Vượt lên chính mình
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở một vùng quê nghèo Hương Long, Hương Khê (Hà Tĩnh). Do mắc phải di chứng chất độc da cam từ người bố để lại, nên từ khi sinh ra chàng trai Nguyễn Kim Việt (SN 1990) thua thiệt hơn bạn bè với chân trái bị teo cơ, mềm nhũn, chân phải không bình thường và bàn chân dị dạng.
Do bị dị tật, khó khăn trong việc đi lại nên vào năm 6 tuổi, trong khi những bạn cùng trang lứa đã cắp sách đến trường tìm con chữ, thì Việt lại đang bắt đầu với những bước chân chập chững.
Việt kể về cuộc đời của mình và con đường làm giàu trên quê hương. (ảnh Hoài Nam) |
Hết cấp 1, rồi đến cấp 2, sau nhiều năm liền đi học bằng "đôi chân" của em gái, vì nghĩ thương cô em gái phải đèo mình đi học trên chiếc xe đạp, nên Việt đã ấp ủ ước mơ đi được xe đạp, đến đầu những năm cấp 3, ước mong đó mới thành hiện thực.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, thấy bà con quê mình vất vả, bản thân muốn làm điều gì đó cống hiến cho quê nhà, nên chàng trai đã quyết định nộp hồ sơ vào ngành Nông học, Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp của ĐH Vinh.
Cầm trên tay 2 tấm bằng Đại Học, một tấm bằng Thạc sĩ, nhưng Việt quyết tâm về lập nghiệp trên chính mảnh đất của quê hương. (ảnh Hoài Nam) |
“Mẹ thì bị bệnh tim, bố bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, bản thân lại tàn tật và phía sau còn 3 em nhỏ nên gánh nặng càng đè trên vai. Hôm nhận giấy báo trúng tuyển tôi vừa mừng vừa lo, sợ không thể đi học vì nhà nghèo”, Việt tâm sự.
Sau 2 năm học, thương cảnh học trò nghèo khi ngành học cần người có sức khỏe tốt, và thường xuyên phải lăn lộn với đồng ruộng nên thầy cô đã khuyên anh học thêm một ngành khác có thể “nhìn cuộc sống bằng mười đầu ngón tay”.
Nghe lời khuyên răn từ các thầy cô, năm 2009, Việt tiếp tục đăng ký và thi đậu vào ngành Công nghệ thông tin của ĐH Vinh. Học được một thời gian nhưng do quá đam mê với ngành Nông học, nên anh quyết định cùng lúc học 2 chuyên ngành.
Từ bàn tay trắng trở thành tỷ phú
Trong quá trình học Đại học, cũng là khoảng thời gian khó khăn đối với Việt vì gia đình khó khăn, bố mẹ còn bị bệnh và đang phải nuôi 3 em ăn học nên để có tiền học, Việt đã tự mình kiếm tiền trang trải việc học.
Từ gia sư đến việc bán sách thuê bán sách thuê, hễ ai thuê những việc đủ khẳ năng Việt đều nhận. Sau này khi học một chút công nghệ thông tin, Việt đã nhận thêm sửa máy tính. Với nghị lực vươn lên và nhờ sự động viên của gia đình, bạn bè Việt đã theo đuổi được niềm đam mê của mình.
4 năm học, Việt luôn đạt thành tích cao, nhiều năm liền giành học bổng sinh viên khá, giỏi của trương ĐH Vinh. Trong qua trình theo học, Việt được xem là gương mặt tiêu biểu nhận học bổng sinh viên vượt khó Watanabe – Kanda của Nhật Bản. Đặc biệt hơn Việt còn là một trong những thanh niên tiêu biểu được nhận giấy khen “Sao tháng giêng” của hội sinh viên trường Đại học Vinh...
Sử dụng toàn bộ diện tích đất vườn của bố mẹ rộng 5.000 m2 để ươm hàng chục loại các giống cây trồng như trầm hương, sưa đỏ, ... |
Về những chặng đường thành công ban đầu, Việt kể bắt đầu từ năm thứ 2 ĐH, khi Việt đã thực hiện thành công đề tài nghiên cứu gieo ươm cây trầm hương. Để thực hiện đề tài này, Việt phải nhờ đến sự giúp đỡ của bố mẹ. Với số tiền vốn 500.000 đồng, ban đầu, Việt đã tiến hành gieo hơn 1 vạn hạt trầm hương theo đúng các kỹ thuật đã được học.
“Đến cuối năm 2010, hơn 1 vạn cây trầm hương phát triển tốt, được người dân giành nhau mua trồng thử nghiệm, tiền bán cây thu được 27 triệu đồng. Đây là số tiền lớn đầu tiên mà tôi kiếm được trong đời”, Việt nói.
Những thành công ban đầu đạt được đã giúp Việt có nhiều ý chí quyết tâm hơn, cũng như được sự ủng hộ của gia đình. “Những ngày sinh con ra đau xót khi thấy con không được bằng bạn bè, đêm nào cũng khóc. Rồi lên ĐH, thấy con bảo bố mẹ đi xin hạt trầm hương về gieo thử, tôi cũng đi xin về cho con làm, nhưng đâu ngờ đó chính là thành công ban đầu của cháu. Giờ thấy con được như thế, không chỉ gia đình mà bạn bè, hàng xóm cũng rất vui mừng. ” bà Nguyễn Thị Thị (56 tuổi, mẹ Việt) tâm sự.
Bà Thị khóc khi kể lại chặng đường mà cậu con trai phải trải qua, để có được như ngày hôm nay. (ảnh Hoài Nam) |
Ra trường với 2 tấm bằng ĐH trên tay, không dừng lại ở đó Việt còn tiếp tục học lên Thạc sĩ, tháng 10/2014, Việt bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ về “Khoa học cây trồng” tại trường ĐH Vinh.
Sau khi dày dặn kinh nghiệm trong nghề, mặc dù đã được nhiều người, nhiều Công ty mời về làm nhưng Việt đều từ chối và trở về quê hương lập nghiệp trên chính mảnh đất của gia đình.
Về lập nghiệp tại quê nhà, để tạo thương hiệu, Việt đã thành lập công ty TNHH Vườn ươm để cung cấp giống trong và ngoài nước, cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đoàn viên thanh niên, bà con quanh vùng.
Vườn ươm của Việt giờ có tiếng, không chỉ người dân bản địa mà còn có những người ngoại tỉnh tìm đến. (ảnh Hoài Nam) |
Sử dụng toàn bộ diện tích đất vườn của bố mẹ rộng 5.000 m2 để ươm hàng chục loại các giống cây trồng như trầm hương, sưa đỏ, cam bù Hương Sơn, cam chanh Vũ Quang, cam Xã Đoài, bưởi Phúc Trạch, đinh lăng, ba kích...
Việt cho biêt, mỗi ngày, trung bình bán ra hơn 3.000 cây giống các loại, mỗi năm thu về trên 3 tỉ đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm cũng thu được khoảng 600 triệu đồng tiền lãi. Được biết, mới đây, vào tháng 12/2016, Việt được vinh dự trở thành 1 trong số 85 thanh niên tiêu biểu trong cả nước được nhận giải thưởng Lương Đình Của.