Chính sách mới về kiểm toán, lao động - tiền lương
Điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp cho một số đối tượng
Theo Thông tư 23/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hiệu lực từ ngày 1/9/2016, mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ xã, phường, thị trấn bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng trong thời gian từ ngày 1/1/2015 đến trước ngày 1/5/2016 được tăng thêm 8%.
Điều này có nghĩa là mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng mới của các đối tượng này sẽ bằng mức lương hưu, trợ cấp hiện hưởng nhân với 1,08. Giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 1/1/1995, đang hưởng lương hưu trước ngày 1/1/2016 hoặc bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 1/1/2016 – 31/12/2016, nếu mức lương hưu sau khi đã được điều chỉnh thêm 8% mà vẫn thấp hơn 1,15 triệu đồng thì được điều chỉnh bằng 1,15 triệu đồng/tháng, áp dụng cho khoảng thời gian từ ngày 1/1/2016 – 30/4/2016. Nếu thấp hơn 1,21 triệu đồng thì được điều chỉnh bằng 1,21 triệu đồng/tháng, áp dụng cho khoảng thời gian từ ngày 1/5/2016 trở đi.
Thời hiệu khiếu nại kiểm toán là 30 ngày
Ngày 11/9/2016, Quyết định số 03/2016/QĐ-KTNN ban hành Quy định giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán chính thức có hiệu lực. Quy định này quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với những đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán trong báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng Kiểm toán nhà nước; quy định xử lý các trường hợp kiến nghị về báo cáo kiểm toán; xử lý theo pháp luật các trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của Kiểm toán nhà nước.
Đối tượng áp dụng của Quy định gồm: Đơn vị được kiểm toán thực hiện việc khiếu nại, Kiểm toán nhà nước (Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Vụ Pháp chế với vai trò là đơn vị tham mưu giúp Tổng Kiểm toán nhà nước giải quyết các khiếu nại kiểm toán; Đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, Đoàn kiểm toán đã chủ trì lập báo cáo kiểm toán mà đơn vị được kiểm toán khiếu nại) và các tổ chức, đơn vị, cá nhân khác có liên quan.
Theo Quy định, việc giải quyết khiếu nại phải bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, kịp thời, đúng nội dung, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền. Tổ chức, cá nhân liên quan khi khiếu nại và giải quyết khiếu nại phải tuân thủ các quy định của pháp luật về khiếu nại, pháp luật về kiểm toán nhà nước, các quy định pháp luật liên quan và quy định tại văn bản này.
Ngoài các quy định chung về: Các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động khiếu nại kiểm toán; Trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp; Quy định trình tự chung trong hoạt động giải quyết khiếu nại kiểm toán; Xử lý văn bản của đơn vị được kiểm toán thuộc trường hợp trả lời các kiến nghị về báo cáo kiểm toán; Hồ sơ giải quyết khiếu nại kiểm toán, Kiểm toán nhà nước có các quy định cụ thể về: Căn cứ khiếu nại kiểm toán; Hình thức, giới thiệu, thời hạn, rút khiếu nại kiểm toán; Các khiếu nại không thụ lý giải quyết; Quyền và nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán và của Kiểm toán nhà nước trong hoạt động khiếu nại kiểm toán; Thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết khiếu nại kiểm toán; Trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, xác minh, quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; Trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, xác minh, quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại kiểm toán có hiệu lực pháp luật.
Thời hiệu khiếu nại kiểm toán là 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kiểm toán; trường hợp đơn vị được kiểm toán không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì lý do khách quan thì thời gian có lý do khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 65 ngày, kể từ ngày thụ lý. Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài nhưng không quá 90 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Liên quan đến công tác báo cáo, kiểm tra về công tác giải quyết khiếu nại kiểm toán, Quy định nêu rõ, định kỳ hàng quý, 06 tháng, năm, các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm tổng hợp số đơn đã tiếp nhận, xử lý, giải quyết gửi về Vụ Tổng hợp. Vụ Tổng hợp có trách nhiệm tổng hợp tình hình giải quyết khiếu nại kiểm toán trong toàn ngành báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước, tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước báo cáo cơ quan chức năng về tình hình khiếu nại theo quy định; đồng thời, kiến nghị với Tổng Kiểm toán nhà nước các biện pháp nhằm chấn chỉnh công tác này trong phạm vi toàn ngành; khi phát hiện có vi phạm pháp luật thì kiến nghị với Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét xử lý.
Ảnh minh họa. |
Chính sách mới về xuất nhập khẩu; thuế, phí, lệ phí
Thêm nhiều trường hợp được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu
Theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, có hiệu lực từ ngày 1/9/2016, thuế suất thông thường sẽ bằng 150% thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng. Luật này cũng bổ sung nhiều trường hợp được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu; trong đó có: giống cây trồng; giống vật nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước chưa sản xuất được, cần thiết nhập khẩu; Máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bộ phận, phụ tùng nhập khẩu phục vụ hoạt động in, đúc tiền…
Đặc biệt, sẽ miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được trong 5 năm cho doanh nghiệp công nghệ.
Miễn, giảm thuế xuất khẩu các sản phẩm thân thiện môi trường
Kể từ ngày 23/9/2016, Thông tư 128/2016/TT-BTC quy định miễn, giảm thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực.
Theo đó, miễn thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường có tên trong Biểu thuế xuất khẩu và có văn bản chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Giảm 50% mức thuế xuất khẩu (trường hợp mức thuế xuất khẩu sau khi giảm thấp hơn mức sàn khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thì sẽ áp dụng mức sàn khung thuế suất thuế xuất khẩu) đối với các sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải có tên trong Biểu thuế xuất khẩu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP kể từ ngày Nghị định số 19/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
Trường hợp sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải xuất khẩu nêu trên không có tên trong Biểu thuế xuất khẩu thì khi xuất khẩu thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 182/2015/TT-BTC ngày 16/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế.
Trường hợp sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải xuất khẩu đã nộp thuế xuất khẩu vượt quá số tiền được miễn, giảm thì số thuế nộp thừa được xử lý theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Chính sách mới về đầu tư, thương mại
Tăng cường xử lý sau kiểm tra đấu thầu
Thông tư số 10/2016/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 9/9/2016.
Theo đó, nếu đơn vị được kiểm tra có sai sót hoặc vi phạm trong hoạt động đấu thầu, cần có thời gian để khắc phục thì đơn vị chủ trì kiểm tra có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện Kết luận kiểm tra (KLKT).
Người đứng đầu đơn vị được kiểm tra có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện KLKT và báo cáo phản hồi về tình hình thực hiện KLKT đó.
Tổ chức, cá nhân thuộc đơn vị được kiểm tra và tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện KLKT mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời thì có thể bị xử lý theo các hình thức:
- Xử phạt vi phạm hành chính
- Xử lý kỷ luật
- Truy cứu trách nhiệm hình sự
- Bồi thường theo quy định của pháp luật nếu gây thiệt hại.
Thông tư Thông tư 06/2016/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9/2016 và hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong đó hướng dẫn một số điều như chuyển đổi hình thức đầu tư đối với dự án đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công; hợp đồng dự án, hợp đồng tương tự khác và mẫu hợp đồng dự án; trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thành lập doanh nghiệp dự án và các mẫu văn bản liên quan; một số nội dung khác thuộc thẩm quyền hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP; cơ chế quản lý và sử dụng nguỗn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư, thụ tục lập, phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, sử dủng chi phí chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, bên cho vay và các cơ quan tổ chức có liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Công chức quản lý thị trường đi kiểm tra kinh doanh phải có thẻ
Công chức quản lý thị trường đã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và không trong thời gian bị kỷ luật sẽ được cấp thẻ kiểm tra thị trường. Thẻ có thời hạn sử dụng năm năm kể từ ngày được cấp.
Trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ mà chưa có quyết định xử lý; tham mưu, ban hành quyết định trái pháp luật; đang trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật; bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo; bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam…, công chức sẽ bị tạm đình chỉ sử dụng thẻ kiểm tra thị trường.
Pháp lệnh Quản lý thị trường số 11/2016/UBTVQH13 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 8/3/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9 quy định.
Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng có thời hạn 5 năm
Theo Thông tư 17/2016/TT-BXD, có hiệu lực từ ngày 1/9/2016, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng thuộc các lĩnh vực như: khảo sát xây dựng; thiết kế quy hoạch xây dựng; thiết kế xây dựng công trình; giám sát thi công xây dựng; kiểm định xây dựng; định giá xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.
Để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, cá nhân phải đáp ứng điều kiện về trình độ chuyên môn, thời gian kinh nghiệm và phải trải qua sát hạch cấp chứng chỉ theo hình thức thi trắc nghiệm. Thời hạn hành nghề tương ứng với từng lĩnh vực hoạt động xây dựng là 5 năm,khi hết thời hạn, cá nhân có nhu cầu hoạt động xây dựng làm thủ tục cấp lại chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Người nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam dưới 6 tháng, được sử dụng chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp, nhưng phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch ra tiếng Việt và được công chứng, chứng thực theo quy định.
Quảng cáo hóa chất y tế không có Giấy xác nhận bị phạt đến 20 triệu
Theo Nghị định 115/2016/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 15/9/2016, hành vi quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng không có Giấy xác nhận quảng cáo do Bộ Y tế cấp sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng; trường hợp quảng cáo không đúng theo Giấy xác nhận quảng cáo bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.
Nghị định này còn quy định về mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về sản xuất, gia công và kinh doanh phân bón. Theo đó, mức phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi xếp phân bón lẫn với các loại hàng hóa khác hoặc không xếp phân bón lên kệ mà để tiếp xúc trực tiếp với nền nhà, mặt đất tại địa điểm kinh doanh. Sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón vượt mức yếu tố hạn chế theo quy định đối với phân bón hữu cơ, phân bón hữu cơ khoáng, phân bón khoáng hữu cơ, phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón hữu cơ sinh học, phân bón sinh học… sẽ bị phạt tiền từ 60 - 70 triệu đồng.
Sửa đổi quy định về xếp lương đối với sĩ quan quân đội
Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và sĩ quan công an nhân dân đã giữ cấp bậc quân hàm/cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ hiện đảm nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ, đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe thì được xét nâng lương.
Thời hạn xét nâng lương của cấp bậc quân hàm/cấp bậc hàm đối với cấp tướng, cấp tá và đại úy là 4 năm; đối với thượng úy là 3 năm.
Ngoài ra,giảng viên cao cấp được bổ nhiệm chức danh giáo sư, nếu chưa xếp bậc cuối cùng của chức danh giảng viên cao cấp thì giảng viên đó được xếp lên 1 bậc trên liền kề từ ngày được bổ nhiệm chức danh giáo sư, thời gian xét nâng bậc lương lần sau kể từ ngày giữ bậc lương cũ.
Trường hợp đã xếp bậc cuối cùng của chức danh giảng viên cao cấp thì được cộng thêm 3 năm để tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư.
Nghị định 117/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, có hiệu lực từ ngày 15/9 quy định.
Luật gia Đồng Xuân Thuận