Vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền về việc một lớp học tại Trường mầm non Bắc Hà sau khi chụp ảnh kỷ yếu đã nhận lại tấm ảnh tập thể được chỉnh sửa bằng kỹ thuật cắt ghép. Sự việc này đã khiến nhiều bậc phụ huynh thắc mắc rằng liệu với số tiền bỏ ra 250.000 đồng để có một ảnh cá nhân có kích thước là 40x60 bao gồm khung, ảnh tập thể có kích thước 20x30 không bao gồm khung có giá là 50.000 đồng là quá đắt. Nhìn bức ảnh ghép gượng gạo của trẻ thì họ không thể chấp nhận?
Bức ảnh trước và sau khi được thợ ảnh chỉnh sửa. Ảnh Hoài Nam |
Để trả lời câu hỏi đó, phóng viên đã có cuộc trao đổi với một số thợ chụp ảnh có kinh nghiệm trong việc chụp kỉ yếu để có thể hiểu rõ hơn.
Theo anh Hiếu là thợ chụp ảnh tại Hà Nội cho biết: "Với mức giá cho 2 kiểu ảnh, ảnh tập thể cỡ 20x30 với giá 50 nghìn và ảnh cá nhân 40x60 có khung giá 250 nghìn đồng là không quá đắt. Bởi tuỳ vào mức độ uy tín của cửa hàng, hệ thống thiết bị máy móc, chất liệu làm nên sản phẩm và chi phí đi lại... mà người chụp có thể đưa ra những gói dịch vụ khác nhau.
Tuy vậy, trong trường hợp này, việc cắt ghép lộ liễu, thiếu trách nhiệm với tác phẩm của mình đã khiến cho nhiều phụ huynh lên tiếng thì người thợ ảnh này phải trả giá khá đắt".
Theo như lời kể của bà Nguyễn Thị Hồng Vinh, Hiệu trưởng trường Mầm non Bắc Hà: "Thợ ảnh đã chụp đi chụp lại rất nhiều lần nhưng vẫn chưa được ưng ý nên các cô đã yêu cầu thợ ảnh chụp lại. Sau khi chỉnh sửa thợ ảnh đã đưa ảnh ra cho cô giáo xem và những bức ảnh lần sau đẹp hơn nên đã đồng ý cho in ra đồng loạt...
Trước khi đồng ý in ảnh này thì cũng đã cho một số phụ huynh xem trước rồi. Ban đầu nhìn bằng mắt thường thì chúng tôi không thể phát hiện bức ảnh đã bị cắt ghép chỉnh sửa vì kỹ thuật chuyên môn không có".
Như vậy, có phải vì các con quá nghịch ngợm, thiếu tập trung mà thợ ảnh không thể chụp bức như ý? Họ buộc phải cắt ghép để có bức ảnh hoàn hảo?
Theo anh Tiến (thợ ảnh tại Hà Nội đã có gần 15 năm trong nghề) chia sẻ: "Trường hợp chụp tập thể cho một lớp quá đông và các em học sinh không nghe theo sự sắp xếp của người chụp ảnh là chuyện thường xuyên gặp phải khi đi chụp kỷ yếu ở các trường mầm non. Tuỳ theo kinh nghiệm của từng thợ mà có cách xử lý khác nhau.
Nhưng trong trường hợp hy hữu này, bức ảnh đã được chỉnh sửa qua khâu hậu kỳ và cắt ghép hết cả một tập thể lớp như vậy mà không nói rõ cho cô giáo chủ nghiệm và phụ huynh, khiến gây ra phản ứng trái chiều như mấy ngày qua trên mạng xã hội quả là một câu chuyện đáng để rút ra bài học".
Sau khi quan sát "tác phẩm" chụp kỷ yếu đang gây bão dư luận, anh Nam (chủ một hiệu ảnh cưới tại Vĩnh Phúc) cho biết: "Bức ảnh này phải khá mất thời gian mới làm xong khi người thợ phải cắt ghép hàng chục hình ảnh rồi gộp vào thành một tấm ảnh kỷ yếu tập thể, tuy nhiên bức ảnh lại mất đi vẻ tự nhiên và khá khô cứng.
Tôi đã chụp kỷ yếu trường mầm non khá nhiều lần, mặc dù rất mất thời gian để sắp xếp các cháu vào xếp hàng nhưng dù sao vẫn có thể chụp được chứ không phải phụ thuộc vào việc chỉnh sửa quá nhiều".
Có thể thấy việc sản phẩm có đáng "đồng tiền bát gạo" hay không thì cần có sự uy tín và làm việc hết mình của người thợ ảnh.
Trong trường hợp này, theo nhiều thợ chụp ảnh có kinh nghiệm thì việc sắp xếp cho các em nhỏ chụp ảnh kỷ yếu tại trường mầm non không phải là quá khó, người thợ chụp phải cố gắng "chớp" được những hình ảnh một cách nhanh gọn và giảm thiểu sự phụ thuộc vào khâu hậu kỳ.