỉ đồng.

Kết quả kinh doanh của Tân Thuận liên tục sụt giảm khi có "sếp" Tề Trí Dũng 

Kết quả kinh doanh năm 2018 của Tân Thuận cho thấy các công ty liên doanh, liên kết đóng góp chủ yếu vào lợi nhuận, bởi doanh thu của doanh nghiệp ngày càng sụt giảm trầm trọng. Năm 2018, UBND TP HCM giao chỉ tiêu cho Tân Thuận là 849 tỉ, con số này thấp hơn so với năm 2017, nhưng Tân Thuận chỉ hoàn thành được 1/6 chỉ tiêu.

Trong kết luận Thanh tra của TP HCM vào tháng 10/2018 cũng khẳng định tình hình hoạt động tại Tân Thuận đã không hiệu quả. Cụ thể, mục tiêu doanh thu được giao năm 2017 là 878,7 tỉ đồng, thấp hơn năm 2016 là 301,25 tỉ đồng, nhưng IPC vẫn không hoàn thành.

Điều này cho thấy công tác quản lí điều hành đã không hiệu quả. Đáng chú ý, trong khi kết quả kinh doanh ngày càng sụt giảm thì thu nhập của người lao động tại Tân Thuận lại ngày càng cao, đặc biệt là ở cấp quản lí.

Phú Mỹ Hưng chia bao nhiêu lợi nhuận cho công ty Tân Thuận trong năm 2018? - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh của Tân Thuận ngày càng đi xuống kể từ khi có "sếp" Tề Trí Dũng. (Đồ hoạ: Phúc Huy).

Vài năm trở lại đây, kết quả kinh doanh khả quan nhất mà Tân Thuận đạt được là năm 2015, tức thời điểm ông Tề Trí Dũng vừa về nhậm chức vào giữa năm. Doanh thu của IPC trong năm 2015 đạt 1.138 tỉ đồng và lợi nhuận đạt 951 tỉ đồng, cao gấp nhiều lần kết quả kinh doanh năm 2018.

Ngoài ra, về khoản nợ phải trả, kết thúc 6 tháng đầu năm 2016 đến hết năm 2018, số nợ mà Tân Thuận phải trả đã tăng gần gấp 3 lần, từ 345,1 tỉ đồng lên đến 967,5 tỉ đồng. Tức nợ phải trả đội thêm 622,4 tỉ đồng chỉ hơn 2 năm dưới thời cựu Tổng Giám đốc Tề Trí Dũng.

Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận là doanh nghiệp nhà nước do UBND TP HCM sở hữu 100% vốn điều lệ, được thành lập năm 1993. Tiền thân là Chương trình Khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận, được UBND TP HCM thành lập năm 1989. 

IPC từng được xem là doanh nghiệp hàng đầu thành phố trong hợp tác đầu tư về cơ sở hạ tầng. Những công trình mang dấu ấn của Tân Thuận là xây dựng khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên cả nước. Ngoài ra, đại lộ Nguyễn Văn Linh dài gần 18 km với 12 làn xe và 5 cụm dân cư dọc tuyến đường, trong đó, khu A dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh là Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, cũng nhờ góp sức của doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, kể từ khi ông Tề Trí Dũng về làm Tổng giám đốc năm 2015, tình hình kinh doanh của Tân Thuận sa sút và dính vào hàng loạt sai phạm tại các dự án lớn như Khu dân cư Long Hậu (Long An), Khu tái định cư An Phú Tây tại huyện Bình Chánh, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ…

Ngày 14/5, cơ quan điều tra Công an TP HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với Tổng Giám đốc Tề Trí Dũng. Ông Dũng bị khởi tố với hai tội danh là tham ô tài sản và vi phạm qui định về quản lí, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

chọn
'Dòng tiền đổ về bất động sản chưa có hoặc rất ít'
Lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc cho rằng trong thời điểm này, khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa phục hồi rõ rệt thì dòng tiền đổ về bất động sản chưa có hoặc rất ít.