Theo thông tin vừa công bố, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, Mã: BCM) đã nhận được Quyết định chấp thuận niêm yết 1,035 tỉ cổ phiếu BCM tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), ứng với vốn điều lệ 10.350 tỉ đồng.
Khởi đầu của Becamex IDC là Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) tại Bình Dương, liên doanh giữa công ty và nhóm các nhà đầu tư Singapore mà dẫn đầu là Tập đoàn SembCorp.
Đến nay, Becamex IDC đang sở hữu khoảng 14 khu công nghiệp với tổng diện tích 10.456 ha, chiếm 11,4% tổng diện tích đất khu công nghiệp tại Việt Nam.
Hệ thống Khu công nghiệp VSIP đã có mặt tại các tỉnh thành khác như Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hải Dương.
Riêng tại Bình Dương, Becamex IDC đang đầu tư trực tiếp 6 khu công nghiệp: KCN Mỹ Phước 1, 2, 3 (1.287 ha), KCN Thới Hòa (153 ha), KCN Bàu Bàng (735 ha), KCN Bàu Bàng mở rộng (754 ha).
Các khu công nghiệp này hiện đã lấp đầy khoảng 90%. Riêng KCN Bàu Bàng mở rộng còn gần 500 ha chưa khai thác và quĩ đất này đủ để công ty kinh doanh đến hết năm 2025.
Về quĩ đất cho tương lai, Becamex IDC tiếp tục đầu tư KCN Cây Trường (Bình Dương) với diện tích qui hoạch 700 ha và tổng mức đầu tư dự kiến 4.000 tỉ đồng.
Dự án này đã được Thủ tướng chấp thuận đầu tư và công ty đang giải phóng mặt bằng, dự kiến đi vào khai thác từ năm 2021.
Bên cạnh bất động sản khu công nghiệp, Becamex IDC còn phát triển bất động sản khu dân cư (KDC) với các dự án như: KDC Mỹ Phước, KDC Thới Hòa, KDC Bàu Bàng, KDC VietSing.
Becamex còn sở hữu các bất động sản thương mại như Thành phố mới Bình Dương (1.000 ha, tổng mức đầu tư 10.000 tỉ đồng) với nhiều hạng mục, Becamex City Center (6 ha) và khoảng 11.451 căn nhà ở xã hội tại 8 dự án.
Becamex IDC có 7 công ty con, trong đó có 4 công ty hoạt động ở lĩnh vực bất động sản, xây dựng và hạ tầng (Becamex IDJ, TDC, BCE, UDJ), ba công ty còn lại hoạt động ở lĩnh vực y tế (Bệnh viện Mỹ Phước, Bệnh viện Quốc tế Becamex) và giáo dục (Trường Đại học quốc tế Miền Đông).
Phía công ty cho biết, mảng bất động sản đạt biên lợi nhuận gộp bình quân 40-60% mỗi năm do phần lớn các quĩ đất khu dân cư của công ty được tạo lập từ nhiều năm trước.
Tuy nhiên, theo dự báo của Becamex IDC, kết quả kinh doanh năm nay sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVDI-19. Việc đi lại giao thương quốc tế bị hạn chế khiến các đối tác yêu cầu giãn hoặc hoãn thời gian thực hiện hợp đồng, kéo dài thời gian ghi nhận doanh thu.
Theo đó, Becamex IDC và các công ty con đều lập kế hoạch kinh doanh năm nay giảm 20-30% về doanh thu và giảm 50-60% về lợi nhuận so với thực hiện năm trước.
Thực tế, ngoại trừ những giai đoạn thị trường bất động sản ấm lên như 2018 - 2019, phần lớn lợi nhuận của Becamex IDJ vẫn đến chủ yếu từ liên doanh VSIP.
Trong 3 tháng đầu năm nay, riêng doanh thu hợp nhất ở mảng bất động sản (chiếm 60% tổng doanh thu) giảm 42% so với cùng kì năm ngoái, tương ứng đạt 819 tỉ đồng.
Thậm chí, BCTC hợp nhất quí II vừa công bố mới đây cho thấy, công ty không có doanh thu từ kinh doanh bất động sản. Điều này khá dễ hiểu, bởi thực tế bên cạnh tác động của COVID-19, thị trường bất động sản tại Thành phố mới Bình Dương vẫn đang khá trầm lắng.
Ngoài ra, các công ty con hoạt động ở lĩnh vực y tế và giáo dục đều lần lượt báo lỗ sau thuế trong quí đầu năm. Trong đó, Trường Đại học quốc tế Miền Đông lỗ gần 10 tỉ đồng, Bệnh viện Mỹ Phước lỗ hơn 4 tỉ đồng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex lỗ gần 3 tỉ đồng,…
Becamex IDC cũng lí giải thêm, với đặc thù ngành nghề kinh doanh mang tính chu kì dài và cần vốn lớn, việc chưa thể huy động vốn để tăng vốn điều lệ, qua đó tái cấu trúc tài chính là một gánh nặng, tạo áp lực lên hiệu quả kinh doanh của công ty, cũng như đầu tư mở rộng dự án mới.
Đồng thời, các dự án đầu tư ngoài tỉnh Bình Dương của các công ty con chưa đi vào kinh doanh nên đội chi phí cao.
Dù ghi nhận lợi nhuận dương nhưng trong hai năm gần đây (2018 và 2019) nhưng do phải thanh toán các khoản nợ đến hạn khiến dòng tiền của Becamex IDC ngày càng sụt giảm.
Báo cáo tài chính quí II/2019 của Becamex IDC cho thấy, doanh nghiệp chỉ còn 160 tỉ đồng tiền mặt, một tỉ lệ rất nhỏ trên tổng nguồn vốn của doanh nghiệp. Phần lớn tài sản đang nằm ở những hạng mục kém thanh khoản như hàng tồn kho và tài sản dở dang dài hạn.
Để có nguồn vốn lớn thanh toán các khoản vay và đầu tư các dự án, Becamex đã lên kế hoạch tăng vốn gấp đôi lên 20.000 tỉ đồng từ đầu năm 2019 thông qua các đợt phát hành: 758 triệu cp riêng lẻ, 207 triệu cp cho cổ đông hiện hữu và 21,4 triệu cp ESOP.
Tuy nhiên, các kế hoạch tăng vốn bị trì hoãn đến nay do gặp khó khăn về quyết định từ phía cơ quan Nhà nước.
Trước áp lực nợ và lãi vay ngân hàng, Becamex IDC dự kiến phát hành tối đã 1.500 tỉ đồng trái phiếu trong năm nay. Trước mắt giữa tháng 11 tới đây, công ty đến hạn tất toán 4 lô trái phiếu với tổng giá trị hơn 2.000 tỉ đồng.
Trong đó, các trái chủ bao gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (1.080 tỉ đồng), Ngân hàng TNHH Indovina (500 tỉ đồng), Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga (400 tỉ đồng) và CTCP Đầu tư và Phát triển Ngân Lực (20 tỉ đồng).
Theo ban lãnh đạo công ty cho biết tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, việc chuyển sàn sẽ giúp tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, tạo giá trị gia tăng cho cổ đông và tạo điều kiện thuận lợi cho công ty huy động vốn.