Cổ đông gắn bó với Eximbank bày tỏ: 'Chúng tôi cùng lắm cũng chỉ có thể la lên rồi thôi'

"4 năm nay cổ đông không được nhận cổ tức. Cổ đông chúng tôi cùng lắm cũng chỉ có thể la lên rồi thôi. Chỉ khi báo chí phản ánh thì NHNN can thiệp, chỉ có NHNN mới giải quyết được…, một cổ đông chia sẻ tại lần tổ chức đại hội lần thứ 7 của Eximbank.

Sau khi đại diện Ban kiểm soát tuyên bố ĐHĐCĐ thường niên 2020 lần 2 của Eximbank chính thức bất thành, một số cổ đông lớn tuổi đã ở lại hội trường và bày tỏ sự thất vọng trực tiếp với ban điều hành với 2 đại diện gồm Chủ tịch HĐQT Yasuhiro Saitoh và Quyền Tổng Giám đốc Nguyễn Cảnh Vinh. 

Theo ý kiến của các cổ đông, đây đã là lần tổ chức đại hội thứ 7 bất thành của Eximbank. Nhiều lần thất bại như vậy thì ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo và thiệt hại uy tín của ngân hàng.

Cổ đông đề nghị phía lãnh đạo ngân hàng nên có những động thái thay đổi, hoặc điều chỉnh điều lệ tổ chức đại hội, hoặc vận động những cổ đông nắm nhiều cổ phiếu đến tham dự.

"Nếu đã tổ chức một lần thất bại, lãnh đạo phải suy nghĩ tại sao thất bại để lần thứ 2 thành. Trong khi giờ đã là lần thứ 7 vẫn thất bại", cổ đông nêu quan điểm. Không những vậy, việc đại hội liên tục trì hoãn là một sự lãng phí tiền của ngân hàng và cổ đông.

Trao đổi với người viết, vị cổ đông lớn tuổi và gắn bó lâu năm với ngân hàng chia sẻ, dù đại hội bị hoãn nhiều lần nhưng ông vẫn đến dự với mong muốn và hi vọng ngân hàng được ổn định.

"4 năm nay cổ đông không được nhận cổ tức", vị cổ đông lớn tuổi nghẹn ngào. Theo cổ đông này, lí do níu giữ ông gắn bó với Eximbank đến giờ phút này bởi "gia đình tôi tin tưởng ngân hàng này lắm, rất mong sớm ổn định trở lại mới phát triển được".

Cổ đông cho rằng, trước đây, Eximbank rất uy tín, là một trong 5 ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam. Thế nhưng, việc liên tục thay ghế Chủ tịch HĐQT cũng chứng tỏ nội bộ không đoàn kết, chia phe chia phái, vô tổ chức. 

Đại hội năm nay đã vắng rất nhiều cổ đông so với những lần đại hội bất thành trước. Trong đó, có những cổ đông đã gắn bó với ngân hàng kể từ ngày đầu ngân hàng cổ phần hoá đã không đến tham dự. 

Điều này dễ hiểu, bởi không phải cổ đông nào cũng có đủ sự kiên trì sau khi nhiều lần bỏ công đến dự rồi ra về mà không nhìn thấy điểm sáng nào trong câu chuyện mâu thuẫn nội bộ của Ngân hàng.

Một cổ đông là nhân sự Eximbank về hưu cũng đã rất buồn chia sẻ với người viết rằng, "vấn đề của EIB không còn gọi là trăn trở đối với những người như tôi nữa, mà nó đã tạo thêm nếp nhăn. Bởi vì tôi cứ nghĩ rằng đầu tư vào Eximbank cũng như gửi tiền vào ngân hàng nhưng lợi tức thì sẽ cao hơn".

Sự bất mãn nhưng không thể phản kháng và không biết phải làm gì. Đó là tâm trạng của các cổ đông tham dự đại hội chia sẻ trong các đại hội. "Cổ đông chúng tôi cùng lắm cũng chỉ có thể la lên rồi thôi. Chỉ khi báo chí phản ánh thì NHNN can thiệp, chỉ có NHNN mới giải quyết được…", cổ đông T.Q.T chia sẻ.

Trước đó, báo cáo của Ban kiểm soát (BKS) cũng cho biết, hoạt động của HĐQT còn nhiều vấn đề. Theo BKS Eximbank đánh giá, trong nhiệm kì qua đặc biệt là trong năm 2019, hoạt động của HĐQT thiếu nhịp nhàng, các thành viên HĐQT còn nhiều ý kiến trái chiều gây tranh cãi.

Trong khi đó, nguyên nhân Eximbank vẫn chưa trả cổ tức là do ngân hàng chưa đủ điều kiện để chia cổ tức do là ngân hàng đã được NHNN chấp thuận gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt. Nguồn lợi nhuận giữ lại này sẽ là nguồn để xử lí nợ xấu cho đến khi toàn bộ phần trái phiếu gia hạn được thanh toán.

Trước những ý kiến bên lề của cổ đông, Quyền Tổng Giám đốc Nguyễn Cảnh Vinh phản hồi: "HĐQT và Ban điều hành vẫn đang làm hết sức để ngân hàng ổn định nhưng nhiều việc lực bất tòng tâm và cần thêm thời gian. Ý kiến của cổ đông hoàn toàn đúng và việc gây lãng phí như thế này HĐQT cũng không hề mong muốn".

Trước lo ngại của cổ đông về việc liệu đại hội thường niên lần 3 trong năm nay có được diễn ra hay không, ông Vinh cho biết: "Theo luật, tối đa 20 ngày nữa ĐHĐCĐ thường niên lần 3 sẽ diễn ra, không bị giới hạn tỉ lệ".

Ông Vinh cũng trấn an cổ đông rằng ngân hàng vẫn đang hoạt động bình thường, các chỉ số của ngân hàng như thanh khoản, kiểm soát nợ xấu vẫn giữ ổn định. 

"Đến ngày hôm nay, các chỉ số huy động cho vay giảm so với đầu năm. Chỉ số CAR theo Thông tư 41/TT-NHNN là 11,7%. Tính đến ngày 30/6/2020, lợi nhuận trước thuế Eximbank đạt 555 tỉ đồng", Quyền Tổng Giám đốc Eximbank cho hay.

Theo tờ trình đại hội năm nay, Eximbank dự kiến lợi nhuận trước thuế năm nay khoảng 1.318 tỉ đồng, tăng 20% so với năm 2019.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.