Bịa đặt cán bộ 'có bồ nhí': Hãy cân nhắc khi chia sẻ thông tin

Hành vi bôi nhọ danh dự nhân phẩm của người khác trên mạng xã có thể khiến bạn bị bị truy cứu hình sự, hãy cân nhắc hơn khi chia sẻ thông tin.

Trên những trang mạng, tôi nhận thấy, hiện nay, người ta nói xấu, bôi nhọ, vu khống cụ thể một số cán bộ nhà nước. Như mới đây trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện thông tin về việc một cán bộ "có bồ nhí” và có con riêng. Ngay sau đó, công an vào cuộc điều tra việc 'bôi nhọ' này.

Cho tôi hỏi, người đưa những thông tin trên có bị coi là tội phạm hình sự về tội vu khống không?

Độc giả: Trịnh Anh Dũng

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến VietNamMoi. Vấn đề này xin được đưa ra ý kiến như sau:

Trong cuộc sống, con người gặp rất nhiều sự việc xuyên tạc, giả dối, “nói không thành có”. Những lúc như vậy, chúng ta thường có phản ứng xem đó là vu khống, bịa đặt … Tuy nhiên, không phải tất cả những hành vi đó đều bị coi là tội phạm hình sự, trong một số trường hợp người nghe, người thấy chỉ xem đó là hành vi mất đạo đức hoặc chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Vậy khi nào hành vi trên bị coi là tội phạm hình sự về tội vu khống?

Căn cứ khoản 1 Điều 122 Bộ luật hình sự quy định về Tội vu khống thì: “Vu khống là hành vi bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền”.

Bộ luật hình sự năm 2015 (hiện chưa có hiệu lực) đã có nhiều điều thay đổi theo hướng tăng cường xử lý tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội, cụ thể, tội làm nhục người khác, hoặc tội vu khống đều có tình tiết tăng nặng mới là: sử dụng mạng máy tính, hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.

Cá nhân hoặc tổ chức khi bị vu khống trên mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử nên thu thập các bằng chứng về hành vi vi phạm, xác định người phạm tội và tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

bia dat can bo co bo nhi hay can nhac khi chia se thong tin
Ảnh minh họa.

Như vậy, theo quy định trên, một người chỉ bị coi là phạm tội vu khống khi có một trong các hành vi sau đây:

- Bịa đặt

“Bịa đặt là đưa ra những thông tin không đúng sự thật, tự nghĩ ra một điều gì đó mà không có với người khác như: không tham ô thì bảo là tham ô, không quan hệ bất chính lại tố cáo là quan hệ bất chính, không nhận hối lộ lại tố cáo là nhận hối lộ…”.

Hình thức đưa ra những thông tin nói trên có thể dưới những dạng khác nhau như: truyền miệng, qua các phương tiện thông tin đại chúng, viết đơn, thư tố giác… Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý.

Người phạm tội biết những thông tin mình đưa ra là không đúng sự thật nhưng đã thực hiện nhằm mục đích xúc phạm danh dự hoặc nhằm gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

- Loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt

Người phạm tội tuy không bịa đặt nhưng lại loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt. Việc loan truyền này có thể bằng nhiều hình thức khác nhau như: sao chép làm nhiều bản gửi đi nhiều nơi, kể lại cho người khác nghe, đăng tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Người có hành vi loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt có thể biết điều đó do ai bịa đặt hoặc cũng có thể chỉ biết đó là bịa đặt còn ai bịa đặt thì không biết.

Người loan truyền phải biết rõ điều mình loan truyền là không có thực nếu họ còn bán tin bán nghi thì cũng chưa cấu thành tội vu khống.

- Bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền

Đây là dạng hành vi đặc biệt của hành vi phạm tội vu khống. Là hành vi tố cáo trước cơ quan có thẩm quyền (Công an, Viện kiểm sát…) về một tội phạm xảy ra và người thực hiện tội phạm mà hoàn toàn không có thực.

Trong trường hợp này, cần lưu ý là người phạm tội biết rõ người mình tố giác không có hành vi phạm tội nhưng vẫn tố giác họ.

Trong thực tế có nhiều trường hợp các cơ quan nhà nước nhận được tin báo về tội phạm và người phạm tội, sau khi xác minh thấy không có tội phạm xảy ra đã không khởi tố vụ án hình sự.

Có trường hợp mặc dù đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, thậm chí đã truy tố ra trước Tòa án và Tòa án đã kết án người bị tố cáo, nhưng sau khi kiểm tra lại toàn bộ chứng cứ, tài liệu do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập thì mới xác định tội phạm và người phạm tội bị tố cáo là không có thực.

Tuy nhiên không phải vì thế mà cho rằng người tố cáo đã có hành vi vu khống mà phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể (căn cứ lý do, mục đích khác nhau của việc cung cấp tin báo tố giác tội phạm) để xác định người tố cáo không đúng đó có phải là vu khống không.

Đây cũng là một vấn đề khá phức tạp cả về lý luận cũng như thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử hiện nay.

Cần lưu ý rằng: Cả ba dạng hành vi nêu trên lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Mục đích nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi của người bị hại là yếu tố bắt buộc. Những thiệt hại này có thể đã xảy ra hoặc cũng có thể chưa xảy ra.

Về phía người bị hại - tức người bị vu khống phải là công dân (con người cụ thể) chứ không phải là pháp nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội. Người bị hại trong vụ án vu khống có thể bị xúc phạm danh dự, cũng có thể bị thiệt hại về tài sản hoặc những thiệt hại khác về tinh thần, về sức khoẻ... nhưng chủ yếu là thiệt hại về tinh thần (danh dự). Người phạm tội vu khống chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người bị hại có đơn yêu cầu khởi tố hình sự.

Trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự bùng nổ của công nghệ thông tin thì các tội phạm nói chung và tội vu khống nói riêng ngày càng được thực hiện bởi những phương thức, thủ đoạn tinh vi và phức tạp.

Đặc biệt, những năm vừa qua, rất nhiều người đã lợi dụng các trang mạng xã hội, điển hình là Facebook để đưa hình ảnh, video clip, phát tán thông tin xuyên tạc nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm uy tín của người khác, gây bức xúc trong dư luận.

“Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. Vì vậy, hành vi trên là vi phạm pháp luật, được quy định tại các cơ sở pháp lý sau đây:

Điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định số: 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng cấm: “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”.

Điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định số:174/2013/NĐ-CP ngày 03/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Theo đó, hành vi: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị xử phạt tiền từ: 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Bộ luật dân sự quy định: “Khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền tự mình cải chính; yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi, xin lỗi, cải chính công khai; yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại”.

Ngoài ra, nếu tính chất và mức độ của hành vi xuyên tạc, vu khống là nghiêm trọng và có đủ căn cứ thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo các tội danh tương ứng: “Tội làm nhục người khác” hay “Tội vu khống”. Hai tội danh này có điểm chung là đều nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Tuy nhiên tội làm nhục người khác thường thể hiện bằng lời nói như chửi rủa, sỉ nhục ở nơi đông người, bằng viết, vẽ hay những hành động khác có tính chất bỉ ổi.

Theo Bộ luật tố tụng hình sự thì khi phát hiện hành vi có dấu hiệu như đã nêu trên, công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với cơ quan tổ chức bằng hai cách: tố giác bằng miệng hoặc viết đơn tố giác tội phạm.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chỉ nên tố giác tội phạm khi biết hành vi vi phạm pháp luật là có thật hoặc có cơ sở, căn cứ để tố giác về hành vi vi phạm pháp luật đó. Tránh trường hợp “gậy ông đập lưng ông”, bởi hành vi tố cáo người khác trước cơ quan có thẩm quyền là một trong ba dạng hành vi có thể cấu thành tội Vu khống như đã phân tích ở trên.

Một số vụ việc tiêu biểu liên quan đến các hành vi bôi nhọ, vu khống người khác trên mạng xã hội bị đưa ra khởi tố đã khiến người sử dụng mạng xã hội không khỏi hoang mang và cân nhắc hơn khi chia sẻ thông tin.

Cuối năm 2014, một nhóm mang tên “Tập đoàn thánh bóc” đã bị khởi tố về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân theo quy định của Bộ Luật hình sự. Trang Facebook này đã liên tục đăng tải các bài viết với nội dung xuyên tạc, bôi nhọ, xâm hại đời sống cá nhân của nhiều người nổi tiếng, tạo nên sự chấn động với giới showbiz bởi những thông tin không rõ đúng, sai.

Năm 2015, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) đã bắt giữ admin của trang Facebook “Tránh chốt CSGT Hải Phòng” để điều tra về hành vi “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet”.

Trang Facebook thường xuyên đăng tải các địa điểm chốt của CSGT để thông báo tài xế “tránh chốt” nếu vi phạm giao thông và nhiều video clip, hình ảnh kèm theo bình luận không đúng sự thật để chửi bới, xúc phạm công an Hải Phòng.

Qua những trường hợp trên, bài học nhận được: Bôi nhọ, vu khống người khác trên mạng xã hội có thể phải trả giá đắt!

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

chọn
Nơi quy hoạch tổ hợp nhà ở của HanoiHouse tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu
Tại góc ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu có một khu đất hơn 0,2 ha, được quy hoạch cho dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng. Chủ cũ của dự án này trước đây là Indeco, sau nhiều năm chậm triển khai đã chuyển giao cho chủ mới là HanoiHouse.