Chính sách đối ngoại của ông Trump không hoàn toàn sai, ông Biden nên giữ lại đôi phần

Chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể đang nóng lòng loại bỏ toàn bộ chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Donald Trump. Song, ông Biden nên đánh giá khách quan và lưu lại một số chính sách hợp lí của ông Trump.

Khi người Mỹ hân hoan chào đón chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden hồi tuần trước, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cũng đã thở phào nhẹ nhõm.

Trong tâm trí của đa phần các nhà hoạch định chính sách và quan chức châu Âu, ông Biden là hình ảnh thu nhỏ hoàn hảo của giới chính trị gia theo chủ trương hợp tác xuyên Đại Tây Dương.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ là người bôn ba chính trường trong thời kì Chiến tranh Lạnh, ông hiểu rõ ý nghĩa của hiệp ước quân sự NATO, ý thức được mối đe doạ từ Liên Xô đối với châu Âu thời đó và biết rằng hợp tác đa phương có thể mang lại lợi ích.

Công chúng gần như có thể cảm nhận được nguồn năng lực tích cực đang lan tỏa ở Berlin, Paris và Brussels khi Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen gửi lời chúc mừng ông Biden.

Đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống đắc cử Biden có thể đang muốn nhanh chóng loại bỏ hoàn toàn chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1/2021.

Như dự đoán, chính quyền mới của ông Biden đã chuẩn bị một danh sách dài các quyết định chính sách cho ngày đầu tiên cầm quyền. Tuy nhiên, Newsweek nhận thấy không phải toàn bộ chính sách đối ngoại của ông Trump trong 4 năm qua đều sai lầm.

Dù rất khó để các cá nhân thường xuyên chỉ trích ông Trump thừa nhận, song đương kim Tổng thống Mỹ quả thực đã có một số đường lối chính sách đối ngoại đúng đắn, ngay cả khi ông không có khả năng thực hiện chúng.

Theo gợi ý của Newsweek, từ tập chính sách đối ngoại của ông Trump, chính quyền ông Biden nên lựa chọn các chính sách đáng được duy trì và cải thiện, trong khi loại bỏ các điểm yếu kém.

Chính sách đối ngoại của ông Trump không hoàn toàn sai, ông Biden nên giữ lại đôi phần - Ảnh 1.

Chính sách đối ngoại của ông Trump không hoàn toàn sai nên ông Biden nên giữ lại đôi phần. (Ảnh minh họa. Nguồn: CNBC)

Chính sách thất bại

Không khó để phát hiện các chính sách đối ngoại sai lầm của ông Trump trong 4 năm qua. Chiến lược gây áp lực tối đa của Washington đối với Iran đã thổi bùng căng thẳng tại Trung Đông đến mức không cần thiết, làm tê liệt cơ hội tái đàm phán trong tương lai và thậm chí suýt đẩy hai nước vào nguy cơ tranh chấp quân sự hồi đầu năm nay sau vụ ám sát tướng Qasem Soleimani.

Chính sách của ông Trump với Venezuela, chủ yếu tập trung vào các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao, không thể xoay chuyển cục diện mà chỉ càng củng cố quyền lực của Tổng thống Nicolas Maduro và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đất nước Nam Mỹ này.

Đối với Trung Quốc, ông Trump về cơ bản đã từ bỏ mọi giao tiếp ngoại giao với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới để theo đuổi các lệnh trừng phạt, hạn chế thương mại, công nghệ và tự do tuần tra hàng hải ở eo biển Đài Loan.

Theo Newsweek, chính quyền ông Biden có thể và nên thay đổi các chính sách Trung Quốc của ông Trump thông qua chiến lược "3D": deescalation (giảm căng thẳng), deterrence (răn đe) và diplomacy (ngoại giao).

Tinh hoa nên giữ lại

Ông Trump đã đúng khi khẳng định châu Âu không được phí phạm thêm thời gian và giả vờ quân đội Mỹ sẽ là tuyến phòng thủ đầu tiên cho lục địa già.

Các nhà lãnh đạo châu Âu như ông Macron và bà Merkel thường dùng lời lẽ hoa mĩ và cam kết sẽ hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ chính họ trên trường thế giới. Tuy nhiên, lời nói của các nước này chưa bao giờ đi đôi với hành động cụ thể.

Thúc đẩy châu Âu bước chân vào mặt trận quân sự hầu như không phải là ý tưởng mới. Tổng thống Trump có thể hơi thô lỗ, thẳng tính và hành động không theo chiến thuật chính trị nào để buộc châu Âu hành động, nhưng ông không phải là người đầu tiên tức giận.

Các đời tổng thống Mỹ từ thời ông Dwight Eisenhower (1953 - 1961) từng vô cùng thất vọng khi khối này thờ ơ trước việc xây dựng năng lực quốc phòng hay gánh vác trách nhiệm bảo vệ an ninh của chính họ.

Mỹ hiện vẫn đóng góp gần 70% tổng chi tiêu quốc phòng của NATO, bất chấp thực tế châu Âu đang là một trong các khu vực giàu có nhất hành tinh với GDP khoảng 15,6 nghìn tỉ USD. Không ai có thể đổ lỗi cho Tổng thống Trump vì ông cảm thấy tức giận trước thái độ ì ạch của châu Âu.

Tương tự, chính sách của ông Trump với Triều Tiên không thực sự đáng chê trách như công chúng vẫn tưởng. Đôi khi các bên bất đồng về một số chính sách đối ngoại là điều dễ hiểu.

Gần đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa công bố tên lửa đạn đạo xuyên lục địa di động lớn nhất thế giới. Ngoài ra, Triều Tiên vẫn tiếp tục thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn, bất chấp hai hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều và trao đổi thư từ giữa hai nhà lãnh đạo trong hai năm qua.

Lập trường đàm phán của Mỹ xưa nay thường xa rời thực tế, cho dù giới tinh hoa trong lĩnh vực đối ngoại của Mỹ có đồng ý hay không thì khả năng Triều Tiên loại bỏ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân là rất bấp bênh.

Tuy nhiên, việc ông Trump sẵn sàng từ bỏ chiến lược Triều Tiên cũ kĩ mà nhiều chính quyền tiền nhiệm từng sử dụng là một quyết định táo bạo và các cố vấn an ninh của ông Biden không nên lên án ngay lập tức.

Dù giới quan sát có thể bất đồng quan điểm về chính sách tổng thể, họ lại rất khó lập luận rằng quyết định trực tiếp tìm và trao đổi cùng ông Kim Jong-un của Tổng thống Trump khiến vấn đề Triều Tiên xấu đi.

Các cá nhân chỉ trích hai hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều chỉ mang tính hình thức thường hay bỏ qua thực tế là chiến lược đàm phán truyền thống của các chính quyền tiền nhiệm trong 30 năm qua cũng không giải quyết được vấn đề.

Sau cùng, vấn đề không phải là Washington chọn đàm phán với Bình Nhưỡng như thế nào mà là họ yêu cầu Bình Nhưỡng làm gì trong các cuộc đàm phán: phi hạt nhân hóa hoàn toàn và không được đảo ngược để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao và giảm bớt các lệnh cấm vấn kinh tế trong tương lai.

Nếu chính sách đối ngoại được dẫn dắt bởi một mục tiêu không thực tế như trong quá khứ, các chi tiết nhỏ nhặt và câu chữ tượng trưng trong bản thoả thuận cũng không có ý nghĩa gì nhiều, Newsweek kết luận.

Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ trở thành Tổng thống Joe Biden vào ngày 20/1/2021. Chính sách đối ngoại của ông Biden như thế nào vẫn còn là một câu hỏi mở và phụ thuộc phần nào vào các quyết định bổ nhiệm nhân sự quan trọng.

Tuy nhiên, khi chính quyền mới xây dựng kế hoạch và lựa chọn nhân sự, họ nên dành thời gian để đánh giá một cách công bằng thành tựu của người tiền nhiệm thay vì khẳng định làm điều ngược lại mới có thể giải quyết các vấn đề của nước Mỹ.

chọn
Hà Nội đang giải phóng mặt bằng để đấu giá khu đất vàng đối diện Aeon Mall Long Biên
Lô đất có diện tích 1,35 ha ở chân cầu Vĩnh Tuy thuộc địa bàn phường Long Biên, quận Long Biên đang được giải phóng mặt bằng, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật để đấu giá.