Sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải nâng gói hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỉ đồng lên 100.000 tỉ đồng, từ giới nghiên cứu khoa học tới người nông dân đều tỏ ra vô cùng hào hứng.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. (Ảnh NVCC) |
Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng – Chuyên gia cao cấp Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội), đưa tiền cho DN thì DN phải hỗ trợ nông dân. Không phải để DN chỉ làm vài mô hình trình diễn hiện đại kiểu như trồng được cây cà chua trên giàn cho hàng vạn quả, cũng đẹp lắm; hoặc dưới đất trồng khoai tây, trên trồng cà chua… Đúng, đó là thành tựu của các nhà sinh học, nhưng chỉ để chứng tỏ năng lực của khoa học thôi. Còn với chúng ta, điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Ví dụ nếu trồng được cà tím ghép cà chua thành công và có thể cho nông dân nhân lên đại trà được thì rất tốt vì giống cây này có thể chống chịu được các loại bệnh do virus. Cho nên tôi nghĩ phải đưa khoản tiền này vào đúng chỗ của nó, đó là ưu tiên cho công nghệ ứng dụng, không phải công nghệ trình diễn.
Mỗi năm, Việt Nam nhập 4.000 loại thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi năm nước ta có 200 nghìn ca ung thư mới, trong đó có 75 nghìn người chết vì ung thư. Tính ra có đến 35% nguyên nhân là do thức ăn, trong đó phần lớn là từ thuốc bảo vệ thực vật. Thực tế hiện nay, nông dân toàn dùng các loại phân, thuốc này cho trồng trọt, mà phân đạm hóa học sẽ tích lũy nitrit, là chất gây ung thư.
Hiện nay, Hội Các ngành sinh học Việt Nam đang xây dựng mô hình rau bảo đảm trong nhà lưới, nghĩa là sẽ không có bướm, không có sâu gây hại cho rau. Bao bì rau bảo đảm sẽ ghi rõ “không thuốc trừ sâu hóa học, không phân đạm hóa học”. Nhưng theo Giáo sư Nguễn Lân Dũng thì, các nhà quản lý nông nghiệp tại Nghệ An nói mô hình này không có tính khả thi cao vì diện tích đất làm nông nghiệp lớn và còn rải rác.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng chia sẻ: Chúng tôi lại nghĩ đến cách khác là làm thuốc trừ sâu sinh học. Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) có tất cả các chủng vi sinh vật trừ sâu. Vậy tại sao chúng tôi không làm được? Vì chúng tôi gặp lúng túng. Chúng tôi có công nghệ và trang thiết bị, nhưng không có tiền. Vậy nên chỉ có cách vận động người mua đặt tiền trước thì chúng tôi mới làm. Đó là điều vô lý.
Tăng lương không phải là giải pháp tốt nhất để có chuyên gia giỏi Về nhân lực, tôi nghĩ rằng đối với các trường đại học, tăng lương không phải là giải pháp tốt nhất để có chuyên gia giỏi. Hiện mức lương mà Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học trả cho mỗi tiến sĩ mới tốt nghiệp chỉ là 3 triệu đồng/tháng. Không thể nuôi một đứa con với mức lương 3 triệu đồng khi lương cho người giúp việc đã là 5 triệu đồng. Nhưng làm sao tăng lương khi hàng triệu, hàng vạn tri thức khác cũng đang hưởng mức lương như thế? Vậy hãy tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ có thể vừa nghiên cứu, vừa sản xuất. Không sản xuất được nhiều thì sản xuất pilot (sản xuất mẫu). Doanh nghiệp sẽ làm nốt phần việc tiếp theo là nhân lên thành sản xuất lớn. Chúng tôi đang cố gắng đưa Viện mình theo con đường đó. Chúng tôi hiện đang trên đường xây dựng các phân xưởng cho các nhà khoa học trẻ vừa nghiên cứu, vừa sản xuất. |