Hành vi vu khống bị xử lý thế nào theo Bộ luật hình sự 2015

Vu khống, được hiểu là hành vi bịa đặt, loan truyền những điều mà mình biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của ngươi khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
hanh vi vu khong bi xu ly the nao theo bo luat hinh su 2015
Ảnh minh họa.

Tội vu khống có các dấu hiệu sau:

Về hành vi, có một trong các hành vi sau đây:

+ Có hành vi bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Hành vi này thể hiện qua việc người phạm tội đã tự đặt ra và loan truyền những điều không đúng với sự thật và có nội dung xuyên tạc để xúc phạm đến danh dự của người khác hoặc để gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Ví dụ: Nhân viên cơ quan đã đưa ra tin tức là trưởng phòng của mình có hành vi đồi bại, dâm ô đối với mình hoặc với người khác (nhưng trên thực tế không có thật) nhằm để hạ uy tín và làm cho trưởng phòng bị kỷ luật phải bị mất chức.

Người phạm tội thực hiện hành vi này có thể bằng cách nói trực tiếp hoặc thông qua các phương thức khác như qua phương tiện thông tin đại chúng, nhắn tin qua điện thoại di động…

+ Có hành vi loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Hành vi này được thể hiện qua việc ngưòi phạm tội tuy không đặt ra những điều không đúng sự thật về người khác và biết rõ điều đó là bịa đặt (việc biết rõ điều mình loan truyền là bịa đặt là dấu hiệu bắt buộc) nhưng vẫn loan truyền điều bịa đặt đó (như nói cho những người khác biết, đưa lên phương tiện thông tin đại chúng…) cho người khác.

+ Có hành vi bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Được thể hiện qua việc tự mình bịa ra rằng người khác có hành vi thực hiện Ịnột tội phạm nào đó và tố cáo họ trước cơ quan Nhà nước như: Công an, Viện kiểm sát… mặc dù thực tế người này không phải là người thực hiện những hành vi phạm tội đó.

Về hậu quả: Trong trường hợp các hành vi nêu trên không có mục đích nhằm xúc phạm danh dự của người khác thì hậu quả gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

Hành vi nêu trên xâm phạm đến danh dự và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân. Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Mục đích xúc phạm danh dự của người khác là dấu hiêu cấu thành cơ bản của tội này.

Về hình phạt

Mức hình phạt đối với tội phạm này được chia thành hai khung, cụ thể như sau:

– Khung một (khoản 1)

Có mức hình phạt là phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan và chủ quan.

– Khung hai (khoản 2)

Có mức phạt tù từ một năm đến bảy năm. Được áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội sau đây:

+ Có tổ chức (xem giải thích tương tự ở tội giết người);

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn (xem giải thích tương tự ở tội làm nhục người khác);

+ Đốĩ với nhiều người (từ hai người bị hại trở lên).

+ Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho chính người phạm tội (cho mình).

+ Đối với người thi hành công vụ (xem giải thích tương tự ở tội đe doạ giết người).

+ Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng (tội rất nghiêm trọng là tội nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối vói tội đó là đến mười lăm năm tù. Tội đặc biệt nghiêm trọng là tội gây nguy hại đặc biệt cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội đó là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình).

– Hình phạt bổ sung (khoản 3)

Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tuỳ từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị:

+ Phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng.

+ Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Một số điểm cần lưu ý:

+ Người bị vu khống của tội này không phải là pháp nhân hay một nhóm người mà là con người cụ thể.

+ Người phạm tội thuộc trường hợp quy định ở khoản 1 chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người bị hại có yêu cầu khởi tố hình sự. Nếu trước ngày mở phiên toà sơ thẩm hình sự, người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố thì vụ án phải được đình chỉ.

+ Thực tế có rất nhiều tin báo tố giác tội phạm do công dân, tổ chức cung cấp, nhưng qua điều tra xác minh Cơ quan điều tra xác định không có tội phạm xảy ra và đã ra quyết định không khởi tố vụ án.

+ Có trường hợp đơn tố giác tội phạm đã được đưa vào tiến trình tố tụng hình sự, nhưng sau đó Cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định đình chỉ vì không có tội – tức là sự tố giác tội phạm sai sự thật. Trường hợp này không coi là có hành vi vu khống mà được xử lý theo điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự. Muốn xác định có hành vi vu khống hay không phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào lý do, mục đích khác nhau của việc cung cấp tin báo tố giác tội phạm.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn hoặc xuanthuandong@gmail.com

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.