Con gái ông Trần Quí Thanh: Thế hệ F2 chúng tôi rất áp lực vì xã hội định kiến 'vừa sinh ra đã ngậm thìa vàng'

Trần Uyên Phương cho biết thế hệ những doanh nhân F2 như chị bị gắn nhãn “vừa sinh ra đã ngậm thìa vàng”, đồng thời cố gắng thoát khỏi “cái bóng” của thế hệ F1, nên rất áp lực.

Là doanh nhân đại diện thế hệ F2 xuất hiện tại Hội thảo "Xây dựng thế hệ lãnh đạo kế cận: Bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp gia đình thành công trên thế giới", vừa diễn ra ở TP HCM, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, nhận được nhiều sự chú ý về câu chuyện quản trị doanh nghiệp gia đình.

Trần Uyên Phương là con gái ông Trần Quí Thanh - người sáng lập Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát. 

67690324_1342250965931065_8287410809500336128_n

Trần Uyên Phương (thứ ba từ trái qua) là con gái ông Trần Quí Thanh - người sáng lập Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát. (Ảnh: Phúc Minh).

Là con cả trong gia đình rồi tham gia vào việc quản trị công ty, cô gái  8X thuộc thế hệ doanh nhân F2 này, chia sẻ tại Tân Hiệp Phát, các định kiến về bệ phóng của doanh nghiệp gia đình hầu như bị xóa bỏ, để có thể đạt được mục tiêu lớn trong tương lai.

"Tôi cũng chỉ là nhân viên của Tân Hiệp Phát"

Trước khi được chọn làm người thừa kế Tân Hiệp Phát, Trần Uyên Phương  từng trải qua nhiều công việc khác nhau như thư kí, nhân viên marketing, dịch thuật… tại công ty do ba chị là ông Trần Quí Thanh sáng lập. Chứng minh được thực lực, Phương mới được cất nhắc lên vị trí cao hơn trước khi chính thức giữ chức Phó Tổng giám đốc, chỉ chịu sự quản lí trực tiếp của ba.

Thế hệ sau cách thế hệ đầu của ông Trần Quí Thanh và "Madam" Phạm Thị Nụ vài chục tuổi. Chính sự chênh lệch về tuổi tác và khoảng cách thế hệ khiến bà Trần Uyên Phương không ngại nhìn nhận đây là nguyên nhân xảy ra bất đồng quan điểm trong việc quản lí doanh nghiệp. 

"Về mặt ý tưởng, chắc chắn sẽ có nhiều điểm trái ngược nhau, không phải lúc nào thế hệ F1 và F2 cũng cùng quan điểm. Đây lại là thách thức rất quan trọng với các doanh nghiệp gia đình, bởi nếu không chia sẻ tâm tư thì làm sao các quan điểm được lắng nghe và đi đến sự đồng thuận cuối cùng", Trần Uyên Phương khẳng định.

Bà Uyên Phương 3

Trần Uyên Phương cho rằng thế hệ F2 và F1 vốn có nhiều mâu thuẫn nhưng quan trọng là phải giải quyết, tìm được tiếng nói chung. (Ảnh: Phúc Minh).

Thực tế đây chỉ là vấn đề chung của các doanh nghiệp gia đình. Vì vậy, người thừa kế Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng quan trọng là việc giải quyết các mâu thuẫn đó như thế nào, để đưa công ty ngày càng đi lên, thay vì liên tục vấp phải thử thách của sự chênh lệch thế hệ.

Cũng theo Trần Uyên Phương, ở vị trí là người kế thừa, khi đưa ra bất kì ý tưởng nào thì trước hết cũng phải xem xét ở tính khả thi, liệu có thuyết phục được ba mẹ - tức thế hệ xây dựng doanh nghiệp hay không, rồi đến hàng loạt phòng ban khác của doanh nghiệp. Các yếu tố rủi ro, đặc biệt là rủi ro về tài chính lại càng được đưa vào xem xét.

"Thực tế, đây là quy trình khi đề xuất ý kiến của nhân viên Tân Hiệp Phát, chúng tôi cũng chỉ là nhân viên của tập đoàn. Nếu bản kế hoạch đó không được thông qua nghĩa là nó chưa đủ tốt, chưa có tính vượt trội. Tôi cũng đã nhiều lần bị sếp Thanh gạch ý tưởng", Trần Uyên Phương nói.

Đến nay, khi đã trực tiếp giải quyết công việc hàng ngày, Phó tổng giám đốc Trần Uyên Phương mới nhận ra tính khả thi thực sự quan trọng trong kinh doanh, bởi mỗi quyết định được đưa ra sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người, chưa kể nếu thiệt hại có thể lên đến cả nghìn tỉ đồng.

Tân Hiệp Phát tính toán tuyển giám đốc cho chi nhánh nước ngoài

Trong khi các chuyên gia quốc tế chỉ ra rằng sự phát triển của công ty gia đình vốn nhập nhằng giữa vị trí và vai trò các thế hệ trong việc quản lí doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp gia đình châu Á bởi thiếu sự khách quan, thì con gái ông chủ Tân Hiệp Phát lại không nghĩ như vậy.

Ảnh chụp Màn hình 2019-08-08 lúc 00

Forbes xuất bản sách tiếng Anh "Competing with Giants (Vượt lên người khổng lồ) của bà Trần Uyên Phương vào năm 2018.

"Chúng tôi đã tái cấu trúc rất nhiều lần. Một trong những điều khó khăn nhất là chọn đúng người đúng vị trí, tức ai có thể làm được vị trí đó, một nhân viên cũ sẽ có vị trí lên hay xuống. Đây là điều rất khó, nhưng bắt buộc phải chấp nhận để phát triển lâu dài", người kế thừa Tân Hiệp Phát khẳng định.

Theo chị Phương, nếu đã xác định đi vào cuộc chơi lớn, tức tham vọng đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển, thì các doanh nghiệp gia đình bắt buộc phải có hệ thống quản trị đúng chuẩn, đặc biệt là theo chuẩn quốc tế.

Tại Tân Hiệp Phát, ngay từ sớm đã ý thức được vấn đề hệ thống quản trị. Vì vậy, cách đây hơn 10 năm, doanh nghiệp đã có hệ thống quản lí cao cấp ERP (Enter Resource Plantning) và đào tạo một đội ngũ chuyên gia ERP giải quyết các vấn đề của công ty, cắt giảm chi phí vận hành hệ thống quản lí.

Song song đó, là sự cải tiến về công nghệ sản xuất khi đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất bằng công nghệ chiết lạnh vô trùng và khép kín Aseptic của GEA Procomac (Đức) vào toàn bộ 4 nhà máy trên cả nước. Cũng nhờ dây chuyền áp dụng công nghệ này mà các sản phẩm nước giải khát của Tân Hiệp Phát chinh phục được  20 thị trường khó tính như Canada, Hà Lan, Australia, Hàn Quốc, Singapore…

Ảnh chụp Màn hình 2019-08-08 lúc 00

Công nghệ chiết lạnh vô trùng và khép kín Aseptic của GEA Procomac được vận hành tại các nhà máy của Tân Hiệp Phát.

"Thậm chí, chúng tôi đã thuê đơn vị tư vấn nước ngoài để thiết lập lại hệ thống, quy trình quản trị cho hiệu quả. Tương lai, chúng tôi muốn có nhà máy tại các quốc gia khác thì hệ thống quản trị phải khác, đầu tiên 'headquarter' cần phải làm gì, tổng giám đốc tại chi nhánh các nước ra sao, mức độ tin cậy như thế nào…", Trần Uyên Phương thẳng thắn.

Mục tiêu đầu tư nhà máy tại thị trường nước ngoài của Tân Hiệp Phát lần đầu được tiết lộ bởi ông Trần Quí Thanh, tại sự kiện khánh thành nhà máy Hậu Giang vào tháng 3 năm nay. Ông Thanh cho biết sẽ dùng các sản phẩm thức uống có lợi cho sức khỏe của công ty để chinh phục người tiêu dùng quốc tế.

Người ta nói chúng tôi là thế hệ 'ngậm thìa vàng'

Dù tham gia quản lí Tân Hiệp Phát được vài năm nay, nhưng bà Trần Uyên Phương vẫn thú nhận gặp phải rất nhiều áp lực, khi ba mẹ gây dựng nên sự nghiệp thành công và mình đang mang trọng trách kế thừa. 

Thậm chí, con gái ông Trần Quí Thanh cũng cho rằng đã nghe dư luận về việc những thế hệ F2 như chị bị gán nhãn "vừa sinh ra đã ngậm thìa vàng", nên càng áp lực trong việc thoát khỏi cái bóng của thế hệ đi trước và trách nhiệm trước khối tài sản, sự nghiệp của thế hệ đầu để lại.

40nam

Trần Uyên Phương bên gia đình gồm ông Trần Quí Thanh, bà Phạm Thị Nụ và em gái Trần Ngọc Bích.

Thực tế, ông Trần Quí Thanh đã trăn trở về thế hệ kế cận ngay từ rất sớm và cho rằng các con ông vừa may mắn nhưng cũng vừa "bạc phước" khi sinh ra trong một doanh nghiệp gia đình.

"Tôi phải chọn đúng người trở thành CEO của công ty và trao lại trọng trách này cho người có năng lực. Tôi hi vọng các con tôi sẽ làm việc cật lực để đạt được điều đó, thay vì mặc nhiên cho rằng chúng sẽ được trao cho một vị trí. Kế thừa một doanh nghiệp không phải là một đặc lợi, mà là một trọng trách", ông chủ Tân Hiệp Phát từng nói với CNBC.

Và "trọng trách" đó đã đặt trên vai của Trần Uyên Phương - người phụ nữ bé nhỏ được chọn để đấu với những "gã khổng lồ" thế giới trong lĩnh vực nước giải khát.

Người thừa kế Tân Hiệp Phát cho hay với vai trò là lãnh đạo doanh nghiệp thuộc thế hệ F2, chị đang tích cực phát triển tập đoàn. Nếu như thế hệ F1 quan trọng xây dựng nên nền tảng hiện tại thì thế hệ kế thừa phải giữ gìn hình ảnh doanh nghiệp từ quá khứ, hiện đại đến cả tương lai.

"Phải hiểu tường tận về quá khứ, tại sao chúng ta có quyết định đó để thấy được logic của trước đây. Tuy nhiên, những logic không còn phù hợp phải thay đổi để phát triển. Chúng ta phải xây dựng được chiến lược ngắn và dài hạn, càng làm cụ thể thì hướng đi tương lai mới thực tế và rõ ràng", Trần Uyên Phương nhấn mạnh.

anhthay

Trần Uyên Phương cho rằng bản thân luôn biết ơn người ba Trần Quí Thanh của mình.

Nữ doanh nhân cho hay muốn Tân Hiệp Phát tồn tại và phát triển như những công ty gia đình trên thế giới, trong đó, có những doanh nghiệp tồn tại đến 9 thế hệ. 

Vì vậy, dù gặp nhiều áp lực khi mang nặng trên vai "trọng trách" nhưng Trần Uyên Phương vẫn cảm thấy biết ơn ông Trần Quí Thanh, người ở công ty chị gọi là "sếp Thanh" nhưng khi về nhà thì nhất quyết phải cởi bỏ chiếc "nón" ấy đi, trở về với vai trò người con thực sự.

"Không có lí do gì phải đội chiếc nón nhân viên về nhà để hai ba con có khoảng cách. Hoặc nếu giữ mãi chiếc nón ấy khi về nhà thì tôi cũng không thể nhõng nhẽo với ba mình được", Trần Uyên Phương cười, hóm hỉnh.