Hành trình đi bắt Covid-19 của những "chiến binh" đặc biệt
Một ngày ở Trung tâm cấp cứu 115
“Alo, 115 xin nghe… Xin hỏi triệu chứng bệnh nhân thế nào ạ?.. Ho, khó thở, tức ngực… ”
“Đi dịch, đi dịch! Thông báo anh em nhé!”
“Chuẩn bị đồ bảo hộ. Đón bệnh nhân tại Trung Hòa – Nhân Chính! Khẩn trương khẩn trương!”
“Anh chị vui lòng đợi 30 phút. Anh chị cứ yên tâm, 115 sẽ đến đón”.
Tiếng chuông điện thoại, tiếng thông báo gấp gáp liên tục vang lên tại Bộ phận điều hành cấp cứu Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội.
“Nghe điện thoại liên tục, cứ hết cuộc này đến cuộc khác, đường dây nóng thường xuyên quá tải. Bình thường trung tâm tiếp nhận khoảng 1200 cuộc gọi/ngày nhưng thời điểm dịch con số này tăng vọt, lên khoảng 1900 cuộc/ngày”, chị Cao Thúy Hải, trưởng bộ phận điều hành cấp cứu 2 chia sẻ.
Ngay khi tiếp nhận cuộc gọi, các tổng đài viên nhanh chóng điều phối kíp trực. Một kíp 3 người gồm bác sĩ, điều dưỡng và lái xe được điều động vào vị trí, khẩn trương mặc bộ đồ bảo hộ: quần áo liền mũ, khẩu trang N95, găng tay, bọc giày, kính. Các thao tác diễn ra thuần thục, nhanh chóng.
Sau vài phút, chiếc xe hú còi rồi phóng vút về cuối phố Phan Chu Trinh. Chuyến xe thu dung bệnh nhân F1 khởi hành.
“Mọi người hay gọi đùa với nhau, đây là chuyến xe “đi bắt con Covid”. Xe đi đến đâu, bà con tránh xa vì ngại, ai nấy nhìn chúng tôi như người ngoài hành tinh”, bác sĩ Hoàng Văn Hải – Đội trưởng Đội cấp cứu 3 của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội vừa ngồi trên xe đọc thông tin bệnh nhân vừa tâm sự.
“Hôm nay trời mát nên anh em đỡ vất vả chứ hôm nào trời nóng thì đúng là đáng sợ. Trong mùa dịch này, xe không được bật điều hòa đâu. Một khi đã khoác lên mình bộ đồ bảo hộ thì nóng nực hay mắc đi vệ sinh cũng phải cố chịu cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ mới thôi”.
Chiếc xe cấp cứu lăn bánh vội vàng trên đường.
Từ lúc khởi hành – thu dung bệnh nhân F1 tại Trung Hòa Nhân Chính – đưa bệnh nhân đến Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội, cơ sở Hòa Lạc và trở về trung tâm là hơn 3 giờ đồng hồ. Những chuyến vận chuyển bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 thường xa và mất thời gian hơn rất nhiều các ca bệnh khác.
“Thật sự là lúc lên đường chưa kịp ăn lót dạ nên đến 20h tối anh em trong kíp đói mềm. Nhưng trong những chuyến thực hiện nhiệm vụ thu dung ca bệnh nghi nhiễm Covid-19 chúng tôi tuyệt đối không được dừng xe ăn uống, mua đồ hay tiếp xúc với bất cứ người dân nào”, anh Hải cho biết.
Trở về đến trung tâm, không ai bảo ai, kíp cấp cứu nhanh chóng thực hiện khử khuẩn.
“Khi mình ra, vào trung tâm cách li tập trung hay bệnh viện, họ đều phun khử khuẩn cho toàn bộ xe. Nhưng ngay khi về trung tâm, chúng tôi lại tiếp tục khử khuẩn bằng Cloramin B từ buồng chở bệnh nhân, buồng lái và xung quanh xe. Sau đó thực hiện khử khuẩn bằng tia cực tím trong 30 phút. Mọi khâu đều phải diễn ra chính xác vì có thể ngay sau đó, chúng tôi lại nhận lệnh đón một ca bệnh khác”, anh Lê Công Quang – lái xe của trung tâm chia sẻ.
“Hết xe rồi mới đến người. Chúng tôi phải thay đồ và tắm giặt thật sạch sẽ trước khi tiếp xúc với anh em đồng nghiệp. Có hôm đi đến 2-3h sáng, trời thì lạnh mà vẫn phải tắm, gội đầu cho đảm bảo”, bác sĩ Hải tâm sự.
Bác sĩ Trần Anh Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội thông tin: hiện mỗi ca trực có 15 xe, trong đó có 5 chiếc đặt thường trực tại trạm trung tâm. Mỗi kíp có thể thực hiện 8-10 chuyến/ca trực. “Theo lịch thì mỗi ca trực bắt đầu từ 8h sáng hôm trước đến 8h sáng hôm sau, tuy nhiên nếu gần hết ca mà vẫn phải đi cấp cứu bệnh nhân thì anh em phải kéo dài thời gian làm việc thêm 2, 3 tiếng. Như vậy mỗi ca trực không chỉ kéo dài 24h mà có khi lên đến 28, 30 giờ. Hiện tại theo lịch thì các ca trực làm việc 24 giờ rồi nghỉ 48 giờ. Công việc này đã vất vả nhưng trong mùa dịch thì vất vả gấp 3 gấp 4 lần”.
“Muốn thắng giặc thì phải chiến đấu”
Đó chính là khẩu hiệu của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội kể từ khi Hà Nội ghi nhận ca nhiễm đầu tiên.
“Chúng tôi chính là những người đầu tiên tiếp cận khu phố Trúc Bạch khi có thông tin về ca nhiễm số 17. Sau đó, chúng tôi vận chuyển tất cả bệnh nhân nghi nhiễm, có triệu chứng nhiễm (từ F0 – F1, F2…), nguy cơ và rủi ro cao. Những chuyến đầu tiên, nhiều anh em cũng tâm sự là có đôi chút lo lắng. Nhưng các anh em đã được tập huấn bài bản, nhiều người từng tham gia các chiến dịch như Sars, H1N1, H5N1…và ai nấy đều xác định đây là trọng trách của trung tâm – không phải ai cũng thay thế được nên luôn sẵn sàng lên đường”, bác sĩ Trần Anh Thắng chia sẻ.
Có những ngày, một kíp trực phải đón các trường hợp F1 đưa đến khu cách li tập trung và cấp cứu ngoại viện tới 12-13 chuyến, không ai được nghỉ ngơi, thế nhưng ai cũng xác định "muốn thắng giặc thì phải chiến đấu". Có nhiều kíp trực, vừa chợp mắt được vài phút thì lại có chuông báo lên đường. Có bác sĩ đang ăn vội bát mì tôm cũng hạ bát xuống để lên đường…
“Chuyện ấy vốn không lạ với nghề của anh em chúng tôi nhưng thời điểm này thì diễn ra thường xuyên hơn. Có khi ăn tối vào lúc 22, 23h đêm, hộp cơm vợ con chuẩn bị đã nguội ngắt. Có khi vừa khử khuẩn xong chuyến xe, tắm gội chưa kịp khô thì lại nhận lệnh lên đường. Công việc của cấp cứu 115 là vậy, chậm vài phút thôi là có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh”, bác sĩ Hoàng Văn Hải tranh thủ phút nghỉ ngơi sau chuyến xe tâm sự với chúng tôi.
“Khó khăn, vất vả nhưng có những nỗi niềm riêng mà không phải ai cũng hiểu…”, bác sĩ Hải nói.
Nhiều ngày qua, bác sĩ Hải cũng như nhiều anh chị em khác trong trung tâm phải thực hiện “tự cách li” với vợ con, gia đình để đảm bảo an toàn. “Dù các khâu chuẩn bị, khử khuẩn được thực hiện nghiêm ngặt nhưng ai nấy đều cố gắng hạn chế tiếp xúc để bảo vệ tốt nhất cho gia đình, mọi người xung quanh. Bản thân tôi thường ăn cơm riêng, ngủ riêng trong những ngày chống dịch. Có nhiều anh chị em thì phải gửi con về quê, xa con đã 2 tháng nay, chỉ gặp con qua màn hình điện thoại”.
“Có hôm vợ tôi ốm mà đang trong ca trực căng thẳng nên tôi không thể về thăm vợ. Các con gọi điện nhắn nhủ: Ba cứ yên tâm, con sẽ chăm sóc mẹ và đợi ba về. Lúc đó trong lòng nóng ruột, thương vợ thương con nhưng cũng phải tạm gác một bên để hoàn thành nhiệm vụ”, bác sĩ Hải xúc động khi nhớ lại.
Tương tự như bác sĩ Hải, anh Cao Bùi Trường – nhân viên lái xe đã 22 năm tại trung tâm cũng nhiều ngày thực hiện “ăn riêng, ngủ riêng” để phòng tránh cho vợ con. “Tôi đã từng tham gia vào chiến dịch chống SARS năm 2003 nhưng lần này, dịch Covid diễn biến phức tạp hơn rất nhiều, công việc nặng nề hơn rất nhiều. Vợ con ở nhà cũng tâm sự, nhiều khi hàng xóm e ngại khi thấy mình làm công việc này. Nếu trước đây thì mình cũng buồn đấy nhưng 22 năm gắn bó với nghề, mình phải vững vàng và cũng hiểu cho nỗi lo của họ. Nhiệm vụ, trách nhiệm của mình thì không thể từ bỏ. Chúng tôi tự hào vì được góp công sức vào cuộc chiến chống dịch của cả đất nước”.