Chủ nợ của Tập đoàn FLC là những ngân hàng nào?

FLC đã trả hết nợ cho các ngân hàng Trung Quốc và còn dư nợ khoảng trên 5.000 tỉ đồng với một số ngân hàng thương mại cổ phần trong nước, nhiều nhất là với BIDV.
Những ngân hàng nào là chủ nợ của Tập đoàn FLC? - Ảnh 1.

Quần thể nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn Beach & Golf Resort của Tập đoàn FLC. (Ảnh: Song Ngọc)

Theo báo cáo tài chính bán niên 2020 đã soát xét, Tập đoàn FLC có số nợ phải trả 23.696 tỉ đồng tại ngày 30/6 năm nay, chiếm gần 70% tổng nguồn vốn của tập đoàn.

Tỉ lệ này tăng đáng kể so với con số 63,6% vào ngày đầu năm 2020. Một phần nguyên nhân là nợ của FLC tăng thêm hơn 3.300 tỉ đồng, một phần khác là vốn chủ sở hữu của FLC suy giảm do lỗ sau thuế hàng nghìn tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Nợ ngắn hạn của FLC tại ngày cuối quí II là 18.808 tỉ đồng, chiếm 79% tổng nợ phải trả; nợ dài hạn là 4.887 tỉ đồng.

Trong số này, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 3.567 tỉ đồng, tăng 12,5% so với ngày đầu năm; vay và nợ thuê tài chính dài hạn 2.532 tỉ đồng, giảm 23%.

Chủ nợ ngắn hạn lớn nhất của Tập đoàn FLC tại ngày cuối quí II/2020 là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với dư nợ xấp xỉ 975 tỉ đồng, theo sau là Ngân hàng TCMP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 641 tỉ đồng, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) 556 tỉ đồng, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) 234 tỉ đồng, Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) 199 tỉ đồng…

Một điểm đáng chú ý là Tập đoàn FLC đã thanh toán hết các khoản nợ với hai nhà băng Trung Quốc là Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB). Tại ngày đầu năm 2020, Tập đoàn FLC nợ hai ngân hàng này số tiền lần lượt là 107,2 tỉ đồng và 60 tỉ đồng.

Những ngân hàng nào là chủ nợ của Tập đoàn FLC? - Ảnh 2.

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC. (Ảnh: Song Ngọc)

Trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên hồi giữa tháng 8, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết đã gạt đi tin đồn "Tập đoàn FLC được Trung Quốc đầu tư". Ông cho rằng việc vay nợ trong kinh doanh là bình thường và thừa nhận FLC từng vay khoảng 110 tỉ đồng từ ICBC nhưng đã trả hết được vài tháng.

Tập đoàn FLC còn nợ ngắn hạn hai ngân hàng nước ngoài là Woori Bank (trụ sở chính tại Hàn Quốc) và Credit Suisse (trụ sở chính tại Thụy Sỹ) lần lượt 41,4 tỉ đồng và 304 tỉ đồng.

Về phía các khoản vay dài hạn, chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn FLC tại ngày 30/6/2020 là BIDV với dư nợ 1.637 tỉ đồng, theo sau là trái phiếu phát hành cho CTCP Chứng khoán MB (MBS) và Ngân hàng OCB với tổng giá trị gần 673 tỉ đồng, dư nợ dài hạn với các ngân hàng khác đều không quá 100 tỉ đồng.

Như vậy, tính đến cuối quí II vừa qua thì BIDV là chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn FLC với tổng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn 2.278 tỉ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, chi phí lãi vay của Tập đoàn FLC là gần 254 tỉ đồng, tương đương với cùng kì năm ngoái; tuy nhiên chi phí tài chính nói chung lại lên tới 515 tỉ đồng, tăng 71% so với cùng kì.

Ngoài vay các ngân hàng và tổ chức tài chính, Tập đoàn FLC còn có các khoản nợ dưới hình thức phải trả ngắn hạn, dài hạn cũng như do người mua trả tiền trước, tổng giá trị trên 16.000 tỉ đồng.

Trong số này có khoản phải trả cho bên liên quan như CTCP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Bất động sản FLCHomes 355 tỉ đồng, CTCP Xây dựng FLC Faros 1,8 tỉ đồng. Đây là hai doanh nghiệp có liên quan đến FLC thông qua việc có chung nhân sự lãnh đạo cấp cao.

Cụ thể, bà Hương Trần Kiều Dung - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC đồng thời là Chủ tịch HĐQT của FLC Faros. Bà Bùi Hải Huyền - Tổng Giám đốc FLC cũng là Chủ tịch HĐQT của FLCHomes.

Nêu quan điểm về việc sử dụng nợ trong kinh doanh, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC từng chia sẻ: "Đã kinh doanh thì ai cũng muốn nợ, càng nợ nhiều càng tốt. Nếu nợ không trả thì chỉ khi nào có phán quyết của tòa án mới gọi là nợ quá hạn".

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.